Khi người dùng chia sẻ ảnh chụp thông qua ứng dụng Signal, hệ thống sẽ nhanh chóng tự làm mờ những khuôn mặt có xuất hiện trong đó bằng cách thêm vào một lớp hiệu ứng, không nhất thiết phải che toàn bộ danh tính của chủ thể.
Trong bài đăng công bố về bản cập nhật mới, đồng sáng lập Signal Moxie Marlinspike đã nhắc tới những vụ biểu tình chống phân biệt chủng tộc và hành vi bạo lực của cảnh sát đang diễn ra tại Mỹ. Những cuộc biểu tình trên đã khiến lượng tải về và cài đặt Signal tăng cao kỷ lục do ứng dụng này sử dụng phương thức mã hóa đầu cuối để các tin nhắn khó bị đánh chặn hơn.
“Chúng tôi cũng đang tìm thêm cách để có thể hỗ trợ mọi người trên đường hiện nay. Điều này đã trở nên rõ ràng: 2020 thực sự là một năm hợp lý để bắt đầu che mặt bạn”, Marlinspike viết.
Theo The Verge, khi người dùng chụp ảnh từ ứng dụng Signal và chọn hiệu ứng làm mờ (Blur) trên thanh công cụ, phần mềm sẽ tự động tìm các khuôn mặt có trong đó. Nếu hệ thống để sót, người dùng có thể thực hiện thủ công hoặc tự làm mờ bất kỳ thứ gì họ muốn che đi trong tấm ảnh. Toàn bộ quá trình được thực hiện trên thiết bị, đồng nghĩa bức hình nguyên bản chưa che không bị gửi đi khỏi máy của người dùng.
Dù việc làm mờ mặt trên ảnh sẽ khiến bức hình trở nên riêng tư hơn, đó lại không phải là cách khôn ngoan để che giấu danh tính thực sự của ai đó. Một số phương pháp làm mờ hay che chi tiết có thể bị đảo ngược dễ dàng nếu chọn đúng công cụ. Nếu có người muốn tìm kiếm danh tính ai đó trong ảnh, họ có thể nhờ đến những chi tiết mang thông tin khác như quần áo hay hình xăm rồi so sánh với ảnh chụp khác chưa bị làm mờ.
Kể cả khi người tham gia biểu tình muốn giấu danh tính những ai sát cánh cùng mình, vẫn có nhiều cá nhân và công cụ khác không thể che giấu được, ví dụ camera giám sát ở khu vực đó, camera gắn trên trang phục của cảnh sát, ảnh chụp và video báo chí…
Bình luận (0)