Đề thi môn năng khiếu sẽ do các trường tự ra đề và tổ chức thi theo đặc thù. Việc thi tuyển các môn năng khiếu cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Chưa bổ sung khối H1
Cuối năm 2011, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã đề xuất tới Bộ GD-ĐT phương án điều chỉnh khối thi năng khiếu (cụ thể thay một môn năng khiếu bằng môn toán trong khối H và thay môn vật lý bằng môn văn trong khối V). Tuy nhiên, với chủ trương không gây xáo trộn quá lớn cho thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh 2012 nên Bộ GD-ĐT chỉ chấp nhận phương án bổ sung khối thi chứ không thay đổi khối thi. Tiếp sau đó, trong tháng 2.2012, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM một lần nữa đã gửi công văn tới Bộ GD-ĐT đề xuất tiếp tục giữ nguyên các khối thi truyền thống (khối A, V, H) nhưng bổ sung khối thi H1. Theo đó, khối V vẫn thi môn toán, vật lý (theo đề thi khối A) và vẽ đầu tượng; khối H vẫn thi môn văn (theo đề thi khối D), cùng với môn vẽ trang trí màu và hình họa mỹ thuật. Riêng khối H1, bên cạnh môn thi chung văn, toán (theo đề thi khối D) thì môn năng khiếu sẽ khác nhau tùy vào từng ngành. Cụ thể, với các ngành kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị, thiết kế nội thất sẽ thi môn vẽ đầu tượng; nhưng nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng sẽ thi vẽ trang trí màu. Thí sinh dự thi khối V ở đợt 1 vẫn có thể thi thêm khối H1 ở đợt 2, thi đợt 2 có thể lựa chọn giữa thi khối H hoặc H1.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi trong buổi đối thoại trực tuyến sáng 7.3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Năm 2012 sẽ giữ nguyên các khối thi truyền thống, chỉ bổ sung khối thi A1 chứ không có bổ sung khối H1 như đề xuất của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM”. Trao đổi với Thanh Niên sáng ngày 8.3, thạc sĩ Ninh Quang Thăng - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Tuy chưa nhận được văn bản chính thức từ phía Bộ, nhưng hội đồng tuyển sinh nhà trường cũng đang xem xét một phương án cuối cùng trong nay mai để kịp thông báo cho thí sinh trước ngày bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Nếu Bộ không chấp thuận đề xuất bổ sung khối H1 nhà trường phải sử dụng các khối thi cũ”.
Thạc sĩ Thăng lưu ý thêm: “Điểm trúng tuyển sẽ được xác định theo từng khối thi dựa trên chỉ tiêu và kết quả thi. Điểm các môn năng khiếu chỉ lấy hệ số 1, điểm thi năng khiếu phải đạt từ 5 điểm trở lên mới được xét tuyển. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng vào các ngành có khối thi này vẫn phải dự thi môn năng khiếu và đạt tối thiểu 5 điểm”.
Các khối thi năng khiếu khác
Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng có một số thay đổi về thi năng khiếu. Theo đó, thí sinh không phải nộp bài thi sơ tuyển năng khiếu cùng với hồ sơ đăng ký dự thi. Bên cạnh đó, nội dung thi các môn năng khiếu cũng có sự điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ nội dung thi. Cụ thể, ngành đồ họa và hội họa chỉ thi môn hình họa (vẽ người toàn thân trong 8 tiết) và bố cục (tranh màu trong 8 giờ), trong khi trước đây còn thi thêm môn trang trí. Ngành điêu khắc thi môn tượng tròn (12 tiết) và bố cục (chạm nổi 8 giờ), trước đây còn thi thêm môn trang trí. Ngành thiết kế đồ họa thi môn hình họa (vẽ chân dung người trong 5 tiết) và trang trí (8 giờ), năm trước còn thi thêm môn thiết kế. Ngành sư phạm mỹ thuật cũng chỉ thi môn hình họa (vẽ chân dung người trong 5 tiết) và bố cục (tranh màu trong 8 giờ) thay vì thi thêm môn trang trí như trước đây.
Tiến sĩ Vũ Việt Bảo - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, cũng thông tin: “Năm 2012 trường tuyển sinh thêm 3 ngành mới gồm: huấn luyện thể thao, y sinh học thể dục thể thao và quản lý thể dục thể thao. Các ngành này đều thi tuyển khối T với môn toán, sinh (theo đề thi khối B) và một môn năng khiếu. Tuy nhiên, điểm mới năm nay còn ở chỗ ngành y sinh học thể dục thể thao sẽ xét tuyển thêm thí sinh dự thi khối B đạt điểm sàn trở lên; ngành quản lý thể dục thể thao xét tuyển thêm thí sinh dự thi khối A và D đạt từ điểm sàn trở lên”. Thí sinh dự thi vào trường phải có cơ thể cân đối, không dị tật, dị hình (tối thiểu nam cao 1,65m và nặng 45 kg; nữ cao 1,55m và nặng 40 kg).
Thí sinh dự thi vào ngành đạo diễn sân khấu, diễn viên kịch nói và diễn viên cải lương Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM cũng phải trải qua 2 vòng thi năng khiếu. Ở vòng 1, thí sinh sẽ thi đọc một bài thơ hoặc một đoạn văn một cách diễn cảm; nghe một đoạn nhạc rồi trình bày cảm nhận và diễn tả tâm trạng phù hợp với đoạn nhạc đó; trình diễn một tiểu phẩm và kết thúc bằng phần thi kiến thức phổ thông. Riêng với thí sinh ngành diễn viên cải lương sẽ hát hai câu vọng cổ do thí sinh tự chuẩn bị, thí sinh đạo diễn sân khấu phải trình bày thêm ý nghĩa của tiểu phẩm…
Hà Ánh
Bình luận (0)