Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith tuần trước thông báo các chuyên gia quân sự nước này đang soạn thảo bản Đánh giá tình hình lực lượng quốc phòng (DFPR) theo hướng tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ban soạn thảo DFPR sẽ xem xét 5 yếu tố: Vành đai Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang trở thành khu vực chiến lược quan trọng toàn cầu; sự phát triển quân sự của các nước trong khu vực; ứng phó thiên tai; an ninh năng lượng và các vấn đề an ninh liên quan tới việc mở rộng khai thác nguồn tài nguyên trên biển ở phía bắc và tây bắc của Úc.
Từ đó, theo ông Smith, DFPR sẽ đưa ra chiến lược nhằm giúp các nguồn lực của quân đội Úc sẽ được đặt đúng vị trí về mặt địa chính trị trong tình hình mới. Nội dung của DFPR sẽ được bổ sung vào Sách trắng quốc phòng năm 2014, theo báo The Australian.
|
Bộ trưởng Smith nhận định việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và an ninh năng lượng đang trở thành những vấn đề quan trọng đối với Úc. Theo ông, Úc có nguồn dầu khí dồi dào ở tây bắc cần phải được bảo vệ. “Chúng tôi thấy rằng cần phải trang bị thêm nguồn lực quốc phòng ở phía tây và phía bắc”, hãng tin APP dẫn lời ông Smith phát biểu.
Do đó, DFPR có thể đề nghị đưa thêm nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu và binh sĩ đến khu vực bắc và tây bắc nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ và khí đốt trị giá hàng tỉ AUD. Theo The Australian, vùng biển từ tây Darwin tới Pilbara là một trong những khu vực giàu tài nguyên nhất hành tinh nhưng lại không có cơ sở hạ tầng bảo vệ, kể cả căn cứ quân sự.
Quan ngại Trung Quốc
Khi đề cập chiến lược mới nói trên, ông Smith nói DFPR không nhằm đối phó nước nào mà chỉ tập trung vào các xem xét về chiến lược và an ninh của Úc. Tuy nhiên, The Australian dẫn lời giới quan sát khẳng định mục tiêu của việc thay đổi chiến lược trong DFPR một phần xuất phát từ quan ngại đối với sức mạnh quân sự đang lên và các động thái cứng rắn gần đây của Trung Quốc. Chuyên gia quân sự Úc Paul Dibb nhận định Trung Quốc là tiêu điểm chính trong phần xem xét sự phát triển quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương của DFPR.
Một số chuyên gia khác cũng nhận xét với The Australian rằng Trung Quốc là nguyên nhân của các cuộc đàm phán về việc cho phép quân đội Mỹ tăng cường hoạt động quân sự ở phía bắc Úc. Tại hội nghị giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước ở Melbourne hồi năm ngoái, hai bên đồng ý để quân đội Mỹ hoạt động nhiều hơn ở Úc. Theo đó, quân Mỹ sẽ tham gia tập trận chung với lực lượng Úc thường xuyên hơn và tàu chiến của Mỹ sẽ đóng tại các căn cứ phía bắc. Ngoài ra, quân đội Mỹ sẽ chia sẻ căn cứ quân sự của Úc và dự trữ khí tài tại đây.
Ngoài sự gia tăng sức mạnh quân sự, những hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông cũng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Hôm qua, Viện Nghiên cứu quốc tế Lowy của Úc công bố một báo cáo cho rằng các sự cố gần đây liên quan tới Trung Quốc ở trên biển có thể dẫn tới nguy cơ xung đột. Reuters dẫn báo cáo chỉ ra rằng các tuyến biển ở châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương đang bị tranh chấp và có nguy cơ xảy ra đụng độ. Các vụ va chạm giữa Trung Quốc với Ấn Độ, Mỹ và Nhật có thể sẽ tăng và khiến căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát.
Lowy đưa ra báo cáo trên sau khi có tin Trung Quốc sẽ cho chạy thử tàu sân bay đầu tiên của nước này vào ngày 1.7, một bước phát triển đang gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Ngoài ra, The Australian dẫn lời nhà phân tích Úc Ross Babbage cho hay Trung Quốc có hơn 40 tàu ngầm tấn công mới từ năm 1995 và đã đưa gần 500 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư vào hoạt động. Đây bị cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang phức tạp đang nổi lên ở Đông Bắc Á.
Trung Quốc mua đất nông nghiệp của Úc Thủ tướng Julia Gillard hôm 27.6 chỉ đạo Bộ Tài chính điều tra xem có lỗ hổng trong các quy định về đầu tư của nước ngoài hay không sau khi có tin một công ty Trung Quốc bỏ tiền mua hàng loạt đất nông nghiệp ở bang New South Wales. Theo tờ The Australian, Công ty khai khoáng nhà nước Coal Watermark Thần Hoa vừa trả 300 triệu AUD để mua quyền khai thác mỏ tại khu đất rộng 19.500 ha ở Liverpool Plains, gần thị trấn Gunnedah thuộc New South Wales. Thần Hoa cam kết sẽ không làm ảnh hưởng các vùng đất nông nghiệp xung quanh Gunnedah. Tuy nhiên, dữ liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai New South Wales cho thấy trước đó, Thần Hoa đã lẳng lặng bỏ ra 213 triệu AUD mua 43 nông trại trong vòng 2 năm qua để phục vụ việc khai thác. Hành động này đẩy giá bất động sản địa phương tăng vọt, trong đó có vài khu đất được bán với giá cao hơn 10 lần so với giá ban đầu, theo The Australian. |
Văn Khoa
Bình luận (0)