Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc (*)

20/06/2009 23:43 GMT+7

Báo chí với ngoại giao văn hóa Cách để báo chí vượt qua khủng hoảng tài chính Nguyễn An Ninh là một nhà báo nổi tiếng, đồng thời là nhà lý luận, và cả là nhà thực hành. Trong đấu tranh chính trị, anh Ninh là một chính khách, một nhà chính trị hoạt động, một con người của quần chúng, anh có nhiều sáng kiến theo sát đường lối của Đảng, sát chủ nghĩa Mác-Lênin… Nghe đọc bài

Ở  Nam Bộ những năm trước 1930 có một người đã có công đánh thức cả một thế hệ thanh niên còn mê ngủ. Bản thân tôi những năm trẻ tuổi đi vào con đường cách mạng, tôi được nhiều người dẫn dắt, mà người dẫn dắt trước hết, sâu sắc nhất, quyết định nhất, chính là người đó - anh Nguyễn An Ninh.

Năm tôi 14-15 tuổi (1925-1926) học trung học ở trường Chasseloup Laubat, tôi thường đọc báo La Cloche Fêlée (Chuông Rè) và báo LAnnam (Nước Nam) là hai tờ báo tiếng Pháp do anh Ninh sáng lập, trong hai báo đó tôi được đọc nhiều bài lấy ở báo L’Humanité và báo Le Paria xuất bản ở Pháp. Báo Chuông Rè và báo Nước Nam luôn có bài ủng hộ các cuộc bãi công của công nhân Ba Son, bãi khóa của học sinh Chasseloup Laubat và các cuộc biểu tình quần chúng ở Bến Nhà Rồng.

Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hóa ngoại bang thì dân tộc ấy không thể có độc lập thật sự

Nguyễn An Ninh

Đặc biệt là ngày 21.3.1926, lần đầu tiên tôi được nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết tại cuộc mít tinh ở đường Lanzarotte trong vườn xoài nhà bà đốc phủ Nguyễn Tấn Tài. Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông, lâu nay tôi biết anh bén nhọn trên cột báo, hôm đó lại biết anh hùng hồn ở diễn đàn, không chút sợ Tây tà, đậu cử nhân luật ở Paris về Sài Gòn không làm nghề luật sư nhiều danh lợi mà dùng câu văn, lời nói làm chiêng, làm trống cảnh tỉnh, tập hợp đồng bào. Nội dung diễn thuyết của anh hôm đó hay lắm, nhưng giọng nói và tấm lòng của anh Ninh đã cảm hóa tôi còn hơn nội dung anh nói.

Đã gần 80 năm trôi qua, có lẽ tôi là nhân chứng duy nhất còn lại của cuộc mít tinh nổi tiếng ở đường Lanzarotte. Anh Ninh là diễn giả hay nhất, được quần chúng dự mít tinh cổ võ nồng nhiệt nhất.

Nguyễn An Ninh sau năm lần bị thực dân Pháp bắt giam và kết án tù, cuối cùng đã hy sinh ở địa ngục Côn Đảo vào tuổi 43. Cuộc đời anh quá ngắn ngủi, nhưng anh đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí bất khuất quật cường với kẻ thù, tình nghĩa gắn bó, gần gũi với dân, lòng nhân hậu bao dung với bạn bè, đồng chí, gia đình.

***

Những ngày chập chững vào con đường cách mạng ở tuổi 14-15, tâm trí tôi lúc ấy như một tờ giấy trắng mà người đầu tiên viết lên đó những dòng chữ về yêu nước, về lý tưởng, về hoài bão, không ai khác hơn là Nguyễn An Ninh. Tôi nhớ mãi những hình ảnh trong bài diễn thuyết Lý tưởng thanh niên mà lúc đó anh Ninh gọi là Cao vọng của thanh niên An Nam.

Đám học sinh trung học chúng tôi hồi ấy đi học tại Sài Gòn ở nội trú, chủ nhật ra ngoài đi dạo phố, mặc âu phục ka-ki trắng, thắt cà vạt, đi giày da kêu cộp cộp, có người không cận thị cũng mang kính trắng để ra vẻ trí thức. Nguyễn An Ninh trong bài Cao vọng của thanh niên An Nam đã có lời phê phán: “Các bạn thử nhìn, thử quan sát đám thanh niên đầy tham vọng đang thả rểu ngoài đường, mặc đồ tây, thắt cà vạt, tướng đi như vịt đực...”.

Lời phê bình đó hay lắm, thấm lắm. Tôi còn nhớ trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc xuất bản ở Paris năm 1925 cũng có một câu phê phán thanh niên thời đó khiến ta nhớ đời: “Hỡi Đông Dương đáng thương! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già háp của người không sớm hồi sinh”.

Anh Ninh là người Việt Nam đầu tiên ở Nam Kỳ đã hô hào thanh niên hãy thoát ra khỏi cái hẹp hòi của Khổng giáo, thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, đi thật xa để học hỏi và trang bị cho mình một lý tưởng cao cả, không có lý tưởng cao cả thì không làm nên việc lớn. Thanh niên phải biết ước mơ, mà theo anh Ninh, phải là ước mơ siêu nhân, đất nước ta cần có nhiều vĩ nhân để giải thoát giống nòi.

Bài diễn thuyết năm 1923 Cao vọng của thanh niên An Nam của Nguyễn An Ninh đã mở ra cái hướng cho thanh niên thời đó, trở thành một trào lưu mạnh mẽ lan tràn hết sức mau khắp Nam Bộ giữa những năm 20 của thế kỷ vừa qua.

Anh Ninh còn có một tác phẩm khá nổi tiếng: Nước Pháp ở Đông Dương xuất bản ở Paris tháng 4.1925 và sau đó đăng lại toàn văn trên bốn kỳ báo Chuông Rè khi báo này tục bản tháng 11.1925.

Anh Ninh mở đầu tập sách Nước Pháp ở Đông Dương bằng câu: “Hẳn không phải để làm một điều nhân nghĩa mà nước Pháp đã vượt qua khoảng cách 14.000 cây số, để sang Đông Dương”. Anh còn viết: “Nước Pháp là nước ban bố tự do và quyền công dân Pháp cho những người mới hôm qua là nô lệ, thì chính nước Pháp đó ở Đông Dương lại đặt ách nô lệ lên cổ của một dân tộc tự do từng có nền văn hóa trong lúc người Pháp còn lạc hậu ở trong những làng xóm quanh ao hồ”.

Anh đã kể lại các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp thất bại trong 70 năm chịu ách đô hộ, để đi đến kết luận: “Chống trả một tổ chức đàn áp hiện đại, ta phải có một tổ chức kháng cự hiện đại. Khi một dân tộc đã bị dồn đến tình thế không còn sự lựa chọn nào khác hơn là chết hoặc nô lệ, thì chống trả lại là thể hiện tính hùng cường. Người ta chỉ lên án bạo lực khi nó chưa cần thiết, nhưng trong trường hợp là con đường duy nhất thì ai cũng phải chấp nhận nó”.

Lịch sử tư tưởng Việt Nam thời kỳ hiện đại chép tên tuổi Nguyễn An Ninh là một trong số những người đầu tiên, nếu không phải chính anh là người đầu tiên, đã tuyên truyền cổ động có bề sâu, có bề rộng, có hệ thống những tư tưởng lớn của Đại Cách mạng Pháp 1789-1792. Anh cũng là người đầu tiên cho đăng trên tờ Chuông Rè của anh toàn văn “Tuyên ngôn Cộng sản” của Mác Ăng-ghen.

Cho đến ngày nhắm mắt, anh Ninh vẫn chưa phải là đảng viên cộng sản. Nhưng những người cộng sản hoạt động cùng thời với anh, kể cả Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và tôi đều coi anh như một người cộng sản - một người cộng sản ngoài Đảng...

Đối với Khổng giáo, có lẽ Nguyễn An Ninh là nhà Tây học đầu tiên đã đấm Khổng giáo mấy quả đấm kinh hồn. Ninh không đứng về thuần lý mà phê phán như nhiều người khác, mà đứng về nhu cầu trang bị cho thanh niên một lý tưởng, nhu cầu phủ định các trật tự ngày nay nhằm mục tiêu giải phóng đất nước. Chỗ đứng ấy rất mạnh.

Vẫn trong bài diễn thuyết Cao vọng của thanh niên An Nam, Nguyễn An Ninh đã có câu nói nổi tiếng, càng nổi tiếng vì nó được thốt ra từ suy nghĩ của một chàng trai 23 tuổi: “Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hóa ngoại bang thì dân tộc ấy không thể có độc lập thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc... Một dân tộc có một nền văn hóa cao thượng thì mới nắm trong tay những đặc quyền mà những dân tộc với một nền văn hóa thấp kém hơn không thể có được. Như vậy một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa của riêng mình”.

Nguyễn An Ninh cho rằng cái văn hóa mà Khổng giáo đem lại cho chúng ta, xét kỹ là kém cỏi lắm. Lớp người được đào tạo bằng kinh truyện sách vở Trung Quốc là lớp người được gọi là “thượng lưu” chớ thật sự không phải thượng lưu. Lâu nay họ “bị bắt buộc phải bám víu vào tư tưởng Khổng giáo giống như người bị chìm bấu víu vào mảnh ván lềnh bềnh”. Thời nay văn hóa Tây phương phát triển, lan khắp thế giới, ta đây ở Việt Nam không thể không tiếp thu, tiếp thu nó có lợi cho ta. Nhưng mà tư tưởng Khổng giáo làm cho ta khó thu nhận văn hóa Tây phương, khó tiến bộ, khó tổng hợp hai nền văn hóa Tây - Đông để mà tạo cho mình một nền văn hóa độc lập cao thượng. Không phải Nguyễn An Ninh cho rằng tư tưởng Khổng giáo chẳng có giá trị gì, anh nhận xét rằng Khổng Tử vẫn là một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức lớn của thế giới. Anh viết: “Tư tưởng Khổng giáo nếu được hiểu đúng thì có thể nâng đỡ con người lên một quan niệm quảng đại và nhân từ về đời sống. Mấu chốt của học thuyết Khổng Tử là ở nơi chính bản thân mỗi người tu dưỡng lấy mình”.

***

Năm 1936, khi Mặt trận Bình dân thắng cử ở Pháp thì anh Ninh là người có sáng kiến tổ chức Đông Dương Đại Hội, sáng kiến đó đã được Đảng chấp nhận và từ đó phong trào dân tộc dân chủ đã lên cao trào trước nay chưa từng thấy.

Sau khi Đông Dương Đại Hội bị thực dân Pháp cấm thì phe trốt kít trở mặt. Bây giờ đọc lại cuộc bút chiến sôi nổi kéo dài giữa Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu (thủ lĩnh trốt kít) trên báo La Lutte (Tranh đấu) năm 1937, càng thấy Ninh sâu sắc, vững vàng như thế nào khi anh khẳng định đường lối Mặt trận dân tộc dân chủ của Đảng, bác bỏ chủ trương quá khích “mặt trận vô sản” của Tạ Thu Thâu.

Bằng những lập luận sắc bén, Ninh phân tích: Thâu tuy nói nhiều, nhưng kỳ thật Thâu không có lập trường giai cấp công nhân và không hiểu học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác-Lênin. Có người nói Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo hợp tác vô nguyên tắc với Tạ Thu Thâu, nói vậy là không đúng. Nếu lúc đó có “phe” thì đó là phe Ninh - Tạo chớ không hề có phe Ninh - Thâu. Khi cuộc xung đột nổ ra, Ninh là người chống Thâu, chống trốt kít mạnh nhất, mạnh hơn cả Hồng Quy Vít. Lúc đó người ta tin tưởng Nguyễn An Ninh hơn ai hết trong việc bảo vệ Đệ tam Quốc tế và Mặt trận Bình dân Pháp, chống trốt kít, chống Tạ Thu Thâu.

Ngày 15 tháng 9 năm 2001

Theo dự kiến, cuối tháng 6 này, cuốn sách Nguyễn An Ninh – Tác phẩm do NXB Văn học ấn hành sẽ ra mắt bạn đọc. Tác phẩm được xem như là “toàn tập” gồm hơn 250 bài dịch từ tiếng Pháp và 150 bài do Nguyễn An Ninh viết bằng quốc ngữ (cộng hơn 1.300 trang khổ giấy 16 cm x 24 cm), hứa hẹn đem đến cho bạn đọc một nguồn tư liệu quý giá và giàu ý nghĩa. (N.S)

GS Trần văn Giàu

 (*) Tựa bài do Thanh Niên đặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.