Tuyển sinh không nên căn cứ vào sổ hộ khẩu: Kinh nghiệm từ các nước

17/11/2017 09:06 GMT+7

Việc tuyển sinh các trường công lập ở nước ngoài căn cứ vào những điều kiện gì để đảm bảo quyền lợi và công bằng trong việc học tập của người học là điều cần quan tâm khi chúng ta muốn tiến dần đến việc thay đổi quản lý dân cư theo cách văn minh, hiện đại.

Chia sẻ của những người đang hoặc nhiều năm sống và làm việc ở các nước tiên tiến là những tham chiếu cần thiết khi thực hiện việc tuyển sinh không căn cứ vào sổ hộ khẩu.
Canada: Sống ở khu vực nào học trường khu vực đó
Tuyển sinh vào các trường phổ thông công lập ở Canada là xét theo địa bàn, trẻ khi sinh ra đã có số SIN (social insurance number - sổ bảo hiểm xã hội), health card (thẻ y tế), trên đó có địa chỉ nhà, còn người lớn chỉ cần bằng lái xe, hoặc thậm chí chỉ cần số điện thoại là cán bộ, nhân viên các cơ quan công quyền đã biết họ cư trú ở đâu. Con cái họ sống ở khu vực nào thì học trường khu vực đó.
Ở Canada cũng có nhiều trường hợp giống VN, trẻ sống cùng gia đình ở một nơi, nhưng lại muốn học một nơi khác gần nơi làm việc của bố mẹ. Khi đó, yếu tố để xét nhập học trường công chỉ là xác nhận nơi làm việc của bố hoặc mẹ.
Vũ Hồng Anh (Du học sinh ngành PR và marketing ở Ottawa, Canada)
Mỹ: Tuyển sinh theo tuyến
Tại Mỹ, trường phổ thông công lập tuyển sinh theo tuyến, học sinh sống ở đâu thì học ở trường công khu vực đó. Việc chứng minh địa chỉ nhà cũng khá đơn giản, chỉ cần bằng các giấy tờ như tài khoản ngân hàng, giấy tờ nhà cửa... Trường hợp một gia đình sở hữu nhiều nhà ở nhiều khu vực khác nhau thì đương nhiên các con có nhiều lựa chọn về nơi học.
Ở Mỹ cũng có trường công lập giống kiểu như trường chuyên ở VN, nhưng ít thôi, không phải nơi nào cũng có. Với những trường này thì địa bàn tuyển sinh thường cho một vùng rộng, hoặc thậm chí cả bang.
Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ)

tin liên quan

Tuyển sinh không nên căn cứ vào sổ hộ khẩu
Cùng với việc thay đổi hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu, nhiều ý kiến cho rằng cần quản lý người dân thực chất hơn theo đúng nơi họ sinh sống thực tế để đảm bảo quyền lợi và công bằng trong học tập của trẻ em.
Đức: Theo năng lực và theo tuyến
Ở Đức không có hộ khẩu nhưng người dân vẫn phải đăng ký thường trú tại tòa thị chính, trên cơ sở đăng ký đó mà thực hiện mọi hoạt động dân sự. HS tiểu học nếu học tại trường công lập thì được phân theo tuyến, sau cấp tiểu học phân chia vào các trường theo năng lực nhưng về cơ bản cũng là theo tuyến. Các trường nhận HS căn cứ vào năng lực dựa trên kết quả học tập các năm trước. Vẫn có những trường danh giá mà ở đó chỉ nhận HS rất giỏi nhưng số đó ít. HS xong tiểu học, phụ huynh muốn cho con vào những trường tốt thì cần có giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm ở cấp tiểu học. Nếu phụ huynh vẫn muốn con mình được học tại một trường cụ thể thì có thể tự liên hệ với trường đó. Tuy nhiên khả năng đào thải của hệ thống rất tốt. HS năng lực vừa phải mà muốn xin vào học trường tốt, vẫn có thể được nhận nhưng nếu không theo học được thì phải chấp nhận đúp hoặc chuyển hệ, còn học tốt thì có thể nhảy lớp.
Giáo sư Phùng Hồ Hải (Viện trưởng Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN, người từng nhiều năm sống và làm việc cùng gia đình ở Đức)
Anh: Không phân biệt địa lý, Singapore: Xét theo khoảng cách
Ở Anh thì không thấy phân biệt người nước ngoài và người bản địa trong việc xin học cho con. Muốn xin học, chỉ cần đến trường hỏi xem còn chỗ không và điền đơn xin học. Không thấy có phân biệt gì về vị trí địa lý quận này quận kia. Ít nhất là với trường hợp của gia đình tôi khi xin học cho con ở gần nơi làm việc của bố mẹ thay vì gần nhà.
Còn ở Singapore, trường học ưu tiêu HS bản địa trước, sau đó đến người có thẻ xanh, nếu còn chỗ thì mới đến HS người nước ngoài. HS bản địa được ưu tiên theo khoảng cách từ nhà đến trường. Vì thế, ở xung quanh các trường tốt, giá nhà thường rất đắt. Trong trường hợp trường gần nhà hết chỗ thì phải chuyển sang trường xa hơn. Điều này xảy ra phổ biến với HS có thẻ xanh và học sinh nước ngoài.
Theo tôi, cho con học gần nơi làm việc để tiện đưa đón là nhu cầu chính đáng, nhưng việc làm của bố mẹ có thể thay đổi. Ngoài ra, khu trung tâm mật độ người làm việc rất lớn. Nếu trẻ theo bố mẹ vào trung tâm học sẽ quá tải, làm một số trẻ trong trung tâm phải ra trường ở xa để học. Vì thế, tốt nhất là ưu tiên cho trẻ đang sống ở gần trường. Gia đình nào muốn con học gần nơi làm việc của mình thì chỉ nên đáp ứng khi trường còn chỗ.
Giáp Văn Dương (Chủ tịch Công ty GiapGroup, người từng nhiều năm cùng gia đình sống ở Anh và Singapore)
TP.HCM sẽ theo hướng ưu tiên học sinh cư trú ở gần trường
Lãnh đạo Sở GD- ĐT TP.HCM cho biết ngay khi có hướng dẫn cụ thể về cư trú của Bộ Công an, Sở sẽ tính toán các phương án tuyển sinh sao cho phù hợp nhất để tham mưu cho UBND TP. Những quy định về tuyển sinh sẽ theo hướng ưu tiên HS cư trú ở gần trường, đảm bảo cho việc di chuyển của HS thuận tiện nhất có thể đồng thời làm giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông.
Tuy nhiên, quy định về tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 thuộc phân cấp quản lý của 24 quận, huyện nên một lãnh đạo Sở cho biết, có thể lúc đó Sở sẽ cùng bàn bạc với ban tuyển sinh các quận, huyện để đưa ra hướng dẫn về cự ly.
Hiện nay có trường hợp một số HS nhà đối diện với trường tiểu học nhưng khác quận, khác phường nên đã phải đi học trường xa hơn theo đúng phân tuyến, lãnh đạo Sở cho rằng có thể sắp tới khi bàn bạc về phương án tuyển sinh Sở sẽ lường trước tình huống này. Tuy nhiên, việc này cần có sự thống nhất của các quận huyện sao cho đảm bảo đủ chỗ học và thuận tiện cho HS.
Từ  phía các phòng giáo dục, nơi trực tiếp thực hiện tuyển sinh HS đầu cấp cho các trường tiểu học, THCS, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6, cho biết: “Trước đây, chúng tôi lấy căn cứ tuyển sinh là hộ khẩu của HS để phân tuyến vào lớp 1, lớp 6. Sắp tới không còn quản lý theo sổ hộ khẩu nữa thì lấy căn cứ là chỗ ở của các em. HS ở địa bàn nào thì phân tuyến vào học trên địa bàn đó. Nếu địa bàn này quá tải thì phân bổ HS sang địa bàn lân cận với chủ trương là tạo điều kiện cho con em nhân dân được đi học với cự ly gần nhất có thể”.
Còn ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, đưa ra phương án, phòng nắm chỉ tiêu các trường, phường là nơi trực tiếp biết dân cư sinh sống gần trường như thế nào và phát giấy gọi HS đến trường gần nhất.
Bích Thanh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.