Úc huỷ hai buổi hòa nhạc tưởng nhớ Mao Trạch Đông vì nhạy cảm

01/09/2016 16:45 GMT+7

Hai buổi hoà nhạc tưởng nhớ cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông ở thành phố Sydney và Melbourne (Úc) đã bị hủy với lý do an toàn và vì nhiều vấn đề nhạy cảm.

Người phát ngôn của Hội đồng thành phố Sydney cho biết trong một email rằng sau khi tham vấn với cảnh sát, Hội đồng thành phố quan ngại có thể xảy ra một cuộc gây rối dân sự và xung đột giữa các bên, nhất là đơn vị bảo trợ của chương trình, theo Reuters ngày 1.9.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hội đồng thành phố Melbourne nói với Quartz rằng sự kiện bị hủy bỏ bởi nhà tổ chức. Người phát ngôn ở Sydney cũng cho hay những nhà tổ chức tiên liệu được sự kiện có nguy cơ cao bị gián đoạn và sự an toàn của những người đến xem buổi hoà nhạc sẽ bị đe doạ.
Các buổi hòa nhạc tưởng nhớ Mao Trạch Đông dự kiến được tổ chức vào ngày 6.9 trong bối cảnh quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh có nhiều “điều tiếng” với những lo ngại Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng kinh tế và chính trị lên Úc, Quartz nhận định. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn của Úc.
Hơn một triệu trong số 24 triệu dân ở Úc là người gốc Trung Quốc. Úc là một trong những nơi tập trung cộng đồng người Hoa ở hải ngoại lớn nhất thế giới.
Tượng ông Mao được bày bán ở Trung Quốc AFP
Cựu chủ tịch Mao Trạch Đông, người qua đời vào năm 1976, vẫn còn là nhân vật gây nhiều tranh cãi và chia rẽ ở Trung Quốc. Hình ảnh của ông được in trên tiền giấy và thi thể của ông vẫn còn nằm trong lăng ở Bắc Kinh, thu hút nhiều du khách viếng thăm mỗi ngày.
Trong khi đó đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận ông Mao có những sai lầm. Cuộc Cách mạng văn hóa để lại những hệ luỵ đến ngày nay và cuộc Đại nhảy vọt cải cách nông nghiệp làm hàng triệu người chết đói trong thời gian 1958-1961.
Tuy nhiên, Mao lại là một biểu tượng mạnh cho phe cánh tả trong đảng Cộng sản dựa vào và tự hào rằng cải cách dựa trên kinh tế thị trường ở Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã có nhiều thanh công. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra sự bất bình đẳng xã hội giữa giàu và nghèo, chưa nói đến nạn tham nhũng tràn lan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.