Đã vậy văn bản còn gây sốc với một vế câu không thể khó hiểu hơn: “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”.
Khó hiểu trước hết ở hai chữ “tuyệt đối”. Hai chữ dường như ngay lập tức đẩy những nỗ lực sáng tạo của thầy cô giáo trong dạy học vào chân tường. Và dù người soạn thảo, người ký ban hành văn bản có là ai đi chăng nữa, thì cũng hãy nên nói thẳng với người ấy rằng, trong giáo dục chẳng nên có cái kiểu áp đặt cứng nhắc kiểu “tuyệt đối” ấy.
Giáo dục là một quá trình rất kỳ công và đòi hỏi không chỉ tâm huyết, đạo đức của người thầy. Giáo dục còn đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tế phát triển năng lực học sinh trong những hoàn cảnh chẳng bao giờ giống nhau. Không gì tệ hại hơn tham vọng “trói” quá trình giáo dục sáng tạo vào một khuôn mẫu “tuyệt đối” nào đó. Nhất là trong trường hợp này, khuôn mẫu tuyệt đối được gọi tên là sách giáo khoa.
Sách giáo khoa phải chuẩn mực, nhưng cũng đừng biến sách giáo khoa thành pháp lệnh cứng nhắc. Cái khó hiểu thứ hai về văn bản này chính là cụm từ ngữ “nội dung ngoài sách giáo khoa”. Cứ như thể, những “nội dung ngoài sách giáo khoa” sẽ bị xếp vào ô “sai trái”. Cộng với hai chữ “tuyệt đối” đi kèm, Bộ GD-ĐT chẳng thể biện minh là “diễn đạt gây hiểu nhầm”. Cũng chẳng phải lần đầu Bộ GD-ĐT biện minh kiểu tương tự, có điều lần này là hiểu sai chứ không phải “đánh máy nhầm”.
Có lẽ khó để thẳng thắn thừa nhận, rằng đó là thứ tư duy quản lý chật hẹp còn sót lại đâu đó trong não trạng quản lý giáo dục cũ kỹ và bỗng dưng hiện ra trong một văn bản hướng dẫn có khá nhiều ý đổi mới cởi mở.
Thẳng thắn thừa nhận để có thể đoạn tuyệt với những điều cũ kỹ và lỗi thời trong tư duy quản lý giáo dục nước nhà. Chớ đừng, vì một chốc lát bị chỉ trích mà quanh co biện luận rồi không khéo lại cứ tạo cơ hội cho những thứ tư duy lỗi thời còn sót lại mãi, hết lần này đến lần khác.
Cứ thử nghĩ đi, nếu công chúng không lên tiếng, thì cái ý được cho là gây hiểu nhầm ấy sẽ chễm chệ thành cơ sở pháp lý để thực thi chương trình giáo dục phổ thông.
Trong khi ngành giáo dục vừa tuyên bố giáo dục “hướng đến năng lực” nhưng lại vừa tìm cách quay về với “giáo dục hướng đến nội dung” bằng cách đóng đinh giáo dục vào khung kiến thức chật hẹp của sách giáo khoa? Khi ấy giáo dục đi về đâu, bởi vừa mong muốn “giáo dục khai phóng”, học hỏi giáo dục Phần Lan... nhưng lại vừa dùng lệnh bài “tuyệt đối” để trói thầy giáo và học sinh vào giới hạn kiến thức giáo khoa?
Rất may là Bộ GD-ĐT lên tiếng xác nhận “diễn đạt gây hiểu nhầm” sau gần 2 tuần ra văn bản. Nhưng sẽ may hơn nữa, nếu từ nay về sau, không một từ “tuyệt đối” nào có cơ hội xuất hiện trong văn bản của Bộ nữa.
Bình luận (0)