Tuyển sinh ĐH 2022 đang trong giai đoạn nước rút, nhiều thí sinh thắc mắc: "Nếu em không nhận được giấy báo trúng tuyển sớm bằng phương thức học bạ và đánh giá năng lực, hoặc trước đó em chưa từng đăng ký xét tuyển bằng học bạ và đánh giá năng lực tại một trường ĐH, thì sắp tới khi hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT mở, em có thể đăng ký xét tuyển bằng 2 phương thức này vào trường đó nữa hay không?".
Thí sinh trước khi đăng ký xét tuyển lên hệ thống chung của bộ cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của trường mà mình muốn xét tuyển |
ngọc dương |
Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: "Nguyên tắc xét tuyển năm nay là tất cả phương thức xét tuyển đều phải đưa lên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 22.7 đến 20.8. Tuy nhiên, có 2 tình huống xảy ra. Thứ nhất, với những thí sinh đã đăng ký xét tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm tại các trường ĐH như điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực..., nếu đã đủ điều kiện trúng tuyển và quyết định sẽ lựa chọn ngành học đó, thì thí sinh phải thực hiện đăng ký ngành học đó ở đúng phương thức đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, và đặt làm "nguyện vọng 1". Lúc này thì thí sinh cũng không cần phải đăng ký thêm các ngành học khác ở các phương thức khác nữa".
Thứ 2, theo thạc sĩ Vũ, là trường hợp những thí sinh chưa từng đăng ký xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, hoặc đã đăng ký nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển, khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung, thì thí sinh chỉ còn có thể đăng ký phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc phương thức kết hợp giữa điểm học bạ với điểm thi, điểm IELTS với điểm thi.
Lý do là vì phần lớn các phương thức như xét điểm học bạ, điểm IELTS, đánh giá năng lực... các trường đều yêu cầu phải đăng ký ở trường trước. Khi các trường đã công bố điểm chuẩn bằng các phương thức này thì có nghĩa các trường đã xét xong và đưa danh sách đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống chung của bộ, thì tất cả thí sinh không có tên trong danh sách này nếu có muốn đăng ký cũng không được xét nữa.
Thứ 3, những thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không muốn chính thức trúng tuyển ngành đó, thì khi hệ thống chung của Bộ GD-ĐT mở ra, thí sinh có thể thoải mái đăng ký nguyện vọng theo ý muốn ở các phương thức xét điểm thi hoặc kết hợp giữa điểm thi với điểm học bạ... Lúc này nguyên tắc đăng ký vẫn là chọn những ngành mình yêu thích nhất lên nguyện vọng 1 và các ngành yêu thích sau đưa vào các nguyện vọng 2, 3, 4...
"Với quy chế năm nay thì không phải cứ thích ngành nào, phương thức nào, tổ hợp nào là các em đều có thể đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Vì thế, các em phải đọc thật kỹ đề án tuyển sinh của các trường, từng phương thức yêu cầu cách xét tuyển ra sao, thời gian là khi nào... Sau khi trúng tuyển sớm thì bước tiếp theo là gì, mỗi trường đều có hướng dẫn cụ thể", thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ lưu ý.
Nói thêm về một thông tin liên quan đến kỹ thuật xét tuyển trong mùa tuyển sinh ĐH 2022, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: "Năm nay mỗi nguyện vọng thí sinh sẽ phải điền các thông tin bao gồm tên trường, tên ngành (nhóm ngành), mã ngành, tên phương thức, mã phương thức, tổ hợp môn. Thí sinh cần viết thật cẩn thận, chính xác để tránh thiệt thòi trong quá trình xét tuyển".
Bình luận (0)