USD giảm giá dài hạn nếu thế giới tiếp tục lo chiến tranh thương mại

Thu Thảo
Thu Thảo
17/03/2018 15:17 GMT+7

Lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang có thể để lại tác động tiêu cực dài hạn với đô la Mỹ, ngay cả khi USD tạm thời tăng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần tới.

Theo CNBC, hiện giá USD được hỗ trợ phần nào nhờ thị trường kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm vào tuần sau. Dù vậy, USD cũng đứng trước nhiều rủi ro khác, trong đó có khả năng chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đợt cải tổ nội các đầy hỗn loạn tại Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là người mới nhất phải rời chính phủ trong bối cảnh có tin đồn về việc nhiều người khác sẽ sớm bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thôi việc.
“Chuyện ông ấy đuổi việc tất cả mọi người không giúp ích gì. Chuyện này ngày càng trở nên kịch tính khi chúng ta biết tin về ông Cohn và Tillerson”, CEO Exante Data Jens Nordvig cho hay. Trước đó, cố vấn kinh tế cấp cao Gary Cohn từ chức và trong tuần này, ông Larry Kudlow, người làm việc tại Nhà Trắng trước đây, thay ông đảm nhiệm vị trí cố vấn.
USD biến động hôm 16.3, tăng giá so với EUR và nhiều đồng tiền khác nhưng lại giảm giá so với yen Nhật. USD lẽ ra phải được hỗ trợ bằng thông tin Mỹ đang đi trước nhiều ngân hàng trung ương khác trong việc bình thường hóa lãi suất.
Bốn lần Fed tăng lãi suất trong năm nay sẽ giúp ích cho USD nhiều hơn là ba lần tăng lãi suất. Việc Fed thắt chặt lãi suất và việc ông Trump tích cực hướng về chủ nghĩa bảo hộ có nhiều tác động trái chiều. Tổng thống Mỹ áp thuế cao nhôm, thép nhập khẩu từ nhiều nước, và chính quyền của ông đe dọa áp thuế 60 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Chiến lược gia tiền tệ G-10 Ben Randol tại ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America cho hay: “Tôi nghĩ rằng thương mại rất phức tạp đối với USD. Nếu chúng ta bị trả đũa thương mại và mọi thứ xấu đi, tình hình có thể phức tạp hơn”. Dù vậy, tương lai vẫn khó đoán vì các biện pháp thương mại vẫn chưa rõ ràng.
Cuộc khảo sát 66 nhà quản lý quỹ toàn cầu do Merrill Lynch thực hiện cho thấy nhiều người cho rằng phản ứng tức thời từ căng thẳng thương mại Mỹ sẽ khiến chứng khoán và USD giảm. 42% số nhà quản lý quỹ cho rằng chính sách của ngân hàng trung ương sẽ là động lực lớn nhất của USD trong năm nay, và 11% các nhà quản lý quỹ cho rằng vấn đề thương mại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến USD.
Về dài hạn, có mối lo ngại cho rằng việc Mỹ ngày càng theo chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến USD mất vị trí đồng tiền dự trữ, trong khi yen Nhật và euro ngày càng hấp dẫn hơn. Một cuộc chiến thương mại cũng đồng nghĩa với việc các nhà băng trung ương tích cực phát tín hiệu để nội tệ xuống giá, như những gì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang bắt đầu thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.