Ngữ văn, toán, ngoại ngữ có "vị thế" ngang nhau
Hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập bậc THCS và THPT được thực hiện theo 2 thông tư khác nhau của Bộ GD-ĐT.
Các lớp 6, 7, 8, 10,11 (chương trình Gi áo dục phổ thông 2018) thực hiện theo Thông tư số 22 năm 2021. Trong khi đó, các lớp 9 và 12 (chương trình 2006) làm theo hướng dẫn trong Thông tư số 26 năm 2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58 năm 2011).
Trước đây, khi đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư số 58, chỉ có môn ngữ văn và toán được đứng riêng ở một vị trí đặc biệt.
Cụ thể, tại khoản 1, 2, 3 ở điều 13 của Thông tư số 58, Bộ GD-ĐT hướng dẫn tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học như sau:
- Loại giỏi: Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong 2 môn toán, ngữ văn từ 8,0 trở lên. Riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên; không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại đạt.
- Loại khá: Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong 2 môn toán, ngữ văn từ 6,5 trở lên. Riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên; không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0; các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại đạt.
Như vậy, ngữ văn và toán được đề cao hơn các môn học khác. Tuy nhiên, khi Thông tư số 26 năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 11.10.2020, Bộ GD-ĐT thay thế cụm từ “của một trong 2 môn toán, ngữ văn” bằng “của một trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ”. Vì thế, từ năm 2020 đến nay, môn ngoại ngữ có “vị thế” ngang hàng như ngữ văn và toán.
Nhiều người đồng tình việc Bộ GD-ĐT bổ sung môn ngoại ngữ ở Thông tư số 26 vì điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình được xếp loại ở cuối học kỳ, cuối năm học.
Nên xem lại tính điểm hệ số 2 đối với môn ngữ văn và toán
Hiện nay, các địa phương tự chủ nên mỗi nơi có một hình thức thi hoặc xét tuyển lớp 10 khác nhau.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đối với các trường THPT không chuyên ở các năm học vừa qua và tới đây, đa số tỉnh, thành lựa chọn 3 môn thi: ngữ văn; toán; ngoại ngữ (tiếng Anh). Tuy nhiên, môn ngoại ngữ chỉ được tính điểm hệ số 1, bất kể Bộ GD-ĐT có Thông tư số 26. Chỉ rất ít địa phương tính điểm hệ số 1 cho cả 3 môn thi.
Theo nhiều giáo viên, việc trường THPT chuyên tính điểm môn chuyên hệ số 2 được xem là phù hợp. Bởi lẽ trường chuyên đào tạo học sinh chuyên sâu, có đam mê, sở trường đối với môn mình sẽ đăng ký thi. Đối với trường THPT không chuyên, nếu địa phương tính điểm thi hệ số 2 đối với môn ngữ văn và toán thì sẽ dẫn đến một số bất cập.
Cụ thể, không ít học sinh chịu thua thiệt với cách tính điểm như thế này. Học sinh nào học tốt môn toán và ngữ văn thì tính điểm hệ số 2 rất lợi. Còn những em có học lực hạn chế ở môn ngữ văn, toán nhưng lại học tốt ngoại ngữ phải chịu thiệt thòi vì môn thi này chỉ điểm tính hệ số 1.
Bên cạnh đó, với cách tính điểm hệ số 2 ngữ văn, toán, tổng điểm 3 môn thi được nâng lên cao hơn, dẫn đến điểm chuẩn đầu vào các trường THPT tăng theo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng tuyển sinh của từng trường THPT đã được địa phương phê duyệt từ khi học sinh lớp 9 mới bước vào học kỳ 2. Như vậy, điểm chuẩn cao hay thấp cũng không làm ảnh hưởng đến số lượng tuyển sinh đầu cấp bậc THPT.
Nếu các tỉnh, thành cùng tính điểm hệ số 1 tất cả các môn như TP.HCM và một vài địa phương đang thực hiện thì dù tổng điểm có thấp hơn đáng kể nhưng sẽ tạo sự công bằng và tránh việc học lệch của học trò. Việc tính điểm hệ số 1 tất cả các môn sẽ thể hiện chất lượng đào tạo thực sự của các trường THCS.
Bình luận (0)