Tuyên chiến với lãng phí - Bài 5: Hà Nội không quản lý nổi đất công

10/10/2005 23:26 GMT+7

* Cơ quan Nhà nước xà xẻo đất của Nhà nước, biến tài sản công thành tài sản tư * Lãng phí nghiêm trọng: 1m2 đất do doanh nghiệp Nhà nước sử dụng chỉ thu được chưa tới 1.000đ/ngày Trong khi rất nhiều doanh nghiệp của Hà Nội, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh thiếu đất sản xuất, kinh doanh thì cũng ngay tại đây, một số cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước khác đang chiếm giữ số diện tích đất không sử dụng khổng lồ.

Điều đáng nói là các diện tích không sử dụng hết đó đang được nhượng bán, chuyển mục đích sử dụng, cho thuê lại trái nguyên tắc, thậm chí còn được hợp thức hóa từ tài sản công thành tài sản tư.

Lớn lãng phí lớn, nhỏ lãng phí nhỏ

Nhận xét về những lộn xộn, lãng phí trong sử dụng nhà đất chuyên dùng trên địa bàn thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Văn Ninh thừa nhận: "Vi phạm hợp đồng thuê nhà của các tổ chức diễn ra dưới nhiều hình thức và trong thời gian dài. Số lượng vi phạm ngày càng nhiều do các vi phạm từ trước chưa được xử lý dứt điểm thì đã tiếp tục xuất hiện các vi phạm mới". Trong một báo cáo "đặc biệt" gửi Hội đồng Nhân dân thành phố, UBND thành phố cho biết, sau khi kiểm tra 160 điểm đang sử dụng đất, nhà của Nhà nước (được thuê hoặc giao) trên tổng số 2.307 đơn vị đã phát hiện 127 điểm có vi phạm (chiếm 80%). Các vi phạm cũng được UBND thành phố "nhận dạng": tự chuyển mục đích sử dụng, cho người khác vào ở và chuyển nhượng cho cá nhân khác vào ở; tự chuyển nhượng quyền thuê nhà, đất cho cơ quan khác, tự liên doanh, liên kết hoặc cho thuê lại... Báo cáo này cũng chỉ ra có 49 cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng nhà sai mục đích với 73 địa  điểm; có 7 đơn vị lực lượng vũ trang sử dụng nhà sai mục đích với 12 địa điểm. 200 đơn vị thuộc khối kinh tế sử dụng 36.733m2 nhà trên diện tích đất 63.489m2 có hiện tượng vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất. Điển hình là khối hợp tác xã có 105 hợp tác xã thuê 185 điểm với diện tích nhà, đất gần 20.000m2, có 70 điểm vi phạm; Tổng công ty Thương mại có 5 công ty thành viên thuê 166 điểm, trong đó có 22 điểm vi phạm với diện tích đất gần 29.000m2; Công ty Lương thực Hà Nội thuê 62 điểm thì có 16 điểm vi phạm; Công ty Điện ảnh băng hình Hà Nội thuê 5 điểm (4.154m2) thì có

Hàng triệu USD bị "bỏ hoang"

Gần 10 năm nay, tại trung tâm của thủ đô Hà Nội, hơn 1.000m2 đất ở mặt đường Phan Huy Chú bị bỏ hoang. Nơi này trước đây nguyên là một phòng khám đa khoa của Bệnh viện E nhưng phòng khám đã đóng cửa từ lâu. Toàn bộ diện tích đất và nhà hơn 1.000m2 ở mặt đường thuộc diện đẹp nhất Hà Nội, trị giá hàng triệu USD này không được sử dụng cho bất cứ mục đích hữu ích nào. Những căn nhà trước đây là phòng khám đa khoa bị xuống cấp trông rất xập xệ. Phần vỉa hè trước mặt tiền của khu vực này bị sử dụng làm một "chợ cóc".

Ông Đoàn Hữu Nghị, người nhận chức Giám đốc Bệnh viện E hơn một năm nay cho biết: "Chúng tôi đã có kế hoạch cải tạo khu vực này để mở lại phòng khám tại đây. Những căn nhà nào có thể nâng cấp được thì chúng tôi sẽ tu sửa. Đề án mở lại phòng khám đã được chúng tôi trình lên Bộ Y tế. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là việc di dời 18 hộ dân đang sống ở đây...".

Hoàng Ly

4 điểm vi phạm.

Với những diện tích nhà đất dưới 100m2, tình trạng còn bi đát hơn nhiều. Trong một báo cáo khác, Sở Tài chính nhận xét: "Các diện tích, nhà đất nhỏ lẻ đưa vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả thấp so với lợi thế, vị trí và so với hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh". Bằng chứng là những vị trí dù có lợi thế kinh doanh nhưng mỗi mét vuông đất các doanh nghiệp nhà nước sử dụng chỉ thu được 0,212 triệu đồng/năm (trong khi con số này ở các thành phần kinh tế khác là 0,8 đến 1 triệu đồng), tức chưa đến 1 ngàn đồng/ngày.

Lợi thế tạo ra sự lãng phí

Đó là nhận xét của một quan chức Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất Hà Nội khi nói về nguyên nhân của những vi phạm, lãng phí trong sử dụng đất, nhà chuyên dùng. Dự kiến Hà Nội sẽ rà soát lại những trường hợp đất chuyên dùng được sử dụng làm nhà ở trước tháng 5.1992, nếu có vị trí lợi thế kinh doanh (mặt đường) sẽ chấp thuận cho cá nhân, tổ chức đang sử dụng mua lại theo giá bằng 100% giá trị quyền sử dụng đất và tiền bán nhà. Các trường hợp sử dụng sai mục đích sau thời điểm đó sẽ chấp thuận cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng mua lại theo giá thị trường.

Xét về ý tưởng, những giải pháp đó có vẻ rất khả thi, bảo đảm lợi ích kinh tế của cả tổ chức, cá nhân sử dụng đất và ngân sách nhà nước. Nhưng trên thực tế, việc triển khai kế hoạch này rất khó khăn vì hai lẽ. Thứ nhất: "Mới chỉ có ý định thôi thì đã có hàng loạt công văn, thư tay ào ào "bay" tới can thiệp", một chuyên viên UBND thành phố cho biết. Mà chẳng có một cơ quan hành chính hay một doanh nghiệp nhà nước nào lại không có một bộ chủ quản to đùng sẵn sàng bảo vệ. Thứ hai, số cán bộ, nhân viên quản lý nhà đất hiện tại tuy đông nhưng còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ khó có khả năng đáp ứng được yêu cầu của loại công việc vừa khó khăn, vừa phức tạp lại nhiều cám dỗ như việc xử lý đối với những vi phạm trong sử dụng nhà, đất chuyên dùng kể trên.

Có thể nói, nếu không có "bàn tay thép" chấn chỉnh việc sử dụng đất, nhà công thì khó có thể thoát khỏi tình trạng tham nhũng, lãng phí nêu trên.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.