Trời đang nắng tươi đẹp, đột nhiên mây đen kéo về, sấm nổ đì đùng và thế là mưa. Mưa ở Ukraine cấp tập, chợt đến, chợt đi như mưa Sài Gòn.
|
Trận đấu bị gián đoạn giữa đồng chủ nhà Ukraine và Pháp vừa qua là một “nạn nhân” của thời tiết đỏng đảnh. Ukraine mùa này nắng ấm, thậm chí buổi trưa rất nóng, lên tới trên 30 độ C. Ở châu Âu, nhiệt độ như vậy là quá nóng. Nếu bạn không may đang đi bộ trên đường phố hoặc đứng đu đưa trên xe điện chật cứng người ở Kharkov, Donetsk, Kiev, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Đặc biệt là nếu bạn phải di chuyển liên tục để tác nghiệp như một phóng viên ít có điều kiện tắm rửa đều đặn, thì cái nắng nóng ấy càng trở nên kinh khủng hơn.
Nhưng mà có nắng vàng thì những quán bia mới chật cứng người, những khán đài mới đầy hình ảnh tươi mát (hay nóng bỏng). Có nắng ấm thì mới có những vũ hội trên đường phố, giữa công viên. Oceana trong ca khúc Mùa hè bất tận (Endless Summer) chẳng phải đã hát đi hát lại rằng, “nào cùng nhau, ta vui say dưới ánh mặt trời”, đó sao. Có ánh mặt trời, không khí bóng đá mới thật bóng đá. Tôi nhớ hồi World Cup 2010 tại Nam Phi, một vài trận đấu ở Johannesburg và Bloemfontein đã diễn ra dưới cái lạnh cận 0 độ C. Kết quả là khán giả co ro trong áo ấm, cầu thủ dự bị thì phải trùm chăn trong khu kỹ thuật, phóng viên ảnh thì ngón tay run bần bật mỗi khi bấm máy. Một đồng nghiệp của tôi, người Brazil, khi ấy đã thốt lên: “Đây là Olympic mùa đông!”.
Đó là câu chuyện ở Nam bán cầu, khi chúng ta đang trong mùa hè ấm áp thì họ phải co ro bên lò sưởi và ngược lại. Còn ở đây, giữa châu Âu, bây giờ đang là những ngày hè ấm áp. Ba Lan, vào những ngày đầu chúng tôi tới, vẫn còn khá lạnh, nhưng giờ nắng ấm đã tràn về. Còn Ukraine thì nắng ấm tưng bừng, thậm chí rất nóng, nên không khí bóng đá có thể nói là rất sôi nổi, ấn tượng. Nắng nóng thế này, những cô nàng Femen hoặc những cô nàng khác cứ tự do, thoải mái tươi mát mỗi khi cần.
Nhưng bạn đừng quá tin vào bầu trời trong sáng của Ukraine. Nắng đấy, nhưng chỉ chốc lát thôi, sấm chớp đùng đùng, và thế là mưa. Hôm ở Kharkov, vào ngày kế sau trận đấu Hà Lan - Đức, tôi đã ở giữa một cơn mưa mịt mùng khi trên đường ra nhà ga trung tâm để sang Donetsk. Mưa tới tấp, xối xả như mưa Sài Gòn, chỉ một chốc đường phố biến thành sông. Giữa những cơn mưa như thế, không có một trận bóng đá nào có thể tiếp tục. Nhưng cũng chỉ một chốc thôi, trời lại tạnh, đường phố lại khô và mặt người lại lấp lánh cười. Ukraine, đặc biệt là tại Donetsk và Kharkov, mùa này thường mưa giông vào buổi chiều. Nếu rủi mà mưa rơi đúng vào lúc các trận đấu đang diễn ra thì quả là thảm họa.
Thảm họa đó đã xảy đến vào tối 15.6, khi trận Ukraine - Pháp tại sân Donbass ở Donetsk vừa mới bắt đầu. Mưa quất tới tấp, sấm chớp đì đùng. Ngồi trên khán đài A, chỉ cách khu kỹ thuật chừng 10 dãy ghế, tôi hầu như không thể nhận ra được các cầu thủ chạy giữa làn mưa. Gió thốc từ đỉnh sân vận động xuống, tạo ra những luồng xoáy khiến mưa cứ tạt vào hết khán đài này đến khán đài khác, dù sân Donbass có mái che rất rộng. Chỉ những người ngồi ở tầng trên cùng, tức tầng xa nhất là không bị ướt. Trong cơn mưa hôm ấy, trước cả khi cầu thủ tạm nghỉ, nhiều khán giả đã chạy lui ra hành lang phía sau để tránh mưa. Còn trong thời gian trận đấu tạm ngưng giữa lúc mưa xối xả, chỉ còn lại một ít cổ động viên quá hưng phấn, đội mưa diễn trò trên khán đài, còn lại tất cả đều lui về phía sau. Cánh phóng viên cũng một phen bối rối, với máy tính, màn hình ti vi, máy ảnh ướt sũng nếu không kịp rút chạy.
Cơn mưa hôm ấy chỉ kéo dài khoảng 20 phút, nhưng hậu quả là mặt sân đẫm nước, dù hệ thống thoát nước rất tốt. Người ta đã mất khá nhiều thời gian để xử lý mặt sân trước khi trận đấu được nối lại. Nếu chuyện mưa gió này xảy ra ở Warsaw, thủ đô Ba Lan, thì chẳng có vấn đề gì, bởi Sân vận động Quốc gia có mái che di động, chỉ sau 20 phút là có thể điều khiển mái che bao phủ toàn sân.
Ở trên tôi dùng từ “thảm họa” (không ngoặc kép) để chỉ một cơn mưa, dù là rất lớn, có vẻ đại ngôn. Nhưng với một số người Ukraine, cơn mưa đó thực sự là thảm họa. “Cầu thủ đang hưng phấn đột nhiên phải ngừng lại, điều này tác động tiêu cực đến tinh thần”, Yuri, chàng trai Kiev mà tôi gặp sau trận đấu, tâm sự. Cứ theo ý anh này thì Ukraine thua một phần do ông trời, chứ không hẳn do ngài Oleg Blokhin và đoàn binh áo vàng lép vế. Oleksiy, một hưu trí ở Donetsk, có cùng ý kiến: “Nếu trận đấu tiếp diễn liền mạch thì có thể kết quả đã khắc hẳn”.
Tôi không dám phản biện, cũng không muốn tán đồng về khía cạnh này của “thảm họa”. Nhưng với thời tiết đỏng đảnh của Ukraine, trong những trận đấu tới đây tại Kharkov, Kiev và Donetsk, thậm chí cả Lviv, chúng ta có thể gặp lại những cơn mưa rất lớn, tới mức bóng phải ngừng lăn.
Một Donetsk khang trang Ngoài những công trình hiện đại như nhà ga trung tâm, sân bay quốc tế rất tiện nghi và khang trang, với các cổ động viên bóng đá, ấn tượng nhất chắc chắn là Sân vận động Donbass (Donbass Arena). Sân đấu này nằm giữa một vùng nhấp nhô, là những bãi đất thải từ các mỏ than xưa cũ giờ biến thành đồi, được đầu tư xây dựng với kinh phí 400 triệu USD, khởi công năm 2006 và hoàn tất năm 2009. Đây là sân đấu đầu tiên tại khu vực Đông Âu được xếp vào hạng siêu sao theo tiêu chuẩn UEFA. Donbass Arena là sân nhà của Shakhtar Donetsk, đội bóng nổi tiếng nhất Ukraine hiện nay và là nhà vô địch cuối cùng của UEFA Cup. Donbass Arena ra đời không chỉ để phục vụ Euro 2012. Rinat Akhmetov - ông chủ của Shakhtar Donetsk - là người giàu nhất Ukraine, giàu thứ 39 thế giới với tài sản 16 tỉ USD (xếp hạng của Forbes năm 2012). Người đàn ông 45 tuổi và là Chủ tịch tập đoàn tài chính Capital Management (SCM) này từ lâu đã ấp ủ ý định xây một sân đấu hoành tráng, làm bệ phóng cho một đội bóng đẳng cấp thế giới. Và kết quả là sân Donbass với 51.504 chỗ ngồi ra đời. |
Đỗ Hùng
(từ Donetsk, Ukraine)
Bình luận (0)