Trong bài phát biểu đọc trên truyền hình tối 3.11, ông Musharraf cho biết ông quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với sự gia tăng bạo lực do các tay súng Hồi giáo gây ra và điều mà ông cho là sự tê liệt của chính phủ do can thiệp của bộ máy tư pháp. "Tôi nghĩ rằng chủ quyền của Pakistan bị đe dọa nếu không hành động kịp thời. Tôi không thể để quốc gia đến chỗ tự sát", BBC dẫn lời ông Musharraf. Ông đã tuyên bố đình chỉ hiến pháp, cho triển khai binh lính ở thủ đô, cách chức Chánh án Tòa Tối cao, kiểm soát chặt chẽ thông tin liên lạc và báo chí, đồng thời tiến hành bố ráp nhiều nhân vật đối lập.
Ngày 4.11, ông Javed Hashmi, quyền Chủ tịch đảng PML-N của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã bị bắt cùng với 10 trợ lý. Cảnh sát cũng đã bắt 6 luật sư ở thành phố Multan. Lệnh của ông Musharraf cho phép các tòa án hoạt động bình thường nhưng một số quyền cơ bản được hiến pháp bảo đảm, bao gồm tự do ngôn luận, bị đình chỉ. Nhà chức trách cũng có thể bắt người mà không cần cho biết họ bị buộc tội gì.
Theo Reuters, việc Tổng thống Musharraf ban bố tình trạng khẩn cấp đã được đồn đại từ nhiều tuần qua bởi nhà lãnh đạo Pakistan không chấp nhận rủi ro rằng Tòa Tối cao trong vài ngày tới sẽ ra phán quyết coi việc ông tái tranh cử tổng thống hồi tháng trước khi vẫn mặc quân phục là vô hiệu lực. Vì thế, một bước đi được coi là quyết định của ông Musharraf sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp là thay Chánh án Tòa Tối cao Iftikhar Chaudhry, vốn đã trở thành một cái gai đối với Tổng thống Pakistan kể từ sau việc cách chức không thành ông Chaudhry hồi đầu năm nay, dẫn đến hàng loạt các cuộc phản đối trên toàn quốc. Ngoài việc xem xét tư cách ứng cử của ông Musharraf, ông Chaudhry đang thụ lý kháng cáo về nhân quyền từ gia đình của những người bị mất tích trong 4 năm qua do bị cáo buộc có liên quan đến al-Qaeda. Hôm 3.11, tân Chánh án Tòa Tối cao vừa được bổ nhiệm, ông Hameed Dogar, đã hủy bỏ các vụ việc này.
Nhổ "cái gai" Chaudhry, ông Musharraf có thể bớt lo trước một phán quyết bất lợi của Tòa Tối cao về tư cách tái ứng cử tổng thống của ông? Chính phủ Pakistan sẽ hiệu quả hơn trong việc chống khủng bố và bạo lực đang lan tràn? Đây hẳn là những câu hỏi khó trả lời. Trong tuyên bố đưa ra tối 3.11, ông Musharraf không cho biết tình trạng khẩn cấp kéo dài bao lâu và khi nào cuộc bầu cử quốc hội, ban đầu được dự đoán vào tháng 1.2008, sẽ diễn ra. Điều này hẳn nhiên cũng sẽ chi phối khả năng chia sẻ quyền lực giữa ông Musharraf và bà Bhutto, bởi bà Bhutto đã đặt mục tiêu cho sự trở về của mình là tranh cử quốc hội và ngay hôm 3.11 đã khẳng định không thể có bầu cử công bằng trong tình trạng khẩn cấp. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, cũng đã tỏ ý phản đối hành động của ông Musharraf. Vị tướng Pakistan sẽ phải làm gì khi quốc tế "không hiểu tình hình Pakistan và xung quanh Pakistan" như ông đã nói? Hãy chờ xem.
Trùng Quang
Bình luận (0)