Tuyên chiến với lãng phí - Bài 10: Nhà máy đường 200 tỉ đồng thành phế liệu!

16/10/2005 23:32 GMT+7

Trên quốc lộ 1A, giữa vùng cát trắng giáp ranh hai huyện Thăng Bình và Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), từ năm 1995 đã sừng sững mọc lên một nhà máy đường. Theo thiết kế, nhà máy sẽ tiêu thụ mỗi ngày 1.000 tấn mía, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Thế nhưng 10 năm trôi qua, bây giờ nhà máy đã trở thành đống sắt vụn hoang phế! Gần 200 tỉ đồng vốn đầu tư cho nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu đang dầm mưa nắng và hàng chục tỉ đồng nợ ngân hàng chưa trả được.

Năm 1995, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy Đường Quảng Nam với vốn ban đầu là 98 tỉ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh đã lên đến 154 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Lương thực và Công nghiệp thực phẩm miền Trung (Foodinco). Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ niên vụ 1997-1998 với toàn bộ thiết bị do Tập đoàn STG-FCB (Úc) cung cấp với tổng giá trị 11,2 triệu USD...

Tuy nhiên, do thiết bị không đồng bộ và chất lượng kém đã dẫn đến việc vận hành liên tục bị trục trặc, đến năm 1999 mới đưa vào sản xuất thử nhưng sản phẩm không đạt chất lượng và tiêu hao nhiên liệu lớn. Mặt khác, do công tác vùng nguyên liệu không đồng bộ và thiếu vốn thu mua nên nguồn mía cây không đủ cho nhà máy hoạt động. Tháng 10.2000, Bộ NN-PTNT lại ra quyết định chuyển sở hữu nhà máy này cho Tổng công ty Mía đường II và đổi tên là Công ty Đường Quảng Nam. Sau 4 năm tiếp nhận, đến năm 2004, hai bên (chủ đầu tư dự án và Tổng công ty Mía đường II) vẫn không bàn giao được tài sản vì không quyết toán được giá trị đầu tư. Cuối năm 2004, nhà máy này dự định chuyển vào một tỉnh ở phía Nam với kinh phí di chuyển lên đến hàng chục tỉ đồng! Nhưng do chi phí cao và vùng nguyên liệu không xác định được nên Bộ NN-PTNT lại ra quyết định giải thể, phá sản Công ty Đường Quảng Nam đồng thời với 2 nhà máy khác ở miền Trung.

Vì sao sau 9 năm đầu tư xây dựng mà công trình Nhà máy Đường Quảng Nam không nghiệm thu quyết toán được để bàn giao? Đó có phải là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc các ngân hàng không thể tiếp tục cho vay vốn thu mua nguyên liệu?... Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra, trong đó có ý kiến cho rằng cốt lõi vẫn là chuyện "người ăn ốc, kẻ đổ vỏ" trong quá trình đầu tư xây dựng công trình này. Vì vậy, nội bộ bộ máy quản lý luôn xảy ra những chuyện lùng nhùng, kiện thưa tới nhiều cấp.

Chỉ sau 3 năm triển khai dự án, do mâu thuẫn nội bộ đã có 20 cán bộ chủ chốt, kĩ sư giỏi phải nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác, trong đó có 3 phó giám đốc ban quản lý dự án, 2 phó giám đốc nhà máy; số còn lại là hơn một chục các kỹ sư cơ khí, hóa thực phẩm đã được đi thực tập ở nước ngoài, kể cả các quản đốc phân xưởng và kế toán trưởng! Một số "người ra đi" cho biết, nguyên nhân là họ dám đấu tranh thẳng thắn với cấp trên nên không có lý do để ở lại (!?).

Họ đã nói thẳng những gì? Các hồ sơ trong quá trình đầu tư nhà máy đến nay như hợp đồng mua thiết bị, biên bản kiểm tra cụ thể tình trạng các thiết bị khi lắp đặt, nghiệm thu, chạy thử, biên bản nhiều cuộc họp và đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ công nhân viên đã thể hiện:

- Hợp đồng mua thiết bị không được phía nước ngoài thực hiện đầy đủ. Trong lúc họ cam kết cung cấp 100% thiết bị sản xuất ở nước ngoài thì sau đó lại có thỏa thuận khác là chấp nhận 30% sản xuất, gia công trong nước. Oái oăm thay, giá trị 11,2 triệu USD lại không thay đổi và đã được thanh toán (ngày 1.6.1999) bất kể kết quả chạy thử, nghiệm thu, bảo hành không đạt yêu cầu như đã cam kết. Giá trị 5% hợp đồng, tương đương 560 ngàn USD ghi tại các điều 11.4 đến 13 của hợp đồng về các khoản phạt khi nhà cung cấp vi phạm các cam kết, đã không được chủ đầu tư vận dụng để ràng buộc đối tác, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

- Biên bản ngày 25.5.1999 về đánh giá kiểm tra thiết bị cho thấy các hệ thống trục ép (785.000 USD) không đạt chất lượng, turbin đa thì bị thay đổi bằng turbin đơn thì (chênh lệch hơn 200 ngàn USD). Các thiết bị khác như máy lọc bùn, máy phát điện dự phòng, thiết bị cứu hỏa (giá trị gần 250 ngàn USD) đều là máy cũ; trang thiết bị cho phân xưởng sửa chữa chỉ đạt giá trị một nửa trong tổng số 139.900 USD.

Do tình trạng đó, cả 3 lần chạy thử (tháng 5.1998, 6.1999 và 3.2000) đều không đạt các chỉ tiêu kỹ thuật và không ký được biên bản nghiệm thu.

- Tại điều 7.2 của hợp đồng qui định khoản phí tài chính là 900 ngàn USD cho cả gói tín dụng 11,2 triệu USD. Nhưng trên thực tế, 15% của gói tín dụng này đã được vay trong nước để ứng trước, do vậy phí tài chính đúng ra chỉ còn 765 ngàn USD. Nhưng chủ đầu tư cũng "rộng tay" chi luôn cho bên bán thiết bị. Các cán bộ liên quan về tài chính cho rằng đã có những khuất tất xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi chung của nhà máy và tài sản quốc gia.

Tất cả những khuất tất đó đã được các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam và Bộ NN-PTNT nắm rõ. Để cứu vãn hoạt động của nhà máy và bảo vệ quyền lợi của nông dân vùng dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần đi kiểm tra, tìm cách giúp nhà máy duy trì hoạt động nhưng đều vô vọng. Cuối cùng, ông Phúc đã có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT để xác định trách nhiệm của chủ đầu tư. Đến nay, Nhà máy Đường Quảng Nam lại "được" công bố phá sản, như một thách thức với công luận.

Cuối tháng 9 vừa qua, khi chúng tôi đến chụp ảnh những gì còn lại ở nhà máy này, một người dân buôn bán ngay trước cổng nhà máy chua xót nói: "Thiệt là lãng phí, thiệt hại vô kể. Thấy mà đứt ruột các anh ơi!"...

Nguyễn Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.