Ngày 29/10 vừa qua, đội e-Sports [Bf.Nut] ở Singapore đã tổ chức sự kiện ra mắt tựa game Battlefield 4 của hãng EA. Buổi ra mắt đã thu hút hơn 150 người tham gia mặc dù hôm đó là thứ ba. Đội game [Bf.Nut] đã tồn tại 9 năm, nhưng đây là lần đầu tiên họ được thuê để tổ chức một sự kiện.
Từ những sự kiện thế này, một thắc mắc đột nhiên xuất hiện trong suy nghĩ của tôi: các tổ chức e-Sports tại Singapore có khả năng tự chủ về tài chính đến đâu để duy trì và phát triển hoạt động của mình?
Các đội e-Sports Singapore kiếm tiền bằng cách nào?
Đầu tiên, các vận động viên thể thao điện tử có thể kiếm tiền bằng cách chiến thắng các giải đấu. Các giải nội địa thường có phần thưởng lên đến 20.000 SGD (đôla Singapore, hơn 340 triệu đồng), điển hình là giải Armaggeddon’s Dota 2 Grand Slam Asia hồi đầu năm nay. Nếu có thực lực, các đội sẽ hướng tới các giải quốc tế như The International cho Dota 2 hay World Championships cho League of Legends với giải thưởng lên tới hàng triệu USD.
Kế tiếp, họ cũng có thể dành thời gian để thực hiện "stream" (truyền hình video trực tuyến) hoặc tham gia trình diễn trong các sự kiện quảng cáo. Team Eve và PMS Asterisk đã thực hiện việc này. Các công ty sản xuất phần cứng thường tổ chức các chiến dịch quảng cáo sản phẩm (như gaming gear hay các thiết bị ngoại vi). Và cách tốt nhất để tiếp cận và thu hút người tiêu dùng là thuê những "tay chơi chuyên nghiệp" để phô diễn tính năng sản phẩm cho khách hàng.
Thứ ba, họ có thể tự tổ chức giải đấu hoặc sự kiện của riêng họ, sau đó tính phí vào cửa hoặc phí tham gia. Đây là việc các cá nhân hay tổ chức e-Sports ở Singapore thường làm, có thể kể đến các giải FIFA Cup dành cho game FIFA hay Battle Fridays cho các trò chơi thuộc thể loại đối kháng.
Cuối cùng là tìm kiếm nhà tài trợ. Những đội e-Sports Singapore có khả năng tốt thường được tài trợ bởi các công ty nội địa như Aftershock PC cho đến các công ty quốc tế như Roccat hay Alienware.
Đó là những cách để các đội game có thể kiếm được nguồn thu nhập. Nhưng thực tế lại không hề dễ dàng khi những nguồn thu này lại thường không ổn định.
Tài chính không đủ để trang trải
Các giải đấu e-Sports hằng năm không được tổ chức thường xuyên, cho nên nguồn thu nhập này không ổn định. Trong khi các giải không thường niên mặc dù phần thường có giá trị cao, nhưng hầu hết đều là bằng hiện vật. Các giải quốc tế thì phần thưởng phải nói là cực lớn nhưng luôn là những cuộc cạnh tranh khốc liệt, bạn phải thật sự tài năng thì mới mong có cơ hội chen chân vào. Việc tham gia trình diễn trong các sự kiện mặc dù đôi khi được trả rất cao nhưng cũng không được ổn định.
Mohamed ‘Xtr3me3’ Phirkhan, một vận động viên thể thao điện tử nổi tiếng tại Singapore, cho biết: "Việc tổ chức sự kiện phát hành trò chơi hoặc sản phẩm thường chỉ diễn ra vài ba lần trong một năm. Cho nên dù họ có trả cao cách mấy cũng khó mà đảm bảo chén cơm cho một người huống chi là toàn đội. Đôi khi họ chỉ trả bằng hiện vật, mà chúng tôi đâu thể "nhai"... bàn phím để mà sống được."
Việc tìm kiếm nhà tài trợ cũng rất "oải". Các đội thường được tài trợ hiện vật vì theo Alaric ‘EveRekanise’ Choo, đội trưởng và đồng sáng lập Team Eve, cho biết: "Việc trả lương là không cần thiết vì nó không mang lại lợi ích gì cho họ. Tài trợ sản phẩm thì họ sẽ quảng bá được thương hiệu." Có một khó khăn lớn hơn đó là thị trường Singapore quá nhỏ nên xin tài trợ bằng hiện vật cũng là cả một vấn đề. Việc này cũng hợp lý vì nếu doanh số không cao (vì thị trường nhỏ bé) thì nhà tài trợ phải cân nhắn kỹ càng từng lựa chọn của mình.
Tự tổ chức sự kiện cũng có những khó khăn riêng của nó. Thông thường có hai mô hình, đầu tiên là làm việc với các nhà phát hành. Bạn sẽ ở trong tình huống bị động, khi nào thì các nhà phát hành cần tổ chức các sự kiện thì nguồn thu mới đến với bạn.
Cách thứ hai là tự tổ chức giải đấu của riêng mình. Đây lại là một vấn đề lớn hơn, vì bạn cần một nguồn vốn ban đầu vì hình thức này cần nhân viên làm toàn thời gian để tìm kiếm nhà tài trợ, giải thưởng, địa điểm tổ chức... Và sau đó phải lên kế hoạch marketing cho giải đấu. Tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.
Tuyển thủ e-Sports thật sự không có thu nhập
Nếu xét theo định nghĩa một game thủ chuyên nghiệp phải là người thực sự sống được nhờ thi đấu game, thì ở Singapore hầu như rất ít những game thủ chuyên nghiệp. Hầu hết các tuyển thủ e-Sports như Dota 2 hay Street Fighter đều có công việc chính vào ban ngày, còn không thì còn đang đi học và được cha mẹ chu cấp.
Nói tóm lại, đối với các tuyển thủ e-Sports tại Singapore hiện nay, muốn "sống được với nghề" là cả một thách thức cực kỳ lớn.
Bình luận (0)