Đô la tự do liên tục "nhảy múa"
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước công bố mức giá mua bán đô la Mỹ ở mức 20.600 - 20.844 đồng, chiều mua giữ nguyên, chiều bán tăng 10 đồng so với trước. Các ngân hàng thương mại cũng tranh thủ đẩy giá lên. Vietcombank và Vietinbank thông báo thu mua ở mức 20.840 đồng/USD, bán ra 20.844 đồng/USD, tăng 10 đồng so với trước. Một số đơn vị khác để giá mua vào rẻ hơn khoảng 20 đồng, nhưng bán ra cũng kịch trần 20.844 đồng/USD.
Giá USD trên thị trường tự do hôm nay liên tục "nhảy múa". Đầu giờ sáng, tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), mua bán đồng bạc xanh phổ biến ở mức 21.500 - 21.540 đồng/USD, đắt hơn 120 đồng so với hôm 3.10. Tuy nhiên, đến trưa và chiều nay, mỗi USD tiếp tục tăng thêm gần 100 đồng, lên 21.580 - 21.630 đồng/USD (mua - bán).
Nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD "nóng" trở lại trong những ngày gần đây, đặc biệt trên thị trường tự do, theo tổng giám đốc một công ty vàng lớn tại Hà Nội, chủ yếu do tác động từ thị trường vàng. Kể từ đầu năm đến nay nguồn ngoại tệ dành nhập khẩu vàng lên tới 1,5 tỉ USD, chỉ riêng tháng 9.2011, con số này là 600 triệu USD.
“Các đầu mối nhập khẩu vàng không đủ USD để nhập, do các ngân hàng đã không còn dư dả ngoại tệ như vài tháng trước. Một số công ty phải mua USD cao hơn mức giá niêm yết của ngân hàng lên 21.000 đồng/USD”, vị tổng giám đốc trên nói.
Lý giải cho sự tăng giá bất thường, anh Chính, chủ một điểm thu đổi ngoại tệ tại phố Hà Trung cho hay, nhu cầu USD của người dân và doanh nghiệp mấy ngày này khá lớn. Theo anh, kinh nghiệm chỉ ra, dịp cuối năm, giá USD bao giờ cũng tăng nhanh và mạnh hơn so với giữa năm, vì đó là thời điểm nhiều doanh nghiệp phải trả các khoản vay thanh toán bằng ngoại tệ. Đồng thời, một số mặt hàng nhập khẩu dịp cuối năm cũng cần USD để thanh toán.
Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) nhìn nhận, tâm lý là yếu tố chính đẩy giá USD cao lên. Theo ông Thọ, thanh khoản ngoại tệ hiện nay không hề yếu, nguồn cung vẫn đủ để đáp ứng, tuy nhiên, sự xáo động của thị trường vàng, thông tin một số đơn vị được nhập vàng trong thời gian vừa qua cũng tác động khiến tỷ giá căng lên so với trước.
Mặt khác, cuối năm, nhu cầu đô la của nhiều đơn vị cũng tăng, các doanh nghiệp phải trả những khoản vay thanh toán bằng ngoại tệ, khiến cho tỷ giá thêm phần căng thẳng, nhưng không đến mức trầm trọng.
Nguồn tin từ một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, chủ trương của cơ quan này thời gian qua là không can thiệp quá mạnh tay vào tỷ giá, chấp nhận để tỷ giá tăng ở mức độ hợp lý. Sở dĩ như vậy, vì thời gian qua, cầu ngoại tệ chủ yếu đến từ các đầu mối nhập khẩu vàng. Không ít đầu mối lợi dụng tỷ giá thấp, chênh lệch giá vàng cao để hưởng lợi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ can thiệp để cho tỷ giá không bùng lên, tránh việc người dân có cảm giác không thể kiềm chế.
|
Mong manh khoảng cách 1%
Ngoài áp lực của vàng, gần đây dư luận đang ồn ào về các khoản vay nợ nước ngoài hàng tỉ USD của các ngân hàng thương mại. Thực tế, tại cuộc họp với nhóm G12 (12 ngân hàng lớn chiếm 80% thị phần) ngày 4.10, Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định giữ tỷ giá không tăng quá 1% đến cuối năm.
Một chuyên gia nhận định, việc khẳng định tỷ giá không biến động quá 1%, chủ yếu Ngân hàng Nhà nước muốn cố gắng tạo niềm tin cho thị trường, còn thực tế nhà điều hành cũng đã nhìn thấy áp lực tỷ giá đang lớn dần. Nếu không kể vàng, không tính tới nhu cầu ngoại tệ dùng thanh toán cuối năm tăng đột biến, áp lực nhập siêu, thì các khoản vay nợ USD vượt quá xa so với khoản huy động vào tiềm ẩn rủi ro khó lường.
Theo một nguồn đáng tin cậy cho biết, đến ngày 31.8.2011, trong khi dư nợ VND chỉ tăng 6,94% thì dư nợ ngoại tệ tăng 21,79%. Ngân hàng Nhà nước dự báo cuối năm tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ lên tới 30%, một con số khá lớn. Mặc dù trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, siết chặt cho vay ngoại tệ nhưng khó lòng ghìm cương sức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ.
Trong khi đó, suốt nhiều tháng qua nguồn ngoại tệ huy động vào đã được các ngân hàng sử dụng hết công suất 100%, nhưng vẫn không đủ để cân đối, hiện các ngân hàng thương mại đang phải đi vay, nhận tài trợ của tổ chức nước ngoài.
Ông Trần Bắc Hà - Tổng giám đốc BIDV cho rằng, mức dao động theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước không quá 1% từ nay đến cuối năm đã tạo dựng được niềm tin lớn cho thị trường. Nhưng ông tỏ ra lo ngại, vì dư nợ tín dụng ngoại tệ đang tăng quá cao, các doanh nghiệp đang vay ngắn hạn để đắp đổi, trong khi khả năng huy động không có thì phải xử lý như thế nào? “Áp lực trả nợ cuối năm, cùng với nhập siêu sẽ đè nặng lên tỷ giá”, ông nói.
Đồng quan điểm trên, Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước, cũng lo lắng về sự mất cân đối huy động và cho vay ngoại tệ sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Đối với sự ổn định tăng ở mức 1% như khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, theo ông chỉ mang tính chất tương đối, vì thâm hụt thương mại, nhập siêu nền kinh tế còn cao. Ông Phước lo ngại, dù là ngoại tệ vay hay mua để thanh toán đều tác động rất mạnh lên nhập siêu, làm lệch pha hoạt động trên thị trường ngoại hối và tín dụng ngoại tệ.
Anh Vũ - Lê Quân
Bình luận (0)