Vẫn chỉ bảo hiểm tiền gửi với tiền đồng

15/12/2011 00:44 GMT+7

Tại phiên họp thảo luận dự luật Bảo hiểm tiền gửi chiều 14.12, dù nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) vẫn không tán thành quan điểm không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý nhưng quan điểm này vẫn được TVQH tán thành.

Tại phiên họp thảo luận dự luật Bảo hiểm tiền gửi chiều 14.12, dù nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) vẫn không tán thành quan điểm không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý nhưng quan điểm này vẫn được TVQH tán thành.

 

Chỉ tiền gửi bằng VND mới được bảo hiểm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết qua thảo luận tại kỳ họp QH vừa qua, có 18 ý kiến phát biểu nhất trí với quy định của dự luật: chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng VND nhằm bảo vệ đồng tiền Việt Nam; 49 ý kiến khác đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng…) nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền, huy động lượng lớn ngoại tệ và vàng gửi vào hệ thống ngân hàng...

Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng quan điểm với nhóm ý kiến thứ nhất với lý do quy định như vậy để thực hiện chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam (cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng). Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban TVQH không tán thành việc chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Nếu ngân hàng vẫn nhận tiền gửi của người dân bằng ngoại tệ, bằng kim loại quý thì can cớ gì chỉ bảo hiểm tiền đồng mà không bảo hiểm các loại tiền khác? Lượng ngoại tệ, vàng trong dân vẫn rất nhiều, sao không tận dụng để hút số tài sản này vào ngân hàng, để làm một kênh quản lý tốt hơn là để nó trôi nổi?”. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, trên thực tế, dù là VND hay ngoại tệ, vàng đối với người gửi tiền đều là tài sản có giá trị như nhau. Nếu không nhận tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý thì thôi, còn đã nhận thì phải bảo hiểm như nhau để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Được mời phát biểu làm rõ thêm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn trình bày: Quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với VND nhằm mục đích quản lý ngoại hối, quản lý tỷ giá và tiến tới mục tiêu lâu dài chỉ sử dụng tiền đồng Việt Nam. “Nếu cứ để hoài như hiện nay, đến bao giờ làm được? Phải làm sao tiến tới mục tiêu lâu dài chỉ dùng tiền đồng Việt Nam. Thông lệ quốc tế cũng không có nước nào bảo hiểm tiền ngoại tệ cả. Họ cũng khuyến khích ta nên theo mô hình chi trả mở rộng với đồng nội tệ”, ông Tuấn quả quyết.

Sau khi nghe ông Tuấn giải trình, TVQH đã tán thành với đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra và dự kiến trình ra QH phương án chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền đồng Việt Nam như quy định của dự luật.

Chỉ giám sát cá nhân người nước ngoài

Cũng trong chiều 14.12, Ủy ban TVQH đã thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của luật Phòng, chống rửa tiền.

Nội dung gây nhiều tranh cãi nhất tại phiên thảo luận là quy định về kiểm soát thông tin và giám sát khách hàng đối với cá nhân có ảnh hưởng chính trị nhưng chỉ là người nước ngoài (cá nhân có ảnh hưởng chính trị là cá nhân được giao giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước của nước ngoài…). Qua tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở những ý kiến thảo luận của ĐBQH, Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định của dự thảo luật.

Ông Phan Trung Lý cho rằng, cơ quan thẩm tra đã không giải trình được rõ lý do vì sao chỉ quy định kiểm soát thông tin và giám sát khách hàng đối với cá nhân có ảnh hưởng chính trị là người nước ngoài. “Nếu đã quy định thì quy định luôn cả trong nước, áp dụng với cả đội ngũ cán bộ công chức có trọng trách ở trong nước mới hợp lý”, ông Lý đề xuất.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khi điều hành phiên họp nói thêm cơ quan thẩm tra lý giải không quy định như vậy trong luật Phòng, chống rửa tiền vì đã có quy định liên quan ở luật Phòng, chống tham nhũng, luật Cán bộ công chức. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nói cách hiểu của ông về quy định trên của dự luật xuất phát từ mục đích kiểm soát hành động rửa tiền của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài vào Việt Nam, còn nếu quan chức trong nước ra nước ngoài rửa tiền đã có luật pháp các nước quy định các biện pháp xử lý. Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý vẫn bảo lưu đề xuất trên của mình vì cho rằng, trong luật Phòng, chống tham nhũng và luật Cán bộ công chức không có điều khoản cụ thể nào xử lý hành vi rửa tiền. “Nếu chỉ quy định kiểm soát hành vi rửa tiền của các cá nhân có ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài trong luật thì không thể ngăn ngừa, xử lý được hành vi rửa tiền của quan chức ở trong nước”, ông Lý khẳng định.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, vì cho rằng “đối tượng rửa tiền tại Việt Nam không chỉ người nước ngoài mà còn cả đối tượng trong nước”.

Kết thúc nội dung này, TVQH tán thành với đề xuất của cơ quan thẩm tra vẫn giữ nguyên quy định trên trong dự thảo luật trình ra QH tại kỳ họp tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.