Tầm soát: tại sao phải ngại?
Ung thư vú (UTV) là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới trên toàn thế giới, trong đó có cả Singapore. Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 1,67 triệu ca UTV được chẩn đoán mới mỗi năm, chiếm 25% tổng số ca mắc ung thư.
Cụ thể, ở Singapore, UTV chiếm 30% tổng số ca được chẩn đoán ung thư ở nữ giới, tương đương với khoảng 2.000 ca mới được chẩn đoán mỗi năm. Nguy cơ đối với bệnh UTV tăng lên cùng với tuổi, tỷ lệ chẩn đoán cao nhất ở nữ trong độ tuổi từ 50 đến 59. Tuy nhiên, tỷ lệ sống thường được cải thiện nếu phát hiện sớm và phương pháp điều trị tốt.
Việc tầm soát bao gồm kiểm tra ung thư tuyến vú ngay cả khi chưa có dấu hiệu và triệu chứng. Mặc dù việc tầm soát không thể ngăn chặn bệnh UTV, nhưng nó có thể giúp phát hiện ung thư sớm, do đó có thể điều trị bệnh sớm hơn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về những kiểm tra tầm soát cần làm và thời điểm tiến hành.
Bác sĩ Wong Chiung Ing, thuộc Trung tâm Ung thư Parkway
|
|
Liên quan đến bệnh lý này, bác sĩ Wong Chiung Ing, thuộc Trung tâm Ung thư Parkway, cho biết việc kiểm tra tầm soát là rất quan trọng, thường sẽ bao gồm 4 bước:
1. Chụp nhũ ảnh
Đây là công cụ tầm soát phổ biến và cơ bản nhất để phát hiện UTV. Kiểm tra này giúp phát hiện các thay đổi như mật độ bất thường hay các đám canxi trong vú. Việc kiểm tra được tiến hành bằng cách ép tuyến vú để trải mô khiến các bất thường nhỏ không bị che khuất, một số người có thể cảm thấy việc chụp nhũ ảnh khó chịu hay đau. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2 phút (hoặc hơn) khó chịu này nhưng lại có thể cứu bạn.
Tốt nhất bạn nên tiến hành chụp nhũ ảnh khi tuyến vú ít căng nhất, thông thường khoảng 1 tuần sau chu kỳ kinh nguyệt. Dựa vào kết quả chụp nhũ ảnh, bác sĩ có thể khuyên làm thêm các kiểm tra như chụp thêm nhũ ảnh để xem các mặt cắt khác của tuyến vú, và siêu âm tuyến vú để kiểm tra mô vú. Theo bác sĩ, phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm, trên 50 tuổi nên chụp 2 năm/lần.
2. Siêu âm
Siêu âm là kiểm tra bổ sung đối với phụ nữ có mô vú rất đặc khiến kiểm tra nhũ ảnh khó phát hiện bất thường nhỏ. Kiểm tra này có thể phân biệt khối u đặc (có thể ung thư) và nang chứa dịch (thường là không ung thư). Cùng với chụp nhũ ảnh và tự kiểm tra tuyến vú, siêu âm có thể giúp bác sĩ quyết định các kiểm tra khác như có cần sinh thiết hay không. Tuy nhiên, dù ít đau đớn so với chụp nhũ ảnh, siêu âm không thể thay thế chụp nhũ ảnh và ngược lại.
Phụ nữ trên 40 tuổi có thể chụp nhũ ảnh và siêu âm kiểm tra hằng năm. Những người trên 50 tuổi có thể bổ sung siêu âm vào danh sách kiểm tra cùng nhũ ảnh 2 năm/lần. Kiểm tra với bác sĩ để xem liệu có cần siêu âm không.
3. Chụp cộng hưởng từ tuyến vú
Chụp cộng hưởng từ là chẩn đoán hình ảnh thường sử dụng để đánh giá thêm đối với bệnh nhân được chẩn đoán UTV. Đối với một số người có nguy cơ UTV cao (do tiền sử gia đình hay bất thường gen), thường được khuyên chụp cộng hưởng từ cùng với nhũ ảnh hằng năm.
Chụp cộng hưởng từ sử dụng sóng radio và từ tính mạnh để tạo các hình ảnh chi tiết, ảnh cắt ngang của tuyến vú. Bạn sẽ phải nằm sấp trên một bàn di động có đệm mở cho từng bên vú. Mỗi một đệm mở này bao quanh tuyến vú bằng các vòng dây, đây là các bộ nhận tín hiệu giúp tạo ra các hình ảnh. Việc chụp diễn ra trong vòng khoảng 30 đến 45 phút. Chụp cộng hưởng từ vú chỉ được bác sĩ chỉ định sau khi xác định bệnh nhân có nguy cơ UTV cao. Chẩn đoán này không được chỉ định cho phụ nữ có nguy cơ UTV trung bình.
4. Tự kiểm tra tuyến vú
Tự kiểm tra tuyến vú thường xuyên là bước quan trọng để phát hiện sớm UTV. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra tuyến vú là tuần sau khi chu kỳ kết thúc, khi tuyến vú ít căng nhất và mềm hơn. Theo các bác sĩ, phụ nữ nên tự kiểm tra tuyến vú hằng tháng kể từ lúc 25 tuổi.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ UTV phụ thuộc vào nhiều yếu tố kết hợp. Có một hoặc vài yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư, tuy nhiên việc nhận thức chúng giúp bạn thực hiện các bước bảo vệ để làm giảm nguy cơ. Các yếu tố như: Tiền sử gia đình, gen di truyền nhất định, tiền sử ác tính hoặc bệnh vú lành tính (không ung thư), có chu kỳ kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, có con đầu tiên ở tuổi 35, sinh ít con hay không sinh con, sử dụng liệu pháp thay thế hormone, uống nhiều rượu/bia, thừa cân hay béo phì..
Tuy nhiên, vẫn có thể bị UTV nếu không có bất cứ yếu tố nguy cơ nào ở trên. Do đó, tầm soát thường xuyên và tự kiểm tra tuyến vú rất quan trọng, vì bạn có thể không thấy triệu chứng nào của UTV sớm. Bạn cũng có thể làm giảm nguy cơ thông qua lối sống như duy trì cân nặng lý tưởng bằng chế độ ăn lành mạnh, thường xuyên luyện tập, hạn chế uống rượu/bia, và không hút thuốc (hoặc bỏ thuốc nếu có hút).
Tỷ lệ sống sót sau UTV được cải thiện nhờ các tiến bộ trong phẫu thuật, các thuốc hóa trị liệu hiệu quả và các bước tiến trong liệu pháp điều trị đích. Tuy nhiên, vũ khí tốt nhất chống lại UTV vẫn là nhận thức: Hiểu cơ thể mình, hiểu nguy cơ và phát hiện sớm.
Tự kiểm tra tuyến vú: Nên làm gì?
1. Nhìn vào gương, giữ thẳng vai và tay trên hông. Kiểm tra tuyến vú và núm vú xem có bong da, đỏ, tấy hay thay đổi như núm vú tụt (thay vì lồi ra).
2. Đứng trước gương, giơ tay lên và kiểm tra tương tự như bước 1.
3. Bóp từng bên núm vú nhẹ nhàng xem có dịch chảy ra không, chẳng hạn nước, sữa hay dịch vàng hoặc máu.
4. Nằm xuống và cảm nhận từng bên vú. Giữ thẳng và chụm các ngón tay, dùng tay phải để kiểm tra vú trái và ngược lại. Dùng chuyển động vòng tròn từ trên xuống dưới và bên này sang bên kia - từ xương cổ xuống bụng, từ nách sang giữa. Ban đầu nhẹ nhàng và tăng dần lực để cảm nhận các mô sâu hơn. Kiểm tra toàn bộ vú.
5. Làm tương tự như bước 4 đổi tư thế ngồi hoặc đứng.
|
Để hiểu thêm thông tin về các bệnh lý ung thư vú phụ khoa,mời quý độc giả đăng ký tham gia hội thảo tư vấn sức khoẻ chủ đề “Đau cột sống và ung thư vú, phụ khoa” do bệnh viện Mount Elizabeth Singapore phối hợp với Công ty Suncare tổ chức. Số điện thoại: +84914057289 hoặc +6596727717 (Zalo, WhatsApp). Email: parkwaydanang@gmail.com
|
Bình luận (0)