V-League đã khai mạc chiều qua trong sự theo dõi tận tường của nhiều người trong cuộc, một số cổ động viên nhiệt thành và giới báo chí.
Bởi đây là mùa giải mang tên chuyên nghiệp thứ 11, các nhà hoạch định bóng đá VN cũng như những người làm chuyên môn đều mong đợi sẽ có bước đột phá nào đó mới mẻ. Mặt khác, các fan cũng chờ đợi làn gió mới từ sự cạnh tranh được hứa hẹn khốc liệt trước đó của các ông bầu với hy vọng sẽ chứng kiến được chất lượng nhiều trận hay cũng như sự cống hiến cao của các đội để góp phần mang đến không khí hào hứng cho bóng đá nước nhà.
Thế nhưng cái được thì ít, còn cái chưa được ngay loạt trận mở đầu lại nhiều hơn. Cái được chính là hiệu suất ghi bàn của các đội khá tốt. Con số 23 bàn trong 6 trận, trung bình gần 4 bàn/ trận đủ nói lên thái độ vào cuộc tận tình của nhiều đội. Trong 23 bàn thắng này, khán giả hẳn cũng hài lòng phần nào vì ngoài một bàn đá phản, có đến 12 bàn do các cầu thủ nội ghi chứ không hoàn toàn để cầu thủ ngoại lấn lướt như trước đây. Điều đó cho thấy các chân sút nội đã cố gắng, chịu khó rèn luyện, tạo nên động lực mới cho cuộc chạy đua giải vua phá lưới.
Một cái được khác chính là ngay 6 trận mở đầu đã có một số trận gay cấn theo kiểu ngựa về ngược. Việc 5 trong 6 đội chủ nhà của ngày ra quân không thắng xuất hiện trong những trận đấu rượt đuổi tỷ số và mưa bàn thắng đã cho thấy phần nào kịch tính.
Thế nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo. Trước hết vẫn là trình độ của nhiều đội vẫn chưa có gì khác so với mùa trước, thậm chí có đội còn tệ hơn. Có thể khởi đầu nhiều đội còn thăm dò, nhiều cầu thủ vẫn chưa bắt nhịp kịp, nhưng điều đó không thể bào chữa cho việc nhiều đội chơi thiếu mạch lạc, những pha phối hợp cũng như những đường chuyền cuối cùng không có độ gắn kết. Do đó, có nhiều bàn thắng đến rất tình cờ hoặc do đối thủ “biếu không”. Chẳng hạn 2 bàn thắng trên sân Vinh, 3 trong 8 bàn thắng trên sân Thanh Hóa, 3 bàn trên sân Nha Trang hay 2 bàn tại Nam Định. Bên cạnh đó, chưa có gương mặt mới nào gây ấn tượng. Ngược lại đã có vài “ông Tây” ở Sông Lam Nghệ An hay Lam Sơn Thanh Hóa thi đấu dưới trung bình.
Bên cạnh đó, tình trạng các trận đấu thu hút ít khán giả đến sân cũng rất đáng nói. Như sân Thiên Trường được VTV3 trực tiếp, khán đài B không có nhiều người. Sân Hàng Đẫy chỉ có vài chục khán giả ngồi lọt thỏm đối diện máy quay. Sân Thanh Hóa dù mới nâng cấp nhưng người xem vẫn chưa được một nửa, dù đội bóng của họ mới đoạt Siêu cúp. Phải chăng người xem nghi ngại đội Thanh Hóa với “hồn Thể Công, xác Thanh Hóa” sẽ không làm nên trò trống gì trong mùa này? Tương tự ở Vinh, khán giả cũng không đông dù đó là trận khơi dậy tính chất derby xứ Nghệ vốn đã căng thẳng từ năm qua.
Tình trạng người xem chưa đông này ít nhiều do sự thiếu chuẩn bị và tuyên truyền kém thu hút của các đội. Hơn nữa do giải diễn ra cận Tết, nhiều khán giả cũng còn nhiều nỗi lo toan nên chưa đến sân để cổ vũ. Nhưng cái chính là không khí thất bại ở SEA Games làm cho người xem giảm hẳn sự mong đợi với V-League. Dù các ông bầu đã tung nhiều tiền đầu tư cho các đội, BTC đã siết chặt mọi vấn đề để tránh những chuyện không hay xảy ra, song điều đó cũng không thể lôi được cổ động viên đến sân. Chỉ hy vọng từ những nỗi lo này, người trong cuộc hãy nỗ lực hơn để có thể lôi cuốn nhiều khán giả đến sân hơn trong thời gian tới.
Quang Tuyến
Bình luận (0)