Cáo buộc lót tay
Hãng tin AP cho hay các nhà điều tra tại tiểu bang New Mexico, nơi ông Bill Richardson làm thống đốc, đã mở cuộc điều tra để làm rõ một cáo buộc liên quan tới ông này. Theo đó, một công ty ở California đã đóng góp tiền cho các hoạt động chính trị của ông Richardson rồi sau đó cũng chính công ty này đã thắng thầu tại New Mexico. Gói thầu này trị giá gần 1,5 triệu USD. Cuộc điều tra đã mang đến rắc rối cho nội các của Tổng thống đắc cử Obama. Theo AP, vào ngày 4.1.2009, ông Richardson đã thông báo rút khỏi vị trí đề cử làm Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ sắp tới.
BBC cho biết trong một tuyên bố chung cùng ngày, Tổng thống đắc cử Obama nói rằng ông "rất lấy làm tiếc" trước sự việc xảy ra với ông Richardson, còn bản thân Richardson thì nói ông không làm điều gì sai trái cả. Ông chỉ rút khỏi danh sách đề cử nội các vì tiến trình điều tra có thể còn kéo dài và ông không muốn điều này làm ảnh hưởng tới sự vận hành của chính phủ mới.
Tuyên bố chung của hai ông Obama và Richardson không tiết lộ tên của công ty bị cáo buộc lót tay. Tuy nhiên, hãng tin AP dẫn một nguồn tin thân cận với cơ quan điều tra ở New Mexico cho biết đối tượng bị điều tra là Công ty CDR Financial Products và một số người tham gia vào việc thúc đẩy cho công ty này thắng một gói thầu của chính quyền tiểu bang New Mexico. AP dẫn các tài liệu của chính quyền tiểu bang cho biết CDR đã chi tổng cộng 1,48 triệu USD trong các năm 2004 và 2005 cho việc thực hiện một gói thầu trong lĩnh vực vận tải tại tiểu bang miền nam nước Mỹ.
Việc một công ty thắng gói thầu của chính quyền là chẳng có gì đáng bàn. Tuy nhiên, khi đi vào tìm hiểu, các nhà điều tra đã phát hiện một số nghi vấn. AP dẫn các báo cáo về vận động tài chính trong tranh cử cho hay CDR và Giám đốc điều hành của công ty này là David Rubin đã ủng hộ ít nhất 110.000 USD cho ba ủy ban chính trị do ông Richardson thành lập. Trong đó, khoản đóng góp lớn nhất là 75.000 USD, được thực hiện vào tháng 6.2004, vài tháng sau khi CDR thắng thầu. Từ đó, có cáo buộc rằng CDR đã ủng hộ tiền cho các hoạt động chính trị của ông Richardson. Đổi lại, công ty này nhận được gói thầu tốt từ chính quyền của tiểu bang do ông Richardson đứng đầu. Hình thức hối lộ tinh vi này không phải là hiếm trong chính trường Mỹ và đã có nhiều ông lớn mất chức vì điều đó.
Đến nay thì cả ông Richardson lẫn đại diện của CDR đều phủ nhận mọi cáo buộc. AP dẫn lời ông Rubin hôm 4.1 nói rằng "ông Richardson là một quan chức mẫn cán, xứng đáng được giữ cương vị trong nội các liên bang", và rằng "CDR không bao giờ thực hiện hành vi lót tay trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Tham vọng sụp đổ?
Ông Richardson, Công ty CDR và những người liên quan có làm điều gì sai trái hay không thì cần phải chờ tới khi có kết luận điều tra và phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, vụ việc này đến nay có thể coi là một cú sốc đối với Tổng thống đắc cử Obama trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Trước đó, vụ "rao bán ghế" của Thống đốc Illinois - ông Rod Blagojevich - cũng đã khiến ông Obama phiền lòng, dù bản thân ông chủ Nhà Trắng tương lai không có gì liên lụy.
Riêng đối với bản thân ông Richardson, những gì vừa xảy ra có thể đe dọa tiền đồ chính trị của người đàn ông 61 tuổi này. Là một người Mỹ gốc La-tinh, ông Richardson từng là dân biểu trong Quốc hội liên bang từ năm 1983 tới 1997, sau đó giữ ghế Đại sứ Mỹ tại LHQ và Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ông đóng vai trò lớn trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và nhiều quốc gia cánh tả, đặc biệt là ở vùng Mỹ La-tinh. Sau triều đại Bill Clinton, ông Richardson tiếp tục tỏa sáng khi đắc cử ghế thống đốc New Mexico vào cuối năm 2002. Tham vọng chính trị ngày một trỗi dậy và rồi một ngày, giấc mơ của ông Richardson đã hướng tới Nhà Trắng.
Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Richardson là đối thủ của ông Obama trong vòng sơ bộ ở đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông đã bỏ cuộc khá sớm vì không nhận được nhiều cử tri ủng hộ. Mới đây, sự nghiệp chính trị của Richardson lại tiến đến một bước ngoặt mới khi có tin Tổng thống đắc cử Obama đề cử ông vào ghế ngoại trưởng, nhưng sau đó thì ông được đề cử vào ghế bộ trưởng thương mại. Vị trí này được coi là không xứng lắm với ngài thống đốc New Mexico vì người ta đánh giá ông xứng đáng với chiếc ghế của một bộ chủ chốt, như Bộ Ngoại giao chẳng hạn. Nhưng rốt cuộc thì chiếc ghế bộ trưởng thương mại trong nội các của ông Obama vẫn lỡ hẹn với chính trị gia gốc Mỹ La-tinh này.
Nếu kết quả cuộc điều tra chống lại Richardson thì tiền đồ chính trị của ông đối mặt với một sự sụp đổ.
Châu Minh Linh
Bình luận (0)