Chiều 20.12, chương trình Giao lưu trực tuyến "Tuổi trẻ Việt Nam – Những câu chuyện đẹp" với chủ đề "Hành trình lan tỏa những giá trị tốt đẹp" đã diễn ra tại Báo Thanh Niên. Chương trình do T.Ư Đoàn chỉ đạo triển khai, Báo Thanh Niên tổ chức thực hiện, được phát trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên; Cổng thông tin điện tử T.Ư Đoàn, Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn.
Hành trình sống vì cộng đồng không ngừng nghỉ
Chia sẻ về hành trình sống và cống hiến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, thiếu úy, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, trợ lý Phòng Khoa học quân sự, Bệnh viện Quân y 175, cho biết đó là hành trình không ngừng trau dồi kiến thức và đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Những nghiên cứu khoa học của nữ thiếu úy, bác sĩ này đều hướng đến việc góp phần nâng cao chất lượng của ngành y tế TP.HCM và ngành y tế của cả nước, tiến gần hơn với chất lượng y tế của trên toàn thế giới.
Theo bác sĩ Nguyệt Thanh, cột mốc đáng nhớ của thanh xuân là nhận được danh hiệu Công dân trẻ TP.HCM năm 2020. Từ đó đã thôi thúc bản thân cố gắng, nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho cộng đồng. Và trong các năm 2021, 2023, đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh "Thanh niên sống đẹp".
"Hiện tại, tôi đã tham gia vào lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (công tác tại Bệnh viện Quân y 175) thì bản thân cũng tiếp tục làm tốt vai trò bác sĩ quân y, đóng góp cho công tác bảo vệ sức khỏe của mọi người. Đồng thời tiếp tục thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, để làm sao bạn bè thế giới thấy được trí tuệ của Việt Nam, nền y học của Việt Nam thông qua các bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín", bác sĩ Nguyệt Thanh chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Ngọc Ánh, Sáng lập viên Cộng đồng Xanh Việt Nam, từng nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp"toàn quốc, Giải thưởng tình nguyện Quốc gia, chia sẻ bản thân là một cô gái nhỏ bé, bình thường. Trước đây đã từng thấy ở Việt Nam có rất nhiều rác và ô nhiễm môi trường vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Tuy nhiên từng nghĩ bản thân sẽ không làm được gì hết, hoặc có làm thì cũng không thay đổi được điều gì hết.
Cho đến một ngày cách đây 6 năm về trước khi đi du lịch ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ngọc Ánh thấy một nhóm trẻ em đang xây lâu đài cát. Tò mò lại gần, bất ngờ khi thấy thay vì xây lâu đài bằng cát thì các em nhỏ xây lâu đài bằng rác cực kỳ lớn. Cũng từ đó, Ngọc Ánh đã bắt đầu tìm hiểu về sống xanh, cách để yêu môi trường từ những điều nhỏ bé nhất, nghĩ đến những cách để góp phần bảo vệ môi trường.
"Tôi bắt đầu tổ chức những chương trình nhặt rác với quy mô nhỏ, với khoảng 10 người. Sau đó chương trình được lan tỏa nên quy mô tăng dần đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người tham gia. Có chương trình thu hút hơn 120.000 người cùng nhau nhặt rác trên 63 tỉnh, thành, thu hơn 700 tấn rác ở những bãi rác "nóng". Qua đó, tạo nên cảm hứng rất nhiều đến mọi người ở khắp các lứa tuổi để dọn rác ở nơi sinh sống".
Cũng tại chương trình giao lưu, chàng trai Nguyễn Hoàng Anh, Đội trưởng Đội tuần tra hỗ trợ giao thông Hướng Nam, trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM, đã đưa mọi người tua ngược thời gian để nhớ lại một giai đoạn cam go mà cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng phải căng mình chống lại đại dịch Covid-19.
Là lực lượng tiên phong trong chống dịch Covid-19, Hoàng Anh kể lại không ít khó khăn, vất vả mà bản thân và đồng đội phải đối mặt, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt mà không ai dám thực hiện, đó là vận chuyển tử thi Covid-19.
"Nếu nói sợ thì thành viên ai trong đội cũng sợ. Nhưng thời gian đó, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã khiến mọi người quyết tâm động viên nhau bắt buộc phải làm. Và khi bắt tay vào làm, có những thời điểm sợ, thì mọi người nắm tay nhau tạo thành sợi dây liên kết để cùng nhau làm, thực hiện công tác chuyên môn", Hoàng Anh nhớ lại.
Ước mơ giản dị…
Khi được hỏi về ước mơ, chị Ngọc Ánh chia sẻ: "Mong ước lớn nhất là… sớm thất nghiệp, không còn rác để nhặt".
Để ước mơ ấy thành sự thật, chị Ngọc Ánh cho biết trong thời gian tới, Cộng đồng Xanh Việt Nam đã có những dự định để có thêm giải pháp bền vững cho môi trường. Trong đó chủ yếu hướng đến việc chia sẻ, tuyên truyền, lan tỏa cảm hứng đến người trẻ, học sinh, sinh viên trên cả nước về tình yêu môi trường.
"Khi mà số lượng người dọn rác ở Việt Nam nhiều hơn số người xả rác thì Việt Nam sẽ nhanh xanh, sạch, đẹp. Và để rút ngắn thời gian đó thì đưa tình yêu môi trường và học đường, ở mọi cấp từ tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng, đại học. Hiện đã có những tín hiệu tích cực, mọi người, trong đó có giới trẻ thay đổi ý thức rất nhiều về việc bảo vệ môi trường", chị Ngọc Ánh cho hay.
Bác sĩ Nguyệt Thanh thì chia sẻ: "Tôi mong ước mọi người khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc. Khỏe mạnh ở cả sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe thể chất. Cũng kỳ vọng là thời gian tới Việt Nam sẽ là một quốc gia vừa khỏe mạnh và có chỉ số hạnh phúc nằm trong top của thế giới".
Hoàng Anh, Đội trưởng Đội tuần tra hỗ trợ giao thông Hướng Nam, cho biết mong muốn lớn nhất của anh là ai cũng có khả năng tự trang bị kỹ năng sơ cấp cứu để bảo vệ bản thân và giúp đỡ những người xung quanh.
"Thời gian đến, mình và đồng đội sẽ tiếp tục chia sẻ và tuyên truyền về văn hóa giao thông cho mọi người. Tôi tin khi tuyên truyền nhiều hơn thì sẽ cải thiện, nâng cao ý thức của người dân", Hoàng Anh nói.
Bình luận (0)