Bí mật ngự y triều Nguyễn: Xin được lấy... vợ vua

28/08/2015 06:08 GMT+7

Trong khi rất nhiều quan ngự y do không chữa lành bệnh cho vua nên đã vướng vòng lao lý, thì cũng có những vị quan ngự y được thưởng vì đã biết trước nhà vua sẽ chết, có người còn được ban ân huệ lấy cả phi tần của vua làm vợ.

Trong khi rất nhiều quan ngự y do không chữa lành bệnh cho vua nên đã vướng vòng lao lý, thì cũng có những vị quan ngự y được thưởng vì đã biết trước nhà vua sẽ chết, có người còn được ban ân huệ lấy cả phi tần của vua làm vợ.

Bà Nguyễn Thị Đệ, con gái thứ 7 của bà Lưu Ngân và quan ngự y Nguyễn Bá Chước
- Ảnh: chụp lại từ ảnh tư liệu của gia đình
Được thưởng vì biết vua sẽ chết
Đó là quan ngự y Trần Đại Nghĩa (còn gọi là Trần Quang Chiếu), tên thật là Nguyễn Lượng, nguyên quán làng La Khê (huyện Từ Liêm, trấn Tây Sơn, nay thuộc P.Văn Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội). Bác ruột của ông là Nguyễn Quang Tuấn (có nơi gọi là Thuần) là danh y nổi tiếng làm quan ngự y dưới triều Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng). Sách Lịch sử các y gia y học cổ truyền VN và phương đông (NXB Y học Bộ Y tế, năm 1996) cho biết, từ nhỏ Trần Đại Nghĩa đã được học chữ Nho và y thuật từ bác. Lớn lên ông làm nghề chữa bệnh, vốn thích an nhàn nên không ưa ra làm quan. Ông người thấp, tính nóng, cần mẫn, kiệm ước, không ưa văn vẻ, nhưng giữ lễ nghĩa, làm thuốc có nhân đạo. Vốn tinh thông Nho học, nên sau nghiên cứu y lý lại càng tinh thông phép điền hư, bổ tổn rất tài, chữa lành nhiều bệnh nan y thời bấy giờ.
Năm Gia Long thứ 18 (1819), nhà vua ốm nặng, ông được Tổng trấn Bắc thành là Lê Chất (còn gọi Lê Công Chất) tiến cử vào kinh chẩn bệnh cho vua. Sau khi bắt mạch cho nhà vua, thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng sau này) hỏi bệnh tình ra sao. Ông trả lời “khó nói”, rồi làm bài biểu kê rõ bệnh tình và nói rõ bệnh mạch so với y lý thì hơn một tháng nữa sẽ không qua khỏi (bài tấu này hiện vẫn còn ghi trong gia phả của dòng họ ông ở làng La Khê).
Trong khi đó, các quan ngự y khác như chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, phó ngự y Đoàn Đức Hoảng và cai bạ hầu thuốc Trần Vân Đại khi chẩn bệnh và dâng thuốc đều nói nhà vua sẽ không sao, uống thuốc sẽ khỏi. Cuối cùng, đúng như lời Trần Đại Nghĩa, sau một thời gian dài lâm bệnh, đến ngày 19 tháng chạp năm Kỷ Mão (1819) vua băng hà. Thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, các quan ngự y từ chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, phó ngự y Đoàn Đức Hoảng và cai bạ hầu thuốc Trần Vân Đại đều bị bắt giam. Riêng Trần Đại Nghĩa được vua Minh Mạng tin tưởng y thuật cao minh vì đã đoán đúng bệnh và dự báo đúng về cái chết của vua Gia Long nên ban thưởng rất hậu. Nhà vua còn bổ ông làm ở Thái y viện, nhưng ông viện lý do phải nuôi mẹ già nên xin về quê. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm y học nổi tiếng như: Thiên quốc âm y thư, La Khê y học...
Nhà nghiên cứu Trần Anh Vinh, cháu ngoại của quan ngự y Nguyễn Bá Chước và thứ phi Lưu Ngân - Ảnh: B.N.L
Xin được lấy thứ phi
Dưới thời vua Đồng Khánh trị vì từ 1885 - 1889 có một vị ngự y rất tài giỏi, từng làm quan ngự y dưới thời vua Thành Thái được ban danh vị Hàn lâm viện đãi chiếu. Đó là quan ngự y Nguyễn Bá Khánh (sau vì kỵ húy cùng tên với vua Đồng Khánh mà đổi tên thành Nguyễn Bá Chước). Ông Chước đỗ Tú tài năm Tự Đức thứ 30 (1876) và là một thầy thuốc đông y rất nổi tiếng thời bấy giờ nên được vua mời về làm ngự y.
Nhà nghiên cứu Trần Anh Vinh (TP.Huế), người chuyên nghiên cứu về Phan Bội Châu, là tác giả cuốn Vẫn còn tìm thấy những dòng thơ của ông già Bến Ngự (NXB Thuận Hóa, 2012) chính là cháu ngoại của quan ngự y Nguyễn Bá Chước.
Gia đình nhà nghiên cứu Trần Anh Vinh kể lại rằng vua Đồng Khánh có một bà thứ phi tên Lưu Ngân. Bà được tuyển vào cung năm 14 tuổi, nhưng không có con với vua. Đến năm bà 17 tuổi thì vua Đồng Khánh mất. Thấy quan ngự y có nhiều công lao trong việc chữa bệnh cho vua nên khi sức khỏe đã yếu và tự thấy mình không sống được bao lâu, vua Đồng Khánh đã cho mời quan ngự y Nguyễn Bá Chước đến và hỏi: “Ngươi rất có công với triều đình, từng chữa khỏi bệnh thương hàn cho ta. Trước khi mất, ta muốn ban thưởng cho ngươi vì những công lao đó. Ngươi muốn gì thì cứ tâu”. Vị quan ngự y rụt rè không dám nói. Nhà vua gặng hỏi, vị quan ngự y mới dám ngập ngừng tâu: “Hạ quan có một mong ước, nhưng nếu đức vua tha tội chết thì mới dám nói”. Vua gật đầu. Vị quan ngự tâu: “Hạ quan không xin bất cứ vàng bạc, bổng lộc gì khác, chỉ xin nhà vua ban cho bà thứ phi Lưu Ngân về làm vợ". Nhà vua đã chấp nhận thỉnh cầu này. Sau khi chịu tang vua xong, bà Lưu Ngân được quan ngự y Nguyễn Bá Chước đón về làm vợ và đã sinh cho ông 20 người con.
Trong số 20 người con ấy, người con gái thứ 7 là bà Nguyễn Thị Đệ đã trở thành vợ ông nghè Trần Viết Lượng, nguyên là Ngự tiền văn phòng dưới thời vua Bảo Đại. Sau ông Lượng tham gia Việt Minh, rồi làm Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nghiên cứu Trần Anh Vinh chính là con của ông Trần Viết Lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.