Theo Reuters, người khởi xướng cho việc đề cử là Angela Ruggiero, thành viên cấp cao người Mỹ ở Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Sau khi chứng kiến tuyển hockey liên Triều thua tiếp 0-8 trước Thụy Điển hôm 12.2, quan chức trên cho biết đang nghiên cứu để thực hiện một cuộc vận động nhằm đưa đội tuyển nói trên vào danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình. Ruggiero (người từng đoạt 4 huy chương Olympic cùng với đội tuyển khúc côn cầu nữ của Mỹ, trong đó có 1 HCV vào năm 1998) nhận định rằng sự “hy sinh” của các VĐV của đội tuyển trên xứng đáng nhận được giải Nobel Hòa bình.
|
Reuters dẫn lời bà Ruggiero cho biết: “Tôi mong muốn đội tuyển này (đội hockey liên Triều) nhận được giải Nobel Hòa bình… Đó là cách để thừa nhận sự hy sinh của họ để thích nghi với các đồng đội mới trong giải đấu. Là một người từng thi đấu qua 4 kỳ Olympic, tôi biết điều đó không chỉ vì bản thân, vì đội tuyển hay vì đất nước mà tôi nhìn thấy được sức mạnh của sự hy sinh khi họ thi đấu”. Trước đó, mặc dù thảm bại 0-8 trước Thụy Sĩ trong trận đấu mở màn ở Olympic mùa đông 2018, các VĐV của đội tuyển chung liên Triều vẫn được đám đông chào đón và cổ vũ nồng nhiệt bởi đã phát đi thông điệp hòa bình. Trận đấu lịch sử này đã thu hút rất nhiều khán giả đến Trung tâm Khúc côn cầu Kwandong, bao gồm những quan chức cấp cao như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch IOC Thomas Bach và bà Kim Yo-jong (em gái của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un).
Ban đầu, người hâm mộ Hàn Quốc chỉ trích sáng kiến thành lập đội tuyển chung vì lo ngại rằng các VĐV CHDCND Triều Tiên có thể khiến cho cơ hội của họ tại Olympic mùa đông năm nay trở nên mờ mịt hơn. Theo thỏa thuận của cả hai phía, mỗi trận đấu sẽ có ít nhất 3 VĐV CHDCND Triều Tiên trong đội hình. Tuy nhiên, mọi chỉ trích sau đó lắng đọng khi chứng kiến VĐV của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã cùng nhau diễu hành trong lễ khai mạc Olympic mùa đông 2018 dưới lá cờ thống nhất. Khoảnh khắc này nhận được sự hưởng ứng rất lớn khi phát đi thông điệp về sự hòa bình dù là ở một đấu trường thể thao.
|
Giải Nobel Hòa bình 2017 được trao cho Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), đóng vai trò then chốt trong việc Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân thứ nhất được thông qua và ký kết bởi 122 quốc gia hồi tháng 7.2017.
|
Bình luận (0)