Ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh

Nông dân ĐBSCL đang áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với mô hình canh tác truyền thống.

Tiết kiệm chi phí
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức thăm đồng đánh giá kết quả mô hình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” được triển khai trong vụ hè thu. Đây là dịp các nhà khoa học xuống tận ruộng mô hình kiểm tra, đưa ra khuyến cáo giúp bà con nông dân giảm lượng giống, phân bón, cũng như số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong thời gian 40 ngày sau sạ.

tin liên quan

Lũ sớm nhiều nhà nông trắng tay
Lũ năm nay về sớm và lên nhanh khiến nông dân một số tỉnh ĐBSCL không kịp trở tay. Hàng ngàn héc ta lúa bị ngập úng, nhiều hộ phải thu hoạch lúa chạy lũ và lỗ trắng tay.
Ông Trần Văn Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, cho biết mô hình trồng lúa thông minh đã triển khai được 4 vụ tại các huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình… Nông dân tham gia mô hình thực hiện theo hướng dẫn, giảm lượng giống gieo sạ từ 140 - 180 kg/ha xuống còn 80 kg/ha; bón phân chia làm 3 đợt, vào ngày thứ 10, 18, 40 sau sạ; phun thuốc trừ sâu ít nhất 40 ngày sau sạ. “Sau thời gian thực hiện, bà con đã tiết kiệm được khoảng 100 kg lúa giống/ha, số lần phun thuốc BVTV giảm còn 2 - 3 lần/vụ, ít hơn phân nửa so với phương pháp canh tác truyền thống. Tính ra, bà con tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng/ha”, ông Sơn nói.
Anh Lê Hữu Tấn (ở ấp 7, xã Hòa Lộc, H.Tam Bình) cho biết khi thực hiện mô hình này, bước đầu anh thấy lượng phân thuốc giảm nhiều so với trước. Hiện lúa của anh đã được 70 ngày nhưng chỉ mới phun thuốc trừ sâu 2 lần. Chỉ cần một lần phun nữa cho chắc hạt là đợi đến ngày thu hoạch. Nếu như trước đây, anh phải phun 5 - 6 lần/vụ. Riêng phân bón cũng tiết kiệm được gần 10 kg/công.
Tại Cần Thơ, mô hình canh tác lúa thông minh được triển khai ở ấp Thanh Lộc, xã Trung Chánh, H.Cờ Đỏ. Anh Phan Văn Nam, ở ấp Thanh Lộc, cho biết vụ này là vụ đầu tiên anh tham gia mô hình nên ban đầu anh rất lo lắng vì thấy mạ sạ thưa, sợ bị ốc ăn hết. Tuy nhiên đến nay, ruộng lúa của anh đẻ nhánh nhiều, lá xanh, phát triển tốt. “Tới nay tôi chưa phun thuốc BVTV lần nào, còn phân thì đã bón lần hai lúc lúa được 18 ngày”, anh Nam nói.
Tăng lợi nhuận
Để thực hiện mô hình này, TS Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía nam, khuyến cáo nông dân nên giảm lượng giống, sạ thưa để lúa đẻ nhánh nhiều, không cạnh tranh dinh dưỡng và cho bông dài, nhiều hạt. Bà con không nên phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ trong 40 ngày đầu sau sạ, vì thời điểm này lá vẫn còn khả năng phục hồi và nuôi dưỡng hạt lúa. Đối với dịch rầy nâu, TS Chiến khuyên bà con không phun các loại thuốc tiêu diệt ngay, mà nên phun thuốc chống lột xác để rầy bỏ ăn rồi chết từ từ; đồng thời không gây hại nhiều đến thiên địch. Đặc biệt cần chú ý cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng để giảm lượng thuốc phun xịt và khống chế dịch bệnh.
GS-TS Mai Văn Quyền, Trưởng ban cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, nhận định: “Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, mỗi vụ toàn vùng ĐBSCL sẽ tiết kiệm trên 100.000 tấn lúa giống, hơn 115.000 tấn urê và thuốc BVTV... Những con số này quy ra tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Bên cạnh đó, trồng lúa theo mô hình thông mình cho lợi nhuận cao hơn 4,5 triệu đồng/ha so với canh tác ngoài mô hình”.
Cũng theo GS-TS Quyền, sau khi tham quan mô hình, ban cố vấn chương trình sẽ chuyển cẩm nang canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đến nông dân các tỉnh thành, nhằm giúp bà con biết cách áp dụng kỹ thuật mới để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.