Tại Hà Nội, ung thư dạ dày đứng hàng thứ nhì trong mười loại ung thư ở cả hai giới nam và nữ; còn tại TPHCM, ung thư dạ dày xếp hàng thứ ba ở nam và đứng thứ năm ở nữ.
Nhiều yếu tố nguy cơ
Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày nhưng y học nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến căn bệnh này. Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh hơn và người dân có điều kiện sống thấp dễ bị ung thư dạ dày. Nam giới bị ung thư dạ dày nhiều hơn nữ giới do liên quan đến việc hút thuốc lá. Ngoài ra, những người ăn nhiều thức ăn nướng, hun khói, tẩm gia vị nhiều dễ bị ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày còn do viêm dạ dày mạn tính vì nhiễm vi trùng Helicobacter pylori, đây là một loại vi trùng sống thường trú trong dạ dày. Tuy có liên hệ đến vi trùng nhưng ung thư dạ dày không có tính lây lan từ người sang người. Ngoài ra, ung thư dạ dày còn liên quan đến yếu tố di truyền.
Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng. Khi bệnh đã tiến xa, bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng sau ăn, buồn nôn và ói mửa, sụt cân nhanh. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không phải là triệu chứng đặc hiệu của ung thư nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác ở dạ dày như loét dạ dày hay nhiễm trùng nên khi bệnh được phát hiện thì ung thư đã di căn xa. Vì thế khi có các triệu chứng mơ hồ như trên kéo dài, người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị sớm, khả năng khỏi bệnh cao
Hiện nay, ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa và điều trị tốt nếu bệnh nhân đến bác sĩ khi bệnh chưa chuyển sang giai đoạn di căn. Các xét nghiệm cần thiết để tầm soát ung thư tái phát gồm có: xét nghiệm sinh hóa, X-quang, nội soi dạ dày, CT scan ổ bụng và dùng các chất chỉ điểm ung thư. Ngoài ra, tầm soát ung thư cũng là cách phòng ngừa căn bệnh này.
Ung thư dạ dày được chia thành 4 giai đoạn, khi bệnh đã diễn đến giai đoạn 4, ung thư dạ dày có thể lan qua gan, tụy, hạch bạch huyết và các cơ quan khác nên tiên lượng rất xấu. Nếu không điều trị, ung thư dạ dày sẽ gây ra các biến chứng như nghẹt dạ dày, thủng khối u, chảy máu khối u...
Phẫu thuật là cách điều trị chính cho ung thư dạ dày, thầy thuốc sẽ cắt bỏ bán phần, toàn phần hay có thể cắt thêm lách hoặc cơ quan khác rồi tạo một dạ dày giả bằng ruột tùy theo mức độ xâm lấn của khối u. Khi ung thư lan rộng không còn cắt bỏ được và dạ dày bị nghẹt, phẫu thuật viên sẽ nối dạ dày và ruột non để thức ăn lưu thông được từ trên xuống như bình thường. Tuy nhiên, đây chỉ là phẫu thuật mang tính tạm bợ và tiên lượng rất xấu.
Việc theo dõi sau khi điều trị ung thư dạ dày rất quan trọng vì ung thư có thể tái phát âm thầm mà không gây triệu chứng gì bất thường. Khi thấy cơ thể mình khác lạ thì bệnh nhân nên đến gặp thầy thuốc để được kiểm tra lại và chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dạ dày Cần lưu ý cách ăn uống sau mổ vì vài ngày đầu bệnh nhân rất mệt và có ống thông dạ dày giúp đường khâu nối mau lành. Sau mổ, bệnh nhân có thể cảm thấy yếu sức một thời gian và có thể bị tiêu chảy hoặc bón hoặc chảy máu, nhiễm trùng. Các triệu chứng này có thể kiểm soát bằng cách thay đổi khẩu phần và dùng thuốc. Biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân ung thư dạ dày sau điều trị là chán ăn gây sụt cân nhanh, vì vậy đôi khi phải nuôi ăn cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch hoặc qua đường ruột. Một hậu chứng khác là hội chứng dumping xảy ra khi thức ăn hay thức ăn lỏng vào ruột non quá nhanh khiến bệnh nhân thấy đau bụng quặn cơn, buồn nôn, trướng bụng, tiêu chảy và chóng mặt. |
Theo PGS-TS Lê Quang Nghĩa / NLĐ
(Bệnh viện Bình Dân)
Bình luận (0)