Ukraine chưa nguôi sóng gió

24/02/2014 03:00 GMT+7

Chỉ trong một ngày, bức tranh chính trị - xã hội ở Ukraine đã đổi màu hoàn toàn với sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych.

 Phe đối lập đang kiểm soát nhiều khu vực ở Kiev - Ảnh: AFP
Phe đối lập đang kiểm soát nhiều khu vực ở Kiev - Ảnh: AFP

Ngày 23.2, các nghị sĩ thông qua nghị quyết bổ nhiệm Chủ tịch quốc hội Oleksander Turchynov làm Tổng thống tạm quyền Ukraine, sau khi bỏ phiếu cách chức ông Yanukovych, theo AFP. Quốc hội nước này cũng quyết định sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trước hạn vào ngày 25.5. Như vậy, thỏa thuận sơ bộ được các thủ lĩnh phe đối lập ký kết ngày 21.2 với ông Yanukovych đã “chết yểu” trước những diễn biến lớn.

 

Cuối tuần qua, nhiều người dân Ukraine đã xếp hàng để “tham quan” tư dinh sang trọng rộng 140 ha với bãi đáp trực thăng, vườn thú, sân golf, bộ sưu tập siêu xe... của ông Viktor Yanukovych ở cách Kiev 25 km. Quốc hội Ukraine ngày 23.2 đã quyết định sung công lâu đài này và cho người canh gác để chống hôi của.

Hiện vẫn chưa biết ông Yanukovych sau khi rời Kiev đang tạm lánh ở đâu. Theo tờ Le Monde, nhiều khả năng ông đang ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine. Tổng thống tạm quyền Turchynov cho biết ông Yanukovych đã cố lên máy bay chạy sang Nga nhưng bị chặn lại. Trong khi đó, vào tối 22.2, ông Yanukovych xuất hiện trên một kênh truyền hình địa phương và cho biết xe của ông đã bị bắn nhưng không có ai bị thương. Vị Tổng thống bị truất phế này cũng khẳng định “không đầu hàng trước đảo chính”. Tuy nhiên, khả năng ông Yanukovych có thể lật ngược thế cờ hầu như không có, khi tại Kiev ngoài quốc hội, hầu hết những trụ sở của các cơ quan hành chính trọng yếu đều do phe đối lập kiểm soát. Kể cả đảng Các khu vực của ông Yanukovych ngày 23.2 cũng ra thông cáo tuyên bố ông là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho tình trạng bạo lực đẫm máu vừa qua.

Một diễn biến quan trọng khác là cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko, đối thủ “không đội trời chung” với ông Yanukovych được trả tự do sau 30 tháng ngồi tù vì bị kết án lạm quyền. Chỉ trong phút chốc, bà Tymoshenko từ chỗ là tù nhân trở thành ứng viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo Ukraine. Theo Le Monde, với sự trở lại của cựu Thủ tướng, các thủ lĩnh phe đối lập từng được xem là những thuyền trưởng của phong trào chống đối đều trở thành “vai phụ”.

Do lo ngại nguy cơ Ukraine lâm vào chia rẽ, thậm chí nội chiến giữa miền tây (thân EU) và miền đông (ủng hộ ông Yanukovych và Nga), nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức nhanh chóng kêu gọi các lực lượng chính trị “xây dựng đoàn kết dân tộc”. Ngày 23.2, Ngoại trưởng Anh William Hague còn lớn tiếng cảnh báo Nga “không nên can thiệp vào tình hình Ukraine” còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhanh chóng điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP dẫn thông báo của Berlin cho biết 2 nhà lãnh đạo nhất trí các bên cần bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.  Những lo ngại về tình hình sắp tới không phải không có cơ sở khi lãnh đạo nhiều thành phố miền đông như Kharkov, Donetsk, Crimea… ra nghị quyết tuyên bố chính phủ trung ương đã tê liệt và họ sẽ áp dụng chế độ tự quản.

Trong khi đó, Nga cáo buộc phe đối lập Ukraine “không tôn trọng thỏa thuận” và tuyên bố hoãn giải ngân khoản cam kết 12 tỉ USD hỗ trợ kinh tế Ukraine cho đến khi tình hình ổn định trở lại, theo AFP. Trong khi đó, EU chỉ hứa hẹn một gói hỗ trợ 610 triệu euro, khiêm tốn hơn nhiều so với Nga. Vì thế, Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua cho biết đang cùng các ngoại trưởng châu u khác đề xuất Quỹ tiền tệ quốc tế giải ngân một khoản khẩn cấp cho Kiev.

Biểu tình lan xuống Kharkov, người Việt vẫn bình an

Chiều qua, anh Nguyễn Minh Nam (22 tuổi, du học sinh ở thành phố Kharkov) cho Thanh Niên hay qua điện thoại rằng từ chiều 22.2 (giờ địa phương) sau khi biết Tổng thống bị quốc hội truất phế Viktor Yanukovych xuất hiện ở đây, phong trào biểu tình đã bắt đầu chuyển hướng và tập trung tại thành phố lớn thứ hai Ukraine. Theo mô tả của anh Nam, khoảng 10.000 - 15.000 người tụ tập ở Quảng trường Tự Do để biểu tình đến tối 23.2 (giờ địa phương) vẫn chưa chấm dứt. Anh Nam cho biết thêm người biểu tình đa số là dân ở Kiev và các địa phương khác kéo về nhằm phản đối ông Yanukovych, trong khi phần lớn người ở Kharkov thì lại ủng hộ ông.

Cũng theo anh Nam, tại Kharkov có khoảng 5.000 - 6.000 người Việt đang sinh sống, đa số là du học sinh, còn lại thì buôn bán và kinh doanh. Bà con người Việt sống gần nhau và đa số ở trong làng Thời Đại, cách nơi xảy ra biểu tình khoảng 15 km. Ở trung tâm Kharkov cũng có một số ký túc xá của người Việt. Đến nay, mọi người vẫn đang an toàn, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.

Một người Việt khác là chị Kim Oanh dự đoán có thể biểu tình tại đây sẽ không nóng bỏng và bạo lực như ở Kiev. “Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Hy vọng tất cả mọi người Việt mình đều bình an”, chị Oanh nói.

Thành Trung

Lan Chi

>> Anh cảnh báo Nga không nên can thiệp vào tình hình Ukraine
>> Nữ hoàng khí đốt' Ukraine sẽ sớm gặp Thủ tướng Đức
>> Ukraine bổ nhiệm tổng thống lâm thời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.