80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024)

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam

16/12/2024 08:40 GMT+7

Nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) do Việt Nam sản xuất, đã được đưa vào biên chế chiến đấu của các đơn vị quân đội.

Tiên phong, đi đầu và các sản phẩm mang đậm dấu ấn trí tuệ "Made in Việt Nam" trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thiết bị bay không người lái (UAV), phải kể đến Viện Khoa học và công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng), Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân…

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 1.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) giới thiệu tính năng, tác dụng của UAV-QXL.01 với ông Võ Hồng Nam (hàng đầu bên trái), con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp

ẢNH: P.V

UAV phục vụ huấn luyện

Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của Quân chủng Phòng không - Không quân, ra đời tháng 5.1978.

Viện có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề khoa học - công nghệ thuộc lĩnh vực kỹ thuật phòng không - không quân, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; nghiên cứu khai thác, bảo quản, sử dụng, tăng hạn sử dụng, cải tiến, tiến tới sản xuất vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật phòng không - không quân.

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 2.

Cán bộ Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân nghiên cứu UAV huấn luyện

ẢNH: T.L

Những năm qua, cùng với các định hướng nghiên cứu trọng tâm, Viện tập trung nắm bắt, dần làm chủ các công nghệ mới và ứng dụng hiệu quả trong nghiên cứu khoa học - công nghệ. 

Nổi bật là các công trình nghiên cứu có ý nghĩa, được ứng dụng thực tế, như chế tạo thành công máy bay TL-1 có người lái đầu tiên và bay thử thành công; chế thử thành công máy bay huấn luyện HL-1, HL-2…

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 3.

UAV -02 của Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân

ẢNH: T.L

Viện đã tư vấn thiết kế và cùng nhà máy A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân) chế tạo thành công 5 máy bay siêu nhẹ lưỡng dụng VNS-41. 

Đặc biệt, giai đoạn 2014 - 2016, Viện được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thiết kế, chế tạo hệ thống phân biệt địch ta IFF-VN. Hệ thống IFF-VN đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu, đánh giá cao và được đưa vào biên chế. Hiện nay, dự án IFF-VN giai đoạn 3 đang được trang bị cho các đơn vị trọng yếu trong toàn quân.

Quân đội có thêm lực lượng chế áp UAV

Đầu tháng 6.2023, tại Trường bắn Quốc gia TB-1, lần đầu tiên Quân chủng Phòng không - Không quân khai mạc Hội thao Vọng quan sát mắt, Tổ bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh, Tổ chế áp các phương tiện bay không người lái (UAV) bằng thiết bị điện tử mang xách (thực hiện cả lý thuyết và thực hành).

Theo quy chế, các kíp chiến đấu phải tham gia cả lý thuyết và thực hành.

Nội dung thi lý thuyết gồm: Tính năng kỹ, chiến thuật của kính chỉ huy TZK; tính năng cơ bản, kỹ - chiến thuật, thủ đoạn hoạt động của một số loại UAV; thứ tự nội dung các bước trong chuẩn bị, thực hành chiến đấu, khôi phục chiến đấu…
Nội dung thực hành: Hiệp đồng tổ chiến đấu vọng quan sát mắt; tổ bộ binh thực hành chuẩn bị chiến đấu, đánh trả tốp UAV; sử dụng thiết bị tác chiến điện tử và tổ chế áp UAV thực hành chiến đấu tại vọng quan sát mắt...
Hội thao nhằm kiểm tra kết quả huấn luyện kỹ, chiến thuật của Tổ súng bộ binh bắn mục tiêu bay thấp, chế áp UAV bằng thiết bị tác chiến điện tử mang xách và lực lượng quan sát mắt của các đơn vị… 

Từ đó kịp thời bổ sung vào việc xây dựng nội dung huấn luyện, hoàn thiện quy trình chiến đấu, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Viện đã chế tạo thành công và đưa vào sử dụng hàng trăm bộ lốp máy bay MiG-21, Su-22M, Su-22M4 và L-39; hàng trăm tấn nhiên liệu lỏng tên lửa. Tham gia sửa chữa, cải tiến và chế tạo thành công nhiều trang thiết bị, hệ thống như máy tính dẫn đường A-313; hệ thống ECRAN trên máy bay Su-27; thiết bị hỗ trợ dẫn đường vệ tinh VT-05; hệ thống kiểm tra khách quan (hộp đen) KQ-SAP trang bị trên các loại máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân; cải tiến đài điều khiển tên lửa S-75M...

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 4.

UAV huấn luyện mang số hiệu UAV-03

ẢNH: T.L

Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công các loại buồng tập lái tĩnh và buồng tập lái động huấn luyện phi công máy bay IAK-52, L-39, Mi-8, Su-22M, Su-22M4; các loại máy bay không người lái (UAV) dùng làm mục tiêu cho không quân chặn kích, cho các lực lượng phòng không bắn đạn thật; chế tạo các loại tên lửa huấn luyện tự ghi để huấn luyện trên máy bay Su-27, Su-30MK...

Giai đoạn hiện nay, Viện đang thực hiện các dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ công tác khai thác, làm chủ kỹ thuật các loại thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại, như máy bay Su-30MK2, C-295, C-212, IAK-130; các tổ hợp tên lửa: S-300PMU1, C125-2TM và Spyder... góp phần quan trọng nâng cao năng lực và chất lượng sửa chữa thiết bị kỹ thuật trong Quân chủng Phòng không - Không quân.

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 5.

UAV của Quân chủng Phòng không - Không quân cất cánh

ẢNH: P.V

Đối với máy bay không người lái (UAV), Viện tập trung vào các sản phẩm phục vụ nhiệm vụ huấn luyện của quân đội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đến nay, đã có gần 30 mẫu phương tiện bay không người lái, trong đó phần lớn máy bay không người lái đã "ra lò", ứng dụng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng như: M-96CT, M-100CT, M-400CT, M-400ST. 

Hiện nay, Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân có các loại máy bay không người lái làm mục tiêu trên không DIS-18 trang bị động cơ phản lực, với trần bay lên đến 5.000 m, tốc độ lên đến 100 m/s và bán kính hoạt động 100 km, dùng để huấn luyện, bắn đạn thật cho tổ hợp tên lửa S-300PMU1 và máy bay Su-30MK2.

Trinh sát phóng xạ đường không

Thiết bị trinh sát phóng xạ đường không do Viện Điện tử (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng) phối hợp với Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) nghiên cứu, chế tạo.

Đây là thiết bị sử dụng UAV đa cánh quạt. Dữ liệu trinh sát gắn kèm thời gian, vị trí quan trắc được truyền theo thời gian thực về trạm mặt đất để xử lý và hiển thị trực quan trên nền bản đồ số, theo các kịch bản quan trắc khác nhau với khả năng chỉ thị đồng vị. 

Thiết bị có chức năng đo suất liều phóng xạ trong không khí, phân tích phổ tín hiệu và gửi thông tin về sở chỉ huy. Mỗi bộ thiết bị trinh sát có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp hai hoặc ba thiết bị với nhau theo bài toán trinh sát được đặt ra.

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 6.

Thiết bị trinh sát phóng xạ đường không

ẢNH: P.V

Các tính năng chiến thuật, kỹ thuật của từng thiết bị cũng như của toàn bộ hệ thống đã được kiểm tra, thử nghiệm đạt kết quả tốt. 

Đặc biệt, thiết bị trinh sát phóng xạ đường không sử dụng kỹ thuật truyền dữ liệu mã hóa trải phổ nên có độ ổn định và bảo mật cao. 

Theo kỹ thuật này, thiết bị sử dụng có kích thước nhỏ gọn, nguồn tiêu thụ ít nhưng vẫn bảo đảm cự ly liên lạc xa, phù hợp với các loại hình trinh sát trên không, tích hợp lên robot, khí tài quan trắc cá nhân.

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 7.

Thiết bị được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022

ẢNH: P.V

Kết quả của đề tài mở ra hướng nghiên cứu áp dụng công nghệ mới về thiết kế, chế tạo UAV để tích hợp các loại cảm biến khác nhau phục vụ trinh sát hóa học. 

Sản phẩm nghiên cứu cũng có thể mở rộng ứng dụng với nhiều loại hình trinh sát trên không cho các lực lượng khác trong quân đội, như trinh sát pháo binh, trinh sát biên phòng, cảnh sát biển, trinh sát bộ binh cơ giới...

UAV cảm tử

Sáng 13.12 vừa qua, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức trưng bày sản phẩm của một số nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các quân binh chủng. 

Trong số này, có nhiều mẫu UAV hiện đại, mới nhất được quân đội ta nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tập trung vào mẫu UAV cánh quạt chiến đấu cảm tử.

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 8.

UAV-BXL.01 do nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thiết kế và sản xuất

ẢNH: P.V

Điển hình là UAV - BXL.01 do nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thiết kế, chế tạo. Là các loại UAV cánh quạt chiến đấu cảm tử, mang đầu nổ xuyên lõm tiêu diệt các mục tiêu xe tăng, xe thiết giáp, pháo tự hành, trạm ra đa và các loại phương tiện kỹ thuật bọc thép ở trạng thái cố định có độ dày thành không lớn hơn 250 mm. 

Vận tốc tấn công mục tiêu của UAV không nhỏ hơn 150 km/h. Sai số tấn công mục tiêu không lớn hơn 3 m. Điều khiển thủ công hoặc tự động. Khối lượng cất cánh tối đa 10 kg. Trần bay 1.000 m. Độ cao hoạt động 150 - 500 m. Tốc độ bay hành trình 100 - 120 km/h và cự ly liên lạc tối đa là 10 km.

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 9.

UAV-QXL.01

ẢNH: P.V

UAV - QXL.01 sản xuất năm 2024, là loại UAV cánh quạt chiến đấu cảm tử, mang đầu nổ xuyên lõm tiêu diệt các mục tiêu xe tăng, xe thiết giáp, pháo tự hành, trạm ra đa và các loại phương tiện kỹ thuật bọc thép ở trạng thái cố định có độ dày thành không lớn hơn 250 mm. Khối lượng cất cánh tối đa 8 kg, trần bay 1.000 m, mang khối lượng phần chiến đấu tối đa 1,2 kg, sai số tấn công mục tiêu không lớn hơn 2 m… Sản phẩm này cũng do nhà máy Z-131 thiết kế, sản xuất.

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 10.

UAV VUA-SC-3G của Viettel trưng bày tháng 12.2022

ẢNH: P.V

Bên cạnh các sản phẩm UAV nổi bật này, còn có một số sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel). Theo những lời quảng bá trên trang website của đơn vị này, thì có một số sản phẩm như UAV VUA-SC-3G, UAV Shikra, trinh sát người lính tầm ngắn UAV1-1… chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát.

Một số hình ảnh về thiết bị bay không người lái (UAV)

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 11.

Cán bộ Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân với UAV phục vụ diễn tập bắn tên lửa

ẢNH: T.L

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 12.

UAV huấn luyện, cất cánh trên đường băng nhỏ hẹp

ẢNH: T.L

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 13.

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền (Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân) kiểm tra UAV phục vụ nhiệm vụ huấn luyện

ẢNH: P.V

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 14.

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nghe thuyết trình về thiết bị trinh sát phóng xạ đường không

ẢNH: P.V

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 15.

UAV - BXL.01 là loại UAV cảm tử, mang đạn nổ xuyên lõm, chuyên diệt xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành...

ẢNH: P.V

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 16.

UAV - QXL.01 mang được khối lượng chiến đấu tối đa 1,2 kg

ẢNH: P.V

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 17.

Các mẫu UAV cảm tử nhận được sự quan tâm rất lớn

ẢNH: P.V

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 18.

Điều khiển UAV trên thiết bị chuyên dụng

ẢNH: T.L

UAV của Quân đội nhân dân Việt Nam- Ảnh 19.

Chiến sĩ phòng không thực hành chế áp UAV

ẢNH: CTV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.