U hạt này tiết dịch gây ẩm ướt rốn thường xuyên, nếu không được điều trị, mô xung quanh rốn có thể bị viêm tấy đỏ dẫn đến nhiễm trùng rốn. Nếu rốn bé không khô như đã nói trên, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị.
Nếu đúng là u hạt rốn, tiến trình điều trị tương đối đơn giản, bé sẽ được chấm nitrate bạc (một hoạt chất có tính đốt cháy) hoặc đốt điện để làm xơ teo u hạt, khiến u không còn tiết dịch và xẹp dần. Quá trình điều trị đòi hỏi phải có sự hợp tác của thân nhân bé vì có thể kéo dài 2-4 tuần (mỗi tuần u hạt sẽ được đốt 2-3 lần).
Điều cần lưu ý là các bậc cha mẹ không nên tự điều trị vì có một số trường hợp rốn cũng rỉ dịch nhưng không phải là u hạt rốn mà do tồn tại ống niệu rốn hoặc ống rốn ruột. Với các trường hợp này, cách thức điều trị sẽ khác hẳn. Bác sĩ sẽ khám và cho thêm một số xét nghiệm lâm sàng để chẩn đoán phân biệt.
Tóm lại, đứng trước một trường hợp rỉ dịch rốn ở trẻ kéo dài, cha mẹ nên cho bé đến bệnh viện khám để tìm ra căn nguyên của bệnh và có cách thức điều trị thích hợp. U hạt rốn chỉ là một phần trong các bệnh lý vùng rốn thường gặp.
Theo BS Trương Anh Mậu - Ths BS Trần Vĩnh Hậu / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)