UBTVQH bàn về Dự luật Viễn thông: Phá độc quyền trong cung cấp hạ tầng viễn thông

11/08/2009 23:40 GMT+7

Hôm qua 11.8, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về Dự luật Viễn thông.

Khi thảo luận tại kỳ họp thứ 5 (diễn ra từ ngày 20.5-19.6.2009), có đại biểu QH cho rằng Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để cho các doanh nghiệp khác thuê lại. Trong giải trình, báo cáo tiếp thu, chỉnh sửa dự luật tại phiên họp sáng 11.8, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường (KHCNMT) Đặng Vũ Minh cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước là thúc đẩy và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ viễn thông theo cơ chế thị trường và định hướng XHCN, đặc biệt là việc mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp hạ tầng mạng. Nếu chỉ cho các doanh nghiệp nhà nước tham gia xây dựng hạ tầng mạng sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và tăng rủi ro kinh doanh vốn nhà nước trong lĩnh vực này. “Dự thảo không nhất thiết quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông để cho các doanh nghiệp thuê lại”, ông Đặng Vũ Minh nói.

Không thay phí bằng thuế

Có đại biểu QH đề nghị áp dụng thu thuế sử dụng tài nguyên viễn thông đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông thay cho phí. Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Đặng Vũ Minh cho rằng tài nguyên viễn thông không giống các dạng tài nguyên thiên nhiên, các nước trên thế giới cũng không áp dụng hình thức thu thuế, và đề nghị: “Quy định về phí sử dụng tài nguyên viễn thông như dự thảo là phù hợp”.

Cụ thể, Khoản 3 Điều 42 ghi rõ: Doanh nghiệp viễn thông phải nộp phí kinh doanh dịch vụ viễn thông theo 3 hình thức: nộp hằng năm trên cơ sở doanh thu; nộp hằng năm theo mức độ cố định; nộp một lần theo mức cố định cho toàn bộ thời hạn của giấy phép.

Cột điện tiếp tục "cõng" cáp viễn thông

Việc quản lý dịch vụ điện thoại di động trả trước chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Theo đó, việc sử dụng dịch vụ trả trước để nhắn tin quảng cáo vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ cho người sử dụng điện thoại. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông đã yêu cầu người sử dụng đăng ký thông tin cá nhân. Việc đăng ký dựa vào CMND, tuy nhiên các doanh nghiệp lại không có dữ liệu để kiểm tra lại các thông tin đó. Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Bộ Công an đang triển khai làm CMND điện tử. Để quản lý một cách hữu hiệu dịch vụ di động trả trước, phải chờ tiến độ của việc làm CMND điện tử.

Theo báo cáo giải trình của UBTVQH, thời gian qua việc phát triển, quản lý hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc cho xã hội, làm mất mỹ quan đô thị. Thực tế đã xảy ra tranh chấp giữa các doanh nghiệp điện lực và viễn thông. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện nay, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành kinh tế là cần thiết, giúp tiết kiệm đầu tư, tránh lãng phí. Chỉ có điều, việc dùng chung này phải đảm bảo được mỹ quan, cảnh quan môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, Điều 61 của dự thảo luật đã được chỉnh sửa, bổ sung: “Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông và các công trình khác được thực hiện theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cảnh quan, môi trường, quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội”. Việc sử dụng chung này được thực hiện như thế nào, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể. 

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Cơ yếu và tên gọi của Luật Khám chữa bệnh.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.