Chúng ta không phủ nhận những thành quả từ việc "tuyển sinh 3 chung" so với các hình thức thi tuyển trước đây. Nhưng, việc nghiên cứu để tìm một hình thức tuyển sinh khác - có thể là xét tuyển từ kết quả Tú tài - xem ra chỉ còn là một tất yếu về mặt thời gian.
Chúng ta chắc chắn quy trình tuyển sinh cải tiến, thực chất là quy trình xét tuyển vào đại học từ kết quả trung thực THPT, sẽ xảy ra một cách hợp lý hơn kiểu "3 chung". Tôi chưa biết các chuyên viên của Bộ GD-ĐT sẽ chọn phương án xét tuyển như thế nào, nhưng chắc là phải gồm các bước đại thể như sau:
Chọn trường và nộp đơn: Học sinh không còn chọn trường theo kiểu "tỷ lệ chọi" nữa, mà phải chọn trường có đúng ngành mình thích. Nộp đơn theo mẫu của trường, đính kèm bảng kết quả điểm thi Tú tài. Tùy những đòi hỏi cá biệt của từng trường đại học, rất có thể trường yêu cầu mỗi ứng viên phải làm một bài tự luận về ngành nghề mình chọn (Kể lại quá trình vượt khó của anh/chị để học xong THPT: Tại sao anh/chị thích chọn ngành này; Dự kiến sẽ sử dụng kiến thức và kỹ năng về ngành này vào những việc gì...). Mỗi học sinh có thể nộp đơn cho nhiều trường có dạy về ngành này, không chỉ nộp cho một, hai trường như hiện nay.
Chọn thí sinh: "Hội đồng xét tuyển" của mỗi trường sẽ lần lượt xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu ngành học (thí dụ, ngành Tin học sẽ cần học sinh giỏi Toán, Lý và Anh văn; ngành Kinh tế sẽ chọn học sinh giỏi Toán, Anh văn, Ngữ văn, thay vì chọn học sinh Khối A gồm Toán, Lý, Hóa như hiện nay). Kế đó, những giám khảo thuộc ngành chuyên môn nào sẽ đọc các bài tự luận của ứng viên ngành đó để chọn những bài xuất sắc nhất để xếp hạng với các điểm thi kia. Những ứng viên trúng tuyển sẽ được xếp theo điểm thi THPT và điểm bài tự luận, xếp từ cao xuống thấp.
Công bố kết quả xét tuyển: Tất cả các trường công bố kết quả xét tuyển cùng thời điểm, và mỗi ứng viên trúng tuyển phải đến trường đăng ký vào thời hạn chót mà các trường quy định. Sau thời hạn chót đó mà ứng viên trúng tuyển không đến đăng ký tại trường này, được hiểu là họ đã đến đăng ký tại một trường khác rồi, vì có thể là ứng viên đã được trúng xét tuyển bởi nhiều trường. Mỗi ứng viên, do đó phải tự quyết định sẽ gút lại muốn học ở trường nào, rồi đến đăng ký cho đúng hạn.
Quy trình xét tuyển vào đại học đưa đến nhiều lợi ích cho toàn xã hội. Điều kiện quan trọng là thi tốt nghiệp THPT để lấy bằng Tú tài - đánh dấu kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản của cuộc đời mỗi con người chúng ta - phải được tổ chức và thực hiện một cách rất nghiêm túc.
GS Võ Tòng Xuân
Bình luận (0)