U Minh vẫn cần lắm những tấm lòng

26/07/2005 22:23 GMT+7

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, trong 2 ngày 25 - 26/7, đoàn công tác báo Thanh Niên đã lên đường đến với huyện U Minh, tỉnh Cà Mau để trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động mang ý nghĩa đền ơn đáp nghĩa hằng năm mà Thanh Niên đã thực hiện từ đầu tháng 7 đến nay qua các địa phương: Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Cà Mau.

Vượt qua quãng đường hàng trăm cây số băng rừng, qua thêm nhiều kênh rạch quanh co, chúng tôi đã đến được với bà con thuộc 40 hộ gia đình của 2 xã Nguyễn Phích và Khánh An.

Cả trăm con người là cả trăm cảnh ngộ éo le, mới thấy những vất vả của chúng tôi nào có gì đâu. Mỗi nạn nhân chất độc da cam với các chứng bệnh khác nhau nhưng có chung cảnh đời khó khăn. Người bị nhẹ cũng phải nhờ người thân dìu dắt, nặng thì tay chân co quéo phải nhờ người khác bồng bế. Có người bị mù, có người bị tật, thân mình co rút, phát âm khó khăn. Như bé Nguyễn Như Ý, năm nay 11 tuổi (ngụ ấp 6, xã Khánh An), từ lúc chào đời đến nay vẫn chưa một lần nhìn thấy ánh sáng mặt trời, mọi hoạt động chỉ dùng đôi chân tay mò mẫm. Anh Phan Văn Chánh, ấp 10, xã An Khánh năm nay 34 tuổi nhưng sức yếu như đứa trẻ. Anh Chánh hai tay bị co rút, gương mặt bị biến dạng, đầu cứ niễng bên trái, phát âm từng tiếng khó khăn nhưng vẫn cố gắng đến chào từng thành viên trong đoàn để nói lời cám ơn. Em Trương Trung Nghĩa, năm nay 14 tuổi nhưng chưa một lần đến trường, cứ nói nói cười cười ngớ ngẩn suốt ngày. Chị Huỳnh Thu Xuân năm nay 34 tuổi ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích thì hai tay và chân co duỗi khó khăn, thân mình bị co rút như đứa trẻ lên 10. Bà Lư Thị Nhĩ, mẹ chị Xuân buồn buồn nói: "Nhà tôi nghèo lắm, sống bằng nghề đan thúng. Xuân bị bệnh nặng vậy đâu giúp gì cho gia đình được, lâu lâu chỉ nhờ nó giữ nhà, giữ thúng".

Chị Lê Thị Lý bên đứa con tật nguyền

Chị Lê Thị Lý gương mặt cứ buồn buồn khi nhắc đến đứa bé gái mà chị bồng bế trên tay, hai tay chân của cháu bị liệt, gương mặt vô hồn. Cháu tên Hồ Xuân Thảo, năm nay 9 tuổi nhưng nhỏ thó như đứa bé lên 3. Chị Lý nhớ lại: "Khi sinh ra cháu cứ khóc suốt, dỗ hoài không nín, nhìn gương mặt dị dạng của cháu vợ chồng tôi đau đớn vô cùng. Lớn lên tay chân cháu cứ co rút dần, cháu không nói được chỉ nhìn, cười, khóc". Trường hợp ông Nguyễn Minh Hải còn bi đát hơn, ông Hải có 3 người con thì hai người con lớn và người con út bị bệnh thần kinh, khi mê khi tỉnh. Ông Hải đã tất tả chạy tiền lo thuốc men nhưng đến nay bệnh tình cả hai vẫn không thuyên giảm. Người con trai duy nhất của ông là anh Nguyễn Minh Nhựt, năm nay 16 tuổi nhưng từ khi lọt lòng đã bị bại não, không nói được, không di chuyển được chỉ nằm lỳ một chỗ. Ông Hải buồn buồn nói: "Nhiều khi về nhà thấy ruồi muỗi bu đậu chích cắn. Từ ngày 3 cháu bị bệnh đến nay nội lo mượn tiền điều trị đủ hụt hơi". Chị Trần Lệ Minh, mẹ bé Như Ý thì cho biết: "Cháu bị mù hai mắt nên đi đứng khó khăn lắm, cháu ham học hỏi đặc biệt là học đờn...".

Với 20 triệu đồng của bạn đọc báo Thanh Niên trợ giúp, chúng tôi đã trao cho mỗi hộ có nạn nhân nhiễm chất độc da cam 1 suất quà trị giá 500 ngàn đồng, gồm 400 ngàn tiền mặt và 1 cái mùng, 1 cái mền. Và khi hay tin chúng tôi lên đường đến với những nạn nhân có hoàn cảnh bi thương như vậy, ông Nguyễn Thái Hùng, Giám đốc Công ty May Tây Đô đã hỗ trợ thêm 300 sản phẩm áo, quần để chúng tôi phân bổ cho các gia đình nói trên. Ông Lê Thanh Triều, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh xúc động cảm ơn tấm lòng của bạn đọc báo Thanh Niên và cho biết kết quả tốt đẹp về đêm văn nghệ gây quỹ vì người nghèo mới đây mà Thanh Niên đã vận động trên mặt báo. Qua đêm văn nghệ, Ban tổ chức đã thu được 4,7 tỉ đồng, trong đó có 2,7 tỉ đồng dành cho các chương trình: nước sạch, cầu, trang thiết bị y tế; 2 tỉ đồng dành cho việc xây từ 200 - 300 căn nhà tình thương cho người nghèo.

Gia đình và các nạn nhân ký nhận quà do báo Thanh Niên trao tặng

Huyện U Minh vốn là vùng căn cứ kháng chiến cũ gánh chịu hậu quả khốc liệt của chiến tranh. Với chiến dịch "Nhổ cỏ U Minh", không biết bao nhiêu chất độc khai hoang đã rải xuống vùng rừng U Minh này. Trong địa bàn huyện có đến 1.264 hộ chính sách, 26 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Và đau thương nhất là có đến 154 nạn nhân chất độc da cam, tập trung nhiều nhất tại các xã: Khánh Hòa, Khánh Tiến, Khánh An và Nguyễn Phích. Chúng tôi nghĩ nơi đây vẫn còn cần rất nhiều những tấm lòng nhân ái gần xa chia sẻ, giúp đỡ.

H.Hạnh - K.Chiến - T.Dũng - T.Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.