Lăng kính bạn đọc:

Ủng hộ việc kê đơn thuốc ngoại trú dùng dài ngày

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
07/10/2024 05:55 GMT+7

Nhiều bạn đọc ủng hộ việc thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú dùng dài ngày của Bộ Y tế, cho rằng điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho người bệnh…

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo, xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư.

Ủng hộ việc kê đơn thuốc ngoại trú dùng dài ngày- Ảnh 1.

Tại quầy nhận khám bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế

Ảnh: Duy Tính

Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nhận được các ý kiến đóng góp về các vấn đề liên quan đến kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính. Trong đó, có các ý kiến đồng tình kê đơn thuốc điều trị ngoại trú với số thuốc được dùng dài ngày hơn so với quy định đang áp dụng (30 ngày).

Ngoài ra, các đóng góp cũng nêu những vấn đề cần được quy định cụ thể để đảm bảo dùng thuốc an toàn, như: khi kê đơn thuốc sử dụng hơn 30 ngày đối với một số bệnh điều trị dài ngày cần có đánh giá cụ thể về kiểm soát điều trị, những biến chứng có thể xảy ra; tác động của điều chỉnh kê đơn với các bệnh nhân bị bệnh mạn tính liên quan vấn đề tái khám định kỳ. Đồng thời, cần quy định với một số bệnh đặc thù không thể kê đơn thuốc quá 30 ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết sẽ thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú điều trị các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày. Thời gian thí điểm là 6 tháng, dự kiến từ ngày 1.10.2024 - 3.2025, giao giám đốc bệnh viện ban hành danh mục thí điểm cho từng đơn vị. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn lưu ý việc áp dụng kê đơn ngoại trú cần tùy thuộc tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác, đặc biệt phải trên cơ sở đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cần đề xuất, lựa chọn các bệnh viện phù hợp đưa vào thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú dài ngày. Sau thí điểm, Cục sẽ đánh giá, tổng kết, đề xuất đưa vào thông tư.

"Thuận lợi cho nhiều người bệnh lắm"

"Tôi bị huyết áp cao và hội chứng ruột kích thích, nên tháng nào cũng phải đi tái khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Mỗi lần đi khám như thế bác sĩ cho thuốc uống 28 ngày, hết 28 ngày lại phải đi tái khám, nhiều khi tái khám được cho thuốc đúng như toa cũ. Do là bệnh mạn tính, điều trị ngoại trú, mà cứ 28 ngày là phải đi đến bệnh viện khám và lấy thuốc, theo tôi là rất bất tiện. Đi khám bệnh hằng tháng, tôi phải xin nghỉ làm 1 buổi, để còn kịp khám bệnh và lấy thuốc trong 1 buổi, chứ nếu để dây qua buổi chiều thì rất kẹt cho công việc của tôi. Nên khi nghe thông tin Bộ Y tế thí điểm việc kê đơn thuốc ngoại trú dùng dài ngày (tối đa 90 ngày) của Bộ Y tế, tôi rất mừng. Được như vậy thì thuận lợi cho nhiều người bệnh lắm", bạn đọc (BĐ) Cong Minh chia sẻ.

BĐ Le Hieu kể: "Tôi cũng vậy, cứ 28 ngày là hết thuốc, phải đi tái khám lấy thuốc mới. Tôi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng khi khám bệnh thì đăng ký khám dịch vụ cho nhanh hơn (nếu khám thường theo BHYT thì rất đông, chờ rất lâu), mỗi lần khám đóng 128.000 đồng tiền khám, cộng với tiền thuốc khoảng 100.000 đồng mỗi lần. Nếu kê đơn thuốc dài ngày hơn, như 90 ngày chẳng hạn, thì tôi lợi được 2 lần đóng tiền khám dịch vụ (là 256.000 đồng). Ngoài ra, còn chưa tính tiền xe ôm đi và về, cũng như thời gian mất 2 buổi. Đối với người đã nghỉ hưu như tôi thì đây là số tiền cũng đáng kể".

BĐ Nguyễn Thành Lang cho biết thêm: "Rất đồng tình với việc cấp thuốc cho những người có bệnh mạn tính điều trị ngoại trú dài ngày. Có như thế rất thuận lợi cho những người già không phải đi tái khám nhận thuốc 1 tháng một lần".

Giảm tải cho bệnh viện, bác sĩ

Không chỉ tạo thuận lợi cho người bệnh, việc kê đơn thuốc ngoại trú dùng dài ngày còn giúp giảm tải cho bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế. BĐ Toan Le Đinh cho hay: "Tôi là bệnh nhân ghép thận năm 2017. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ theo dõi các chỉ số và đã chỉ định cấp toa 58 ngày (chia làm 2 đợt, mỗi đợt 29 ngày). Trong thời gian cấp thuốc ngoại trú, nếu có vấn đề gì phát sinh, bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ, hoặc trực tiếp đến khám trong, trước, sau thời gian cấp toa. Theo tôi, nên quy định cơ chế mở, thời gian cấp thuốc ngoại trú do bác sĩ điều trị quyết định số ngày cấp toa thuốc, nhằm giảm tải cho bác sĩ, nhân viên y tế".

Cùng ý kiến, BĐ Van Nhuan Nguyen cho rằng: "Được như vậy tránh được bệnh viện lúc nào cũng quá tải nhất là các bệnh tiểu đường, huyết áp…". Còn BĐ Quảng Nguyễn thì nhận xét: "Được vậy rất tốt. Người bệnh đỡ vất vả, thầy thuốc có thêm thời giờ nghiên cứu, cập nhật tiến bộ y khoa mới...".

"Rất mong Bộ Y tế thí điểm, có đánh giá, tổng kết và đưa vào thông tư mới cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Người bệnh như tôi đang chờ đợi những đổi mới này", BĐ Anh Kiet ý kiến.

Nên làm như vậy, như tôi bệnh tiểu đường loại 2, cấp thuốc uống hằng tháng, đâu dám bỏ. Làm được như vậy thì giảm được thời gian cả hai bên.

Nguyễn Đại Lương

Mỗi lần phải về quê hay đi đâu đó vài ngày là tôi phải tính toán sao cho tránh được ngày đi tái khám. Ai không biết chứ ngày tái khám quan trọng lắm, không đi không có thuốc uống, rất căng.

Thành


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.