Tuyết cuộn giữa lòng người

01/06/2014 02:05 GMT+7

Tuyết hoang (*), cái tên gọi lạnh lùng mà gợi cảm ấy đánh thức cả một thời khốn khó chưa xa, những năm thập niên 80, 90.

 Trần Quốc Quân
Tác giả Trần Quốc Quân ký tặng sách cho bạn đọc - Ảnh: Nguyễn Thông

Tôi cùng lứa tuổi với Nguyên (nhân vật chính của Tuyết hoang) nên dường như chả mấy khó khăn khi cảm nhận mạch truyện và những con người trong cái thế giới ký ức đó. Dường như tác giả cố làm ra vẻ dửng dưng khách quan mà biên chép lại cuộc sống và con người từng chứng kiến nhưng tôi đồ rằng anh (Trần Quốc Quân) chính là một phần của An, Nguyên… chứ thoát chi được. Không thế, sao giọng văn thương cảm, run rẩy, gan ruột, quặn lòng vậy.

Chả hiểu hồi ấy, không biết từ cái mồm nào mà bật lên câu thành ngữ gọn gàng “sướng như đi Liên Xô”. Như tiếng reo không thể kìm nén. Như niềm vui vỡ òa. Như khát khao của một đời. Cũng phải thôi, đi Liên Xô (cũng có nghĩa đi Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, thậm chí cả Mông Cổ, Triều Tiên) đồng nghĩa với thoát ra khỏi chiến tranh, chết chóc, nghèo đói, cơ cực, đồng nghĩa với sung sướng, hòa bình, giàu có, ăn ngon mặc đẹp. Đi Liên Xô, Ba Lan là đi về phía thiên đường. Hàng vạn, hàng triệu thanh niên, học sinh dù biết mười mươi tương lai trước mắt là chiến trường, bởi “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” nhưng lòng vẫn thầm ao ước ngày nào đó được cầm trên tay chiếc vé liên vận, rạng rỡ xen chút bùi ngùi đưa tiễn nhau ở ga Hàng Cỏ, hoặc sang hơn nữa thì sân bay Gia Lâm. Bề ngoài thì thế, nhưng nào ai tỏ chuyện bên trong.

 Bìa sách Tuyết hoang

Đọc Tuyết hoang, cuộc sống phơi bày trần trụi không như viễn cảnh mà những người tiễn đưa trên ga Hàng Cỏ suy nghĩ. Ngay từ cái lúc khép nép rụt rè đem “xấp vải tweed len cùng mấy hộp sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ” rón rén đặt lên bàn nhà ông cán bộ phụ trách tổ chức của Bộ ĐH-THCN để xin suất sang nước này nước khác là đã chớm bén chân vào sự nhục nhã rồi (chương 3). Đi học đi nghiên cứu khoa học mà cứ ngày đêm lo canh cánh đám quần bò, mành trúc, thủ công mỹ nghệ còn chình ình cả đống chưa có đầu ra, chưa có cách nào giải phóng kia, bảo không khổ không nhục thì là cái gì (chương 2). Đêm nằm vắt tay trên trán, lo tìm mối thuốc tây, tìm nơi tiêu thụ, khúm núm hèn hạ chị chị em em với bà trùm ngồn ngộn da thịt chỉ cốt sao mỗi chuyến hàng chênh lệch vài đô la, thì còn gì là kẻ sĩ (chương 1). Xa vợ xa con, xung quanh bao nhiêu cám dỗ, lòng lúc nào cũng rướn lên cái thiện nhưng thân chả thể thoát khỏi bẫy người, ngủ với người đàn bà khác mà đầu cứ ong ong khắc khoải hình bóng, tiếng nói người vợ nơi quê nhà, ai bảo là sướng (chương 4)... Đấy, những điều mà anh chàng nghiên cứu sinh Nguyên trải qua trên đất Ba Lan chỉ sơ sơ vài nét chấm phá thế cũng đủ giúp bạn đọc hiểu được thứ gì nấp đằng sau cuộc “sướng như đi Liên Xô”. Những khúc nhôi kiếm sống mà đám lưu học sinh, nghiên cứu sinh, đám lao động hợp tác trải qua cứ như cuốn phim nhiều tập được Tuyết hoang chiếu chậm khiến người đọc quặn lòng.

Đó là một thời của người Việt nơi xứ người.

Nguyễn Thông

(*) Tiểu thuyết của Trần Quốc Quân, NXB Trẻ, tháng 5.2014

>> Giới thiệu sách trinh thám mới của tác giả 'Harry Potter
>> Giới thiệu sách ảnh 'Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam
>> Giới thiệu sách, album nhạc "Khát vọng sống và yêu
>> Giới thiệu sách Nguyễn Nhật Ánh tại Thái Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.