* Gợi ý giải đề thi môn văn lớp 10
|
|
|
|
|
|
|
[VIDEO] Thấp thỏm trước cổng trường để cùng con "thi" vào lớp 10
|
Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Đề văn hay, có tính phân hóa cao
Thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên Trường THCS Văn Lang (Q.1, TP.HCM) nhận xét: Đề văn lớp 10 năm nay hay, có tính phân hóa cao. Với đề này, học sinh trung bình có thể đạt điểm 5, 6; học sinh khá, giỏi thì điểm 7, 8 cũng không quá khó.
Kết thúc giờ làm bài thi môn ngữ văn lớp 10 sáng nay, thí sinh Lê Vũ Tâm Thanh, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho biết đề thi yêu cầu thí sinh sử dụng những kiến thức và kỹ năng đã học. Về hình thức câu hỏi và đề dẫn có sự khác biệt so với năm trước.
Thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên Trường THCS Văn Lang (Q.1, TP.HCM) nhận xét: Câu nghị luận xã hội có hình thức hỏi khá mới đó là sử dụng hình ảnh để yêu cầu thí sinh thể hiện suy nghĩ về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay.
Đề thi văn lớp 10 năm nay nằm trong những kiến thức trọng tâm của chương trình ngữ văn lớp 9. Đề có tính thực tế cao, hướng học sinh đến các vấn đề của xã hội như: rác thải nhựa, mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái..., từ đó đưa học sinh đến những bài học mang tính giáo dục.
Đề có tính phân hóa khá cao, học sinh trung bình có thể đạt điểm 5,6. Với những học sinh khá-giỏi thì điểm 7,8 cũng không quá khó.
Đúng như cấu trúc đề và đề minh họa của TP.HCM, đề gồm 3 câu như đề thi những năm trước. Nhưng năm nay đề có tính tích hợp ở câu 1. Tích hợp với kiến thức của môn hóa, địa. Nhưng về bản chất vẫn sử dụng kiến thức môn ngữ văn để trả lời. Chỉ cần học sinh bình tĩnh đọc đề, suy xét kỹ lưỡng sẽ làm tốt bài thi.
Với câu 1 (đọc-hiểu văn bản). Vẫn kiểu đề như năm trước, đề cho 2 văn bản về một vấn đề của xã hội. Từ 2 văn bản đó, học sinh phải đọc - thông hiểu - vận dụng để giải quyết 4 câu hỏi a, b, c, d của đề. Câu hỏi nhìn dài nhưng kiến thức khá trọng tâm. Hơn nữa khi ôn tập, giáo viên đã cho học sinh luyện tập những kiểu đề dạng này rồi nên khả năng học sinh được từ 2-3 điểm cho câu hỏi này khá cao.
Với câu 2, nghị luận xã hội, vấn đề đề đưa ra khá gần gũi nhưng vô cùng thú vị. Từ 3 hình trong đề bài, học sinh chọn 1 hình thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái. Rồi bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về mối quan hệ đó. Với kiểu ra đề này vừa quen thuộc, gần gũi với học sinh, lại khá mở rộng cho những chính kiến, suy nghĩ của học sinh. Các em thoải mái thể hiện ý kiến cá nhân của mình. Câu nghị luận xã hội này cũng phát huy thế mạnh tư duy phản biện của học sinh. Kiểu tư duy phản biện cũng là một kiểu tư duy cần rèn cho học sinh trong thời buổi ngày nay. Đây chính là câu có sức hút nhất với học sinh.
Với câu 3, nghị luận văn học. Vẫn như cấu trúc năm trước, học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm. Trong đó, câu 1 là văn bản trong sách giáo khoa với đề tài tình đồng đội đồng chí (bài thơ về tiểu đội xa không kính). Ở câu này, năm nay đề không có ý thứ 2 là liên hệ với thực tế đời sống. Tuy nhiên, đề tài đồng đội đồng chí cũng không phải là đề tài làm khó được học sinh.
Với câu 1 của phần 3, vẫn là chủ đề về sách, về đọc sách, học sinh sẽ viết một bài văn kiểu nghị luận xã hội với chủ đề “những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”. Câu này phù hợp cho những học sinh thực sự yêu thích bộ môn ngữ văn, có năng khiếu. Nếu học sinh có năng lực, có đam mê thì đây sẽ là cơ hội cho các em thể hiện mình. Nhưng theo tôi nghĩ, đa số học sinh sẽ lựa chọn câu hỏi số 1 trong phần này để làm bài, đảm bảo an toàn, yên tâm điểm số.
Nhìn chung, đề văn hay, mở, rất thú vị ở câu số 2 (nghị luận xã hội), có tính phân hóa, có tính tích hợp.
* Theo thầy Nguyễn Hữu Dương (Trường THPT Vĩnh Viễn - TP.HCM), cấu trúc đề thi môn văn lớp 10 năm nay tương tự với đề thi năm 2017. Nó cũng phù hợp với hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM trước khi thi. Do đó, cấu trúc này không gây bất ngờ đối với thí sinh. Các em có những thuận lợi về tâm lý khi làm bài.
- Giống như câu 1 của đề thi 2017, câu 1 đề thi năm nay cũng đưa ra một văn bản có độ dài tương tự với 4 câu hỏi có đủ 3 dạng cơ bản (nhận biết, lý giải, vận dụng thấp). Các câu hỏi nói chung phù hợp với trình độ của thí sinh.
- Câu 2: Vấn đề được đặt ra trong đề bài tuy không phải là vấn đề thời sự được quan tâm nhiều. Cho nên, nội dung của vấn đề sẽ không phải là quá khó đối với các em. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của đề bài có tính chất đặc biệt: đưa ra các hình minh họa để gợi ý như một phương thức trực quan sinh động dẫn đến tư duy trừu tượng. Cách đặt vấn đề mới lạ nhưng dễ hiểu này có thể sẽ gây được những hứng thú cho thí sinh và giúp các em dễ dàng nhận thức vấn đề để triển khai thành bài. Tính phân hóa của câu nghị luận xã hội này là khá cao.
- Câu 3 đề 1: Vấn đề nghị luận văn học được nêu theo hai kiểu: kiểu đề quen thuộc và kiểu đề mở. Cách ra đề này vừa thuận lợi cho thí sinh, vừa giúp những học sinh giỏi giàu tư duy trừu tượng có thể lựa chọn và phát huy sở trường của mình. Phân tích để trình bày cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ của một bài thơ là một kiểu bài quen thuộc nhưng cũng đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích và tổng hợp. Sau đó, thí sinh phải liên hệ với hình ảnh người lính trong một bài thơ khác để qua đó so sánh và nói được nét gặp gỡ của hai tác giả là một yêu cầu tuy không quá khó nhưng đòi hỏi kỹ năng mà không phải thí sinh nào cũng đáp ứng được. Do đó, đề thi cũng có tính chất phân loại thí sinh.
- Câu 3 đề 2: Đây là câu hỏi mở tương tự như đề thi năm 2017, cùng một chủ đề là lợi ích của việc đọc sách. Đây là một chủ đề gần gũi và thú vị. Tuy nhiên, đây cũng là một chủ đề rất rộng và rất sâu. Dù là học sinh xuất sắc cũng không thể trình bày đầy đủ về đề tài này. Do đó, đa số học sinh đã chọn đề 1.
- Nhìn chung, nội dung của đề thi khá hay, gần gũi, quen thuộc với thí sinh, có tính giáo dục, phù hợp với yêu cầu đổi mới trong việc đánh giá năng lực học sinh, có tính phân hóa tương đối cao và phù hợp mục đích của việc tuyển sinh năm nay. Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tương đương năm trước.
Bích Thanh (ghi)
|
|
Bình luận (0)