Ứng viên tổng thống hứa làm người Mỹ bất tử

23/06/2016 08:01 GMT+7

Đối với một gương mặt mới toanh trên chính trường Mỹ, công nghệ sẽ giúp con người chinh phục mọi thứ, kể cả cái chết.

Ông Zoltan Istvan, người sáng lập đảng Transhumanist (tạm dịch: Siêu việt nhân bản), đang gây xôn xao dư luận sau khi tuyên bố gia nhập đường đua vào Nhà Trắng với tư tưởng chủ đạo là con người sẽ bất tử nhờ công nghệ.
Tờ USA Today dẫn lời ông Istvan dự đoán rằng trong vòng từ 10 - 15 năm nữa, trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ tiến bộ đến mức có thể giải quyết hầu hết mọi vấn đề khó khăn nhất của nhân loại. Trong số đó có cả khả năng làm chậm lại hoặc thậm chí chặn đứng quá trình lão hóa bằng cách tích hợp cơ thể con người với công nghệ. Ông tuyên bố nước Mỹ cần phải lên chiến lược cho “cuộc chạy đua cyborg (người cấy ghép máy móc vào cơ thể - NV)” trong tương lai.
Bất tử bằng công nghệ
Đối với cử tri và giới quan sát chính trị Mỹ, Zoltan Istvan là gương mặt hoàn toàn xa lạ và đảng Transhumanist cũng chỉ mới thành lập cách đây 2 năm. Thế nhưng, ông không phải là một nhân vật vô danh. Istvan từng nhiều năm làm phóng viên cho một số báo đài lớn ở Mỹ và là tác giả nổi tiếng trong giới những người theo chủ nghĩa Transhumanism, tư tưởng dùng tiến bộ công nghệ để đưa loài người lên nấc thang tiến hóa mới.
Theo tờ The Guardian, kể từ khi tuyên bố ý định tranh cử tổng thống đến nay, Istvan đã tự bỏ tiền đi khắp nước Mỹ để truyền bá tư tưởng của mình đồng thời kêu gọi tài trợ.
Khác với những ý tưởng chính sách về quốc kế dân sinh, an ninh và đối ngoại của các ứng viên chính thống, kế hoạch tranh cử của Istvan xoay quanh công nghệ tối tân. Ông cho rằng con người có thể bất tử bằng cách cấy ghép máy móc để thay thế những bộ phận bị lão hóa, bệnh tật hay bị thương và nhân loại có thể sớm được nối kết với nhau trong một ma trận AI, cắm não bộ trực tiếp vào internet và mạng xã hội. Một phần chủ chốt khác trong chiến dịch tranh cử là toàn bộ trẻ em tại Mỹ cần phải được cấy thiết bị định vị để ngăn chặn các trường hợp mất tích, bắt cóc hay tai nạn.
USA Today dẫn lời Istvan nhắc lại vụ Lane Graves, 2 tuổi, bị cá sấu lôi xuống nước ở khu du lịch Walt Disney World tại Florida hồi tuần trước. “Nếu em bé được gắn chip định vị thì ngay lập tức vị trí của nạn nhân sẽ xuất hiện trên điện thoại thông minh và lực lượng an ninh có thể giải cứu đứa bé trong vòng 2 - 3 phút, và có lẽ đủ thời gian để cứu sống nạn nhân”, ông Istvan tuyên bố.
Theo ứng viên tổng thống Mỹ, công nghệ đang ngày càng phát triển theo hướng cho phép thu nhỏ thiết bị để cấy vào cơ thể và hỗ trợ cuộc sống hằng ngày như theo dõi nhịp tim, kiểm soát tuần hoàn máu... Ông còn dự đoán rằng sẽ có đến phân nửa dân số Mỹ cấy chip trong vòng 10 năm tới.
Dĩ nhiên, Istvan không ảo tưởng đến mức nghĩ mình sẽ đạt thành tích gì khi mà chính trường Mỹ do 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ thống trị đến mức có người vẫn lầm tưởng chỉ có 2 đảng này tham gia các cuộc bầu cử. USA Today dẫn lời Istvan cho biết ông ra tranh cử nhằm đưa vấn đề công nghệ trở thành chủ đề nghiêm túc của quốc gia và hy vọng có thể tranh luận trực tiếp với các ứng viên của 2 đảng lớn. Thật ra bên cạnh ông Istvan, cuộc bầu cử năm nay còn có 2 ứng viên “ngoài lề” khác là Gary Johnson của đảng Tự do và Jill Stein thuộc đảng Xanh.
Ứng viên tổng thống hứa làm người Mỹ bất tử 1
Áp phích tranh cử của Zoltan Istvan Ảnh: Transhumanist Party
Quân đội ủng hộ?
Thật ra từ nhiều năm nay, Cơ quan Các dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc đã tiến hành nhiều dự án “không tưởng” về cấy ghép để biến binh sĩ thành những cyborg với các khả năng chỉ có trong phim viễn tưởng từ cường hóa cơ thể, thao túng trí não, nhìn xuyên đêm đến tự chữa thương... Tuy nhiên, tất cả vẫn còn dừng ở mức sơ khởi do hạn chế công nghệ và tranh cãi về mặt đạo đức. Vì thế, giới lãnh đạo cấp cao của quân đội Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến chủ thuyết của Zoltan Istvan.
Theo tờ Daily Mail, Tổ chức Nghiên cứu chiến lược của Tham mưu trưởng hải quân Mỹ (SSG) đã mời ứng viên này đến trao đổi về tiềm năng lẫn nguy cơ từ cấy chip vào cơ thể người.
“Bạn có thể tưởng tượng tình hình nguy hiểm đến thế nào nếu một binh sĩ bị lực lượng thù địch thao túng con chip trong cơ thể và điều khiển người đó xâm nhập cơ sở hạt nhân để phá hoặc do thám. Điều cấp bách hiện nay là phải xem xét nghiêm túc vấn đề và xây dựng chính sách phù hợp”, ông Istvan nói với Daily Mail.
Theo tờ này, SSG đánh giá cao cuộc thảo luận và nhận định rằng cái nhìn của ứng viên tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của các nhà nghiên cứu ở Lầu Năm Góc về những khái niệm tác chiến tương lai.
Những cam kết “điên rồ”
Những cam kết tranh cử kiểu “không tưởng” cũng không hiếm trong các kỳ bầu cử Mỹ. Năm 2012, ứng viên đảng Cộng hòa Newt Gingrich dõng dạc tuyên bố sẽ biến mặt trăng thành tiểu bang mới của Mỹ vào năm 2020 nếu được bầu làm tổng thống, theo Reuters. Còn năm nay, tỉ phú Donald Trump khiến dư luận “đi từ cú sốc này đến cú sốc khác” bằng những ý tưởng chưa từng có, chẳng hạn như dựng bức tường dài hơn 3.000 km trên biên giới với Mexico để chặn đứng dòng người nhập cư lậu và thậm chí sẽ ép nước láng giềng chi tiền cho công trình này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.