Kênh Channel 12 của Israel đưa tin 230 người tình nguyện tiêm vắc xin Covid-19 của Viện Nghiên cứu sinh học Israel (IIBR) tại thành phố Ness Ziona được thông báo không cần tiêm liều thứ 3 vì khả năng miễn dịch vẫn còn cao, 6 tháng sau khi tiêm liều thứ 2.
Mức độ hiệu quả cụ thể không được nêu rõ, theo tờ The Times of Israel ngày 21.8. Vắc xin Covid-19 của IIBR (thuộc Bộ Quốc phòng Israel) có tên là BriLife, được thử nghiệm lâm sàng tại Israel, Georgia và Ukraine.
Những người tình nguyện nói trên được tiêm liều cao. Trong khi đó, những người được tiêm liều trung bình hoặc thấp được khuyên nên tiêm nhắc lại bằng vắc xin của Pfizer hoặc Moderna vì những liều đó không giúp bảo vệ lâu.
Hồi đầu tháng này, Israel bắt đầu tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người trên 60 tuổi (sau đó bổ sung thêm những người từ 40 tuổi trở lên) vì cho rằng mức kháng thể ở người đã tiêm 2 liều Pfizer hoặc Moderna bị suy giảm, vài tháng sau khi tiêm liều thứ 2.
Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Oxford (Anh), khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca đối với biến thể Delta bị suy giảm sau 3 tháng. Cụ thể, 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2, vắc xin của Pfizer/BioNTech giúp ngăn chặn lây nhiễm hiệu quả 85% còn AstraZeneca là 68%. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, mức hiệu quả lần lượt giảm xuống còn 75% và 61%.
Vắc xin BriLife của Israel đi sau so với các vắc xin của nước ngoài nên không được quá chú ý. Tuy nhiên, do sự xuất hiện của các biến thể mới, cộng với khả năng sẽ cần tiêm nhắc về sau này, Israel đã tập trung hơn cho việc phát triển vắc xin nội địa để đề phòng.
Đến nay, hơn 5,8 triệu người trong tổng số 9,3 triệu người Israel đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, trong đó gần 5,4 triệu người đã được tiêm 2 liều. Hơn 1,3 triệu người đã được tiêm liều bổ sung.
Bình luận (0)