Phát biểu tại diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, diễn ra ngày 8.6 tại địa phương này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Qua diễn đàn này, tôi xin khẳng định không có chuyện vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) ế, phải bán giá rẻ như một số thông tin đưa ra vừa qua. Bằng cách đổi mới xúc tiến thương mại, sắp xếp lại và mở rộng thị trường tiêu thụ thì chắc chắn năm nay chúng ta sẽ có một mùa vải thiều được mùa, được giá”.
Cam kết thu mua
|
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc thường trực Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op), cho hay Sài Gòn Co.op cam kết thu mua ít nhất 400 tấn vải thiều Bắc Giang trong các điểm bán lẻ tại 45 tỉnh, TP trên cả nước, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía nam.
Theo ông Thang Thành Vĩ, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây quốc tế Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), mùa vải thiều ở Bắc Giang sớm hơn vải thiều ở Trung Quốc từ 20 - 30 ngày nên có lợi thế xuất khẩu. Quả vải thiều của VN thơm ngon hơn loại vải thiều trồng tại Trung Quốc, được người tiêu dùng nước này đặc biệt yêu thích. Nhiều năm nay, vải thiều nhập từ VN được tiêu thụ rất mạnh ở các TP lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Dương và hiện đang được mở rộng tiêu thụ ở nhiều tỉnh, TP khác, nên nhu cầu nhập khẩu là rất lớn. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho hay ngoài 87 DN Trung Quốc dự diễn đàn để xúc tiến ký hợp đồng tiêu thụ, tại Bắc Giang đang có 43 điểm cân buôn do thương lái Trung Quốc trực tiếp giám sát thu mua.
Mở chợ điện tử giao dịch để tránh ép giá
Theo ông Thang Thành Vỹ, trong những mùa vải tới, hai bên cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong mua bán, thanh toán các hợp đồng mua vải, rút ngắn thời gian thông quan, đưa quả vải đến tay người tiêu dùng. “Khi có kênh thương mại điện tử trong giao dịch vải thiều, chúng tôi từ Trung Quốc có thể đặt các đơn hàng cho các nhà sản xuất tại VN đóng gói theo yêu cầu”, ông Vỹ nói.
Ông Nguyễn Anh Đức cũng cho rằng trong bối cảnh nhiều loại nông sản phải giải cứu như vừa qua thì quả vải thiều và nhiều loại nông sản khác đang cần ứng dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch đấu giá giúp kết nối cung cầu giữa người sản xuất, DN và thị trường tốt hơn, đặc biệt là tạo ra tính cạnh tranh, loại bỏ được tình trạng liên kết để ép giá.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu thì 93 triệu dân trong nước cũng là thị trường rộng lớn, dư địa để DN quan tâm gia tăng sản lượng tiêu thụ. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm các chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản và các ứng dụng thương mại điện tử để tạo ra tiện lợi giữa người bán và người tiêu dùng. Nhưng từ phía địa phương và người sản xuất, ngoài chất lượng sản phẩm thì phải quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã, bao bì để chứng nhận, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, khẳng định được thương hiệu của sản phẩm.
Không để vải thiều tồn đọng ở cửa khẩu
Tại diễn đàn, ông Trang Nham, Trợ lý giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cho biết trong số trái cây xuất khẩu qua lại giữa hai nước thì vải thiều là mặt hàng đặc biệt. Để không còn tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ loại quả này như những năm trước, phía VN và Trung Quốc thống nhất sẽ làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hai nước trong giao dịch, mua bán vải thiều.
Ông Trần Quang Tấn cho hay qua làm việc tại các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, các cửa khẩu đã bố trí kho bãi tập kết, mở lối đi riêng cho xe chở vải thiều thông quan, xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian làm thủ tục xuất khẩu vải cũng được kéo dài hơn, từ 18 giờ lên 21 giờ hằng ngày, nhằm không để vải tồn đọng qua đêm tại các cửa khẩu.
|
Bình luận (0)