Hàng trăm điểm sạt lở
Phần lớn lượng lúa gạo, hàng nông sản từ miền Tây đi TP.HCM cùng các mặt hàng phân bón, xi măng, sắt thép… từ TP.HCM về miền Tây đều qua tuyến kênh này. Theo thống kê thì trung bình mỗi ngày có chừng 1.400 lượt tàu thuyền trọng tải từ 200 đến hơn 1.000 tấn qua lại kênh Chợ Gạo. Những lúc cao điểm lên tới 1.800 lượt/ngày, với lượng hàng hóa khoảng 60 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở hai bên bờ kênh Chợ Gạo ngày càng nghiêm trọng. Theo khảo sát của cơ quan chức năng thì hiện có hàng trăm khu vực bị sạt lở. Nhiều vị trí bị sạt lở khoét sâu vào bờ gần 30m, có nơi sạt lở kéo dài đến 360m, làm sụp luôn tuyến đường bộ, đồng thời gây thiệt hại nặng về tài sản cho người dân sống ở hai bên bờ kênh. Cũng vì vậy mà nhiều năm qua tuyến đường này luôn bị quá tải, thường xảy ra ùn tắc hoặc tai nạn chìm tàu, chìm sà lan, gây thiệt hại nặng về hàng hóa.
|
Một trong những nguyên nhân gây sạt lở nặng là do những con kênh, rạch ở hai bên bờ kênh đều bị chặn lại bởi các cống thủy lợi trong dự án ngọt hóa Gò Công. Chính vì vậy mà vào mùa nước lũ, dòng chảy rất mạnh nhưng chỉ tập trung trên tuyến kênh Chợ Gạo vốn rất thẳng, đã tạo ra áp lực lớn làm xói lở mạnh ở hai bên bờ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do mật độ phương tiện vận tải đường thủy ngày càng tăng, hầu hết đều sử dụng phương tiện lớn, tốc độ nhanh, vì vậy khi lưu thông đã tạo ra sóng lớn dẫn đến sạt lở. Hậu quả của việc sạt lở không chỉ gây bồi lắng, làm cạn luồng chạy tàu, phá hủy nhà cửa, đường sá dọc hai bên bờ, mà nhiều năm qua có hàng trăm cây dừa bị đổ xuống kênh tạo thành chướng ngại vật nguy hiểm cho phương tiện qua lại. Có những trường hợp dù đã dời nhà 3 lần cách chỗ ở cũ vài chục mét, nhưng bị sạt lở “truy đuổi” nên hiện vẫn ở sát bờ kênh.
Thường xuyên kẹt tàu
Theo trung tá Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang, thì kênh Chợ Gạo có đặc thù khi nước lớn từ hai đầu vàm Rạch Lá đổ ra và vàm Kỳ Hôn đổ vào, còn khi nước ròng thì rút cạn rất nhanh. Những lúc đó tàu thuyền phải neo đậu ở hai đầu vàm để đợi. Đến khi nước lớn thì lại tranh nhau chạy, nhưng tới cầu Chợ Gạo thì gặp khoang thông thuyền quá hẹp (chỉ đạt 26m) thế là bị kẹt… tàu! Cũng theo ông Dũng thì trước đây sà lan thường có bề ngang chỉ chừng 9m, còn bây giờ nhiều sà lan bề ngang hơn 11m và dài tới 40m. Trong khi đó những sà lan chở cát thường tới hơn 1.000 tấn nên gặp chỗ luồng cạn thì dễ bị kẹt.
Được biết, kênh Chợ Gạo được chính quyền Pháp đào từ năm 1907 và hoàn thành vào năm 1908. Từ năm 1914 đến 1974 chính quyền cũ duy tu nạo vét 7 lần, trong khi từ năm 1975 đến nay chỉ nạo vét một lần vào năm 2002. Xác định đây là tuyến đường thủy quan trọng, từ năm 2008 Bộ GTVT đã cho lập dự án đầu tư, nâng cấp kênh Chợ Gạo hiện hữu thành kênh cấp II đường thủy nội địa. Theo đó, sẽ nạo vét, mở rộng luồng lên 80m, xây kè để bảo vệ hai bên bờ và làm đường dân sinh, khu tái định cư… với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỉ đồng. Gần 2.000 hộ dân thuộc hai huyện Gò Công Tây và Chợ Gạo bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 1.200 hộ phải di dời và theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào quý 4/2010, hoàn thành vào cuối năm 2014.
Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Minh Thủy, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang thì: “Cho đến nay vẫn còn làm công tác giải tỏa, đến cuối năm nay mới cơ bản xong và áp giá đền bù. Còn bao giờ khởi công thì cũng dự kiến đến cuối năm, nhưng chưa dám nói trước...”
Hoàng Phương
Bình luận (0)