U.70 nỗ lực trở thành thạc sĩ vì nhớ lời mẹ dặn

17/07/2018 13:19 GMT+7

Ngày 12.7, hội đồng chấm luận văn thạc sĩ ngành văn học Việt Nam (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bất ngờ vì nữ học viên bảo vệ luận văn là bà Nguyễn Hoàng Mai (64 tuổi).

 

[VIDEO] U70 tốt nghiệp thạc sĩ ở TP.HCM vì quyết nghe lời mẹ

Lời mẹ dặn 

Khi nhắc về bà Nguyễn Hoàng Mai (64 tuổi), những người quen bà luôn nói về sự cần cù, chịu khó bởi chuyện đi học cao học vốn đã không dễ với người trẻ, đối với một người lớn tuổi như bà thì còn chật vật hơn gấp nhiều lần.

Sinh năm 1954, bà Mai tốt nghiệp tú tài chương trình phổ thông ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Tuy nhiên, đến tận năm 1985 bà mới bắt đầu vào học đại học ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM). Tốt nghiệp đại học năm 1990, bà làm nhiều nghề để sinh sống, trong đó chủ yếu bán đồ chay.

Năm 2014, khi đã 60 tuổi, bà mới có thời gian theo học chương trình học học của ngành văn học Việt Nam. 4 năm ròng rã theo đuổi học tập, nghiên cứu, cuối cùng bà đã trở thành tân thạc sĩ.

“Thời còn sống, mẹ tôi thường dạy chúng tôi rằng 'cuộc đời người thì hữu hạn nhưng học vấn thì vô hạn'. Mẹ tôi còn dạy chúng tôi rằng học thì phải thực hành. Dù mẹ tôi đã mất từ rất lâu, nhưng chúng tôi vẫn ghi nhớ lời mẹ để theo đuổi sự học trọn đời”, bà Mai chia sẻ.

Học viên cao học Nguyễn Hoàng Mai đang bảo vệ luận văn Mạnh Khang

Mẹ tôi thường dạy chúng tôi rằng “cuộc đời người thì hữu hạn nhưng học vấn thì vô hạn”

Nguyễn Hoàng Mai

“Cô Mai là học viên lớn tuổi nhất mà tôi từng giảng dạy, hướng dẫn. Ở tuổi ấy, chắc chắn rằng cô đã phải nỗ lực cố gắng gấp đôi, gấp ba người trẻ mới có được kết quả như ngày hôm nay”, PGS - TS Võ Văn Nhơn, Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhận xét về người học trò lớn tuổi.

Kiến thức rơi rớt nhiều trong suốt 30 năm lo miếng cơm, manh áo, chỉ có sự thôi thúc tìm kiếm tri thức mãnh liệt mới khiến bà Mai tiếp tục việc học. Ở tuổi 64, bà Mai đến với tri thức bằng sự vô tư hiếm có. PGS - TS Trần Lê Hoa Tranh, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, nhận xét: “Chị ấy học chăm chỉ môn tôi dạy cao học, rất cầu tiến. Có thể không thật xuất sắc, thật giỏi nhưng rất chăm, làm bài đầy đủ, rất ham học”.

Muốn học lên tiến sĩ

Hôm gặp chúng tôi, tân thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai chỉ đi một mình. Bà tâm sự: “Đáng lẽ mình định đưa một đứa cháu theo, nhưng tụi nhỏ bận quá”. Hỏi ra mới biết bà không có gia đình riêng và con cái.

Sự chia sẻ cho việc học hành ở tuổi ngoài 60 của bà Mai đến từ các giảng viên. Đề tài luận văn thạc sĩ “Tìm hiểu về tiểu thuyết của Bà Tùng Long” mà bà bảo vệ cũng do PGS - TS Võ Văn Nhơn gợi ý bởi “cô Mai là người sống ở miền Nam trước 1975 nên hiểu được hoàn cảnh, tâm tư tình cảm của nhân vật trong tác phẩm của Bà Tùng Long”.

Nói rằng phù hợp nhưng vì đã lớn tuổi và không theo học nhiều năm nên bà Mai đã rất vất vả mới theo kịp mặt bằng nghiên cứu và hoàn thành được luận văn.

Bà Mai kể: “Tôi đi kiếm tài liệu tương đối khó khăn vì tài liệu tản mát, khó tìm, có những lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng rồi cuối cùng cũng hoàn thành”.

Tân cử nhân Nguyễn Hoàng Mai và PGS - TS Võ Văn Nhơn Mạnh Khang

Luận văn “Tìm hiểu về tiểu thuyết của Bà Tùng Long” của học viên Nguyễn Hoàng Mai được hội đồng khoa học đánh giá là công trình nghiên cứu độc đáo, đầu tư công phu và tìm hiểu sâu nhiều nguồn tài liệu... Luận văn được chấm 8 điểm, đây là điểm số cao vì điểm 9, 10 chỉ được chấm cho người có bài báo được đăng trên tạp chí khoa học.

Khi đã thành tân thạc sĩ ở tuổi 64, bà Nguyễn Hoàng Mai tâm sự rằng, sau khi trở thành tân thạc sĩ, nếu điều kiện và sức khỏe cho phép, bà còn muốn tiếp tục học lên tiến sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.