Cái gì cũng tối đa
Sự đa dạng của các món ăn trong tiệc buffet là nhân tố đầu tiên thu hút thực khách. Một tiệc buffet đúng nghĩa ít ra cũng phải vài chục món trở lên, thậm chí có tiệc buffet lên tới hàng trăm món khác nhau từ hải sản tươi sống đến các loại salad béo ngậy; từ sò, ốc, nghêu nướng đến sốt bơ tỏi, rang me…
Chưa ăn xong món chính đã thấy bánh trái dọn lên đủ loại: chè, chuối chiên, khoai nướng, bắp xào - đặc trưng “buffet gánh” mời gọi thực khách trở về một thời ấu thơ.
Khác với kiểu tiệc bàn truyền thống, người dự tiệc chỉ có thể yên vị một chỗ và ăn những món ăn theo thứ tự đã định, tiệc buffet cho phép người dự tiệc một không gian thoáng rộng hơn, có thể đứng đâu, ngồi đâu tùy ý, nói chuyện, giao lưu với ai tùy thích. Thực tế, có nhiều người tìm đến buffet vì thích cảm giác tự do cầm đĩa, bát đi “lượn” hết vòng này đến vòng khác, lựa chọn giữa hằng hà sa số vài chục đến vài trăm những món mình khoái khẩu nhất để mặc sức “chén” tối đa năng lực mà không hề e ngại chút nào như trong tiệc bàn - gặp món khoái khẩu, khi dọn đi tiếc hùi hụi nhưng đành thôi vì mọi người đã buông đũa thì mình cũng phải buông đũa theo.
Chưa hết, ăn tiệc bàn, ăn nhiều tốn tiền nhiều còn ở tiệc buffet hầu hết phí ăn tiệc đã được thu trước trọn gói nên nhiệm vụ còn lại, duy nhất của thực khách là… ních sao cho đến khi không thể nhét thêm món gì vào bụng được nữa.
Học ăn
Bởi những ưu điểm thoải mái, tự do của tiệc buffet đã nói ở trên nên nhiều người đến tiệc buffet hay quên. Quên rằng bất cứ sự tự do nào cũng cần những giới hạn và khuôn khổ, nhất là cái sự “ăn” bởi từ nghìn xưa cha ông ta đã dạy: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” và trong bốn sự học: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” thì “học ăn” được xếp trước tiên.
Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay, khi nhu cầu của rất nhiều người trong xã hội và đặc biệt là những thực khách đến với buffet, không phải là “ăn no” mà là “ăn ngon”, ăn có chọn lọc. Vậy nên, ăn buffet cũng cần có sự tinh tế, ý nhị cùng những phép dè dặt, lịch sự khi thưởng thức.
Xin đừng quá “phê”, quá “hớp” giữa muôn vàn món ăn mời gọi mà nhắm mắt khi ăn, ăn theo tiếng gọi của riêng mình mà không để ý đến ai dễ bị thiên hạ cười chê: “Ăn còn không nên nết nói chi đến chuyện làm”.
Nhiều người khi đi ăn tiệc buffet còn cảm thấy mệt mỏi với chuyện chen lấn: chen để lấy đĩa, muỗng, bát, chen ở những món tâm điểm của bữa tiệc… Thật ra, nguyên tắc của một tiệc buffet đúng nghĩa là thức ăn luôn được đảm bảo đầy đủ, thêm vào đó ngày nay hầu hết các nhà hàng buffet có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phục vụ buffet sao cho những món “độc”, “lạ” dù người đến trước hay sau cũng có thể thưởng thức. Những món ngon, lạ ban đầu thường chỉ được bày ra với số lượng vừa phải, khi hết sẽ được châm thêm, rải đều trong suốt thời gian của bữa tiệc. Thế nên, thực khách cứ từ tốn mà thưởng thức, ai rồi cũng đến lượt. Khi ấy dẫu làm ngơ cũng không được, món ngon chẳng phải hóa ra món đắng, nghẹn trong cổ, nuốt không trôi cùng cảm giác xấu hổ dai dẳng cho đến lúc đã ra về?
Hãy là thực khách có văn Hóa
“Ăn cho đáng đồng tiền” hay “để dành bụng ăn buffet” là câu cửa miệng vui thường hay bắt gặp ở những nhóm bạn đi ăn buffet cùng với nhau. Câu nói trên tuy đùa mà thật vì thường buffet đã được thu tiền trước, ăn nhiều hay ít cũng chừng đó tiền và thế là nảy sinh tâm lý ở không ít người là ăn sao cho “năng suất” cao nhất. Hệ lụy là không ít người ăn no, ăn nhiều quá mức, quá khả năng hấp thụ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng, bội thực… kéo dài vài ngày sau.
Người Việt ta có tinh thần “tương thân, tương ái”, món ngon mình cảm nhận cũng muốn gắp và san sẻ cho người thân, quen của mình. Thói quen lấy đồ ăn giùm cũng xuất phát từ tinh thần đó. Tuy nhiên, ngon hay không tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: sở thích của từng người, tâm trạng vui buồn, sức khỏe, môi trường… Lấy thức ăn giùm vì thế lại không phù hợp trong tiệc buffet vì dễ gây nên những sự lãng phí không đáng có. Trường hợp này còn phổ biến khi cha mẹ cho con nhỏ đi ăn tiệc buffet, chọn món thay cho con, muốn con ăn được nhiều nên lấy nhiều thứ và cuối cùng bỏ mứa trên bàn tiệc khi con không chịu ăn và cha mẹ cũng “kham không nổi”.
Tiệc buffet vốn có nguồn gốc từ phương Tây và có mặt ở rất nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng với nhiều đối tượng khách khác nhau, trong đó có khách nước ngoài. Chuyện buồn trong cách thưởng thức buffet, rất đông khách Việt lấy quá nhiều thức ăn rồi bỏ mứa lại trên bàn khi rời đi khiến khách nước ngoài bất ngờ và bức xúc.
Đau lòng hơn nữa khi nét văn hóa ứng xử không đẹp của một số người trong cách dự tiệc buffet lại được quy chiếu cho cả một dân tộc Việt. Không ít người khi đi du lịch ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore cảm thấy hụt hẫng, chới với khi trong phòng tiệc buffet của khách sạn cư trú hiện diện câu nhắc nhở viết bằng tiếng Việt dành riêng cho người Việt: “Đề nghị quý khách không mang thức ăn, nước uống lên phòng” hay “Vui lòng không để thức ăn thừa!”.
Đừng ích kỷ khi đi ăn buffet Nguyễn Lý |
Thy An
Bình luận (0)