(TNO) Muốn đội tuyển Việt Nam có một sự lột xác toàn diện về mặt thể lực, trong mấy ngày vừa qua, HLV Toshiya Miura và đồng sự người Nhật, chuyên gia Fujimoto Hiroo không chỉ khiến cầu thủ 'phát hãi' về những bài tập với cường độ cực cao mà còn kiểm soát cả vấn đề ăn uống.
>> Tuyển Việt Nam 'choáng' với HLV thể lực người Nhật
>> Tuyển Việt Nam tập muốn... liệt người trên đất Nhật
>> Tuyển Việt Nam 'tiêu thụ' cực mạnh thịt bò Nhật Bản
|
Trung tâm J-Green Sakai của Nhật Bản thực sự là một trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp. Ngoài cơ sở vật chất xứng đáng điểm 10 về chất lượng, chế độ dinh dưỡng mà trung tâm dành cho mỗi đối tượng tập huấn ở đây lại không hoàn toàn giống nhau. Đội tuyển Việt Nam từ ngày sang đây, chưa phải phàn nàn về thức ăn bởi rất hợp khẩu vị và thực đơn phong phú.
Việc thức ăn được nấu hợp khẩu vị ở một nước khác Việt Nam, thực sự là một việc khó. Còn nhớ, cách đây ít năm, đội tuyển Việt Nam tập huấn ở khách sạn La Thành, Ban huấn luyện và… nhà bếp đã cự cãi nhau không ít lần vì tiền chi không nhỏ nhưng đồ ăn quá dở. Yêu cầu đổi qua lại hàng chục lần vẫn không ưng ý, đến mức, có cầu thủ đến bữa ăn là hoảng.
Nhưng sang Nhật lần này, cầu thủ rất hài lòng và không ai hoảng cả. Nhưng ông thầy trẻ tuổi Hiroo thì hơi hoảng một tí.
Chuyên gia thể lực Hiroo đã phát hiện ngay ra là cầu thủ Việt Nam chưa biết cách ăn phù hợp với những loại bài tập khác nhau. Ví dụ, những ngày tập sức mạnh, cơ thể cần nạp nhiều đạm; còn ngày tập thiên về sức bền, lại cần nạp nhiều đường (ở đây là tinh bột chuyển hóa thành đường). Tuy nhiên, cầu thủ của chúng ta thì luôn chọn thức ăn với thành phần giống nhau cho các ngày.
Và ông Hiroo đã đặt ra yêu cầu mang tính cơ học là sau những buổi tập sức mạnh, lượng đạm (protein) mà mỗi cầu thủ cần nạp là 20mg/kg cân nặng. Cộng thêm rau, hoa quả để bổ sung vitamin và các nhóm chất khác phải được sử dụng với số lượng không hạn chế. Đội tuyển Việt Nam ở các thời HLV ngoại hay nội trước đây, vấn đề ăn uống đảm bảo nguyên tắc dinh dưỡng cũng được quan tâm nhưng chưa triệt để và cầu thủ thường ăn theo sở thích. Nhưng bây giờ, vừa ăn theo sở thích (để đảm bảo sự ngon miệng), vừa phải tuân thủ khoa học.
HLV thể lực cũng nói với cầu thủ là hãy nhìn HLV Miura, ông bé nhỏ và không hề dầy cơm nhưng đá tới vài trăm trận đấu trong sự nghiệp. Vậy sự bé nhỏ đôi khi không quyết định vấn đề thể lực khỏe hay yếu.
|
Ngay buổi đầu tiên làm quen với đội tuyển Việt Nam, ông Hiroo đã yêu cầu các cầu thủ điền vào phiếu khảo sát tình trạng thể lực, chấn thương và quá trình tập luyện trước khi tập trung đội để có thể đề ra các bài tập thể lực phù hợp với toàn đội.
Chuyên gia Hiroo cho rằng, cầu thủ Nhật Bản được rèn thể lực chuyên nghiệp từ bé, cộng với chế độ dinh dưỡng và y sinh học kết hợp nên họ rất ít khi bị những chấn thương kiểu như dạng quá tải.
Điều đặc biệt nữa là các bài tập thể lực của tuyển Việt Nam trên đất Nhật sẽ được xây dựng để phù hợp với sự đòi hỏi của các vị trí khác nhau trên sân. Thông qua bảng khảo sát cũng như thực tế chứng kiến, ông Hiroo nhận thấy, cầu thủ Việt sức bền không quá tồi (có thể chạy tốt cả 90 phút và nuốt trọn vẹn khối lượng tập rất nặng) nhưng sức mạnh còn yếu.
Với môn đối kháng như bóng đá, sức mạnh kém thì sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tì đè trong những pha tranh chấp, hay thực hiện những pha đột phá. Nguyên nhân dẫn đến điểm yếu này của cầu thủ Việt là do tố chất bẩm sinh của người Việt Nam, phương pháp huấn luyện từ nhỏ không chuyên nghiệp.
Vì thế, các HLV người Nhật sẽ có những bài tập chuyên biệt, ví dụ như giúp các tiền đạo như Công Vinh, Anh Đức…tăng sức mạnh và tốc độ để có thể tăng khả năng dứt điểm thành công. Với các tiền vệ - “lực lượng” chạy nhiều nhất trong đội thì thể lực phải đảm bảo được việc chạy trong mỗi trận đấu từ 9 km đến mức tối đa 13 km. Và bài tập thể lực cũng có sự chuyên biệt dành cho hai “đối tượng” khác nữa là thủ môn và các hậu vệ.
HLV Miura nhấn mạnh rằng, ông rất tin tưởng khi đội tuyển thi đấu tại AFF Cup, thể lực cầu thủ sẽ sung mãn và ông sẽ kiểm chứng sự khỏe mạnh của họ trong 4 trận đấu giao hữu tới đây.
Nhật Duy
Bình luận (0)