Khoảng hơn 15 phút trước khi buổi tập chiều 28.12 trên sân Thống Nhất kết thúc, các bác sĩ của U.23 Việt Nam đã tất tả gom đá vào các bịch nilon, bày ra đầy một góc.
Hữu Dũng, Duy Khánh và những bịch đá chườm khắp chân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Đó là công việc đơn giản nhưng cũng khá tốn thời gian, khiến 2 trợ lý phải mất hơn chục phút mới hoàn tất, nhất là khi phải xách cả một bao đá to oạch đặt sẵn ở bên trong hầm khán đài ra ngoài đường biên.
Tốn công là thế, nhưng khi đội tuyển kết thúc buổi tập, các trợ lý càng làm việc cật lực hơn nữa bởi hầu như cầu thủ nào khi ra ngoài việc đầu tiên cũng là chạy lại lấy bịch đá để chườm lên chân, rồi í ới nhờ thầy quấn chân giúp.
Hai thương binh đang tập riêng là Duy Khánh và Hữu Dũng là những người được chăm sóc sớm nhất. Khánh chườm đá và lấy nilon quấn cô định vào đầu gối trái, thêm một bịch nữa ở bàn chân phải, chỗ các ngón chân. Trong khi đó, Hữu Dũng cũng chẳng vừa với “cú đúp” với một bên gối trái và mu bân chân bên phải.
Sau đùi phải, Văn Dũng đang nhờ ông Kubo cố định bịch chườm cho đầu gối trái - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Cứ tưởng 2 thương binh này là dị biệt. Hóa ra không phải. Nhìn ra xung quanh, tỷ lệ xin bịch đá để chườm chân tại U.23 Việt Nam cao phải hơn 80%. Anh em lấy nilon quấn quanh chân cứ như mặc đồng phục. Người một chỗ kẻ hai chỗ. Nhìn lóa cả mắt.
Phải tìm khá kỹ mới thấy một hai gương mặt hãn hữu tươi tắn rời sân Thống Nhất với đôi chân lằn lặn, không phải quấn băng hay chườm đá.
“Khối lượng tập và áp lực trong các bài tập khiến anh em ai cũng đau một chỗ nào đó. Thêm vào đó, việc chườm đá sau buổi tập cũng giúp chúng tôi giảm được nguy cơ chấn thương hoặc tái phát chấn thương.
Bởi vậy, sau buổi tập mọi người đều có thói quen lấy bịch nilon ướp sẵn đá để chườm lên chân. Chí ít cũng giúp tâm lý an tâm hơn”, một cầu thủ chia sẻ.
Các trợ lý trong phần chuẩn bị bịch chườm đá cho đội tuyển U.23 Việt Nam - Ảnh: Quốc Việt
|
Việc các tuyển thủ chấn thương hoặc chườm đá sau các buổi tập thì triều đại nào cũng có. Nhưng nhiều và nhộn nhịp như dưới triều đại HLV Miura thì hầu như là lần đầu tiên.
Thực tế, chấn thương và nguy cơ trở thành thương binh luôn rình rập các tuyển thủ ở mỗi lần tập trung dưới triều đại HLV Toshiya Miura là chuyện thường ngày ở huyện. Đó gần như là một trong những nét đặc trưng của trường phái Miura.
Còn nhớ tại vòng loại U.23 châu Á, ở giai đoạn tập huấn ở Bình Dương, phòng các đội tuyển của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã phải hoạt động hết công suất khi người gọi lên bổ sung liên tục. Có người đếm nhẩm, số thương binh khi đó của U.23 Việt Nam còn đông hơn cả người lành lặn.
Cũng là một thực tế, rằng HLV Miura sau chuỗi chấn thương liên tiếp hồi mới tập trung đã chủ động giảm khối lượng tập lại. Đây là điều cả đội bóng đều công nhận. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ những pha đối kháng mạnh mẽ ở những buổi đấu tập khiến đây vẫn là nỗi lo lớn.
Hữu Dũng và Duy Khánh được "ưu tiên" sử dụng trước - Ảnh: Quốc Việt
|
Có thể kể ra Văn Toàn, Đông Triều, Hữu Dũng, Tuấn Tài... là những thương binh gần nhất đã không bị quá tải vì khối lượng tập mà còn bởi những pha va chạm từ các đồng đội. Thậm chí, có người bị đau sau chính pha vào bóng của một đồng đội tại CLB của mình ở những buổi chia ra đá tập.
Bởi vậy, việc các tuyển thủ ai cũng chủ động đi chườm chân sau các buổi tập đã trở nên hết sức tự nhiên, vừa đảm bảo giảm tỷ lệ xảy ra chấn thương và quan trọng hơn, như sự an ủi về mặt tinh thần.
Ngày lên đường đi Qatar đã rất gần. Cơ hội vàng như giải U.23 châu Á chẳng phải khi nào cũng có. Chẳng ai muốn mình trở thành kẻ xui xẻo phải ở nhà vì lý do bất khả kháng cả.
Bình luận (0)