Câu chuyện phi công đầy cảm xúc trong 'Giai điệu tự hào tháng 6'

26/06/2016 10:59 GMT+7

Trong Giai điệu tự hào tháng 6 - Những trang viết còn lại, câu chuyện của người lính phi công đã mang lại nhiều cảm xúc, để dẫn dắt cho toàn bộ chương trình.

"Hà Tây quê lụa" không phải bài hát hay nhất trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 6 - Những trang viết còn lại. Thậm chí, nó còn là bài hát thể hiện rõ nhất sự chênh lệch giữa thần thái, sức vóc của giọng ca xưa - giọng ca nay. Ở nhiều đoạn, ca sĩ trẻ Đông Hùng đã dường như chỉ “hát lót” cho “người tiền nhiệm” Quốc Hưng. Nhưng bất chấp tất cả những điều đó, câu chuyện xung quanh bài ca ấy, lại trọn vẹn cảm xúc nhất trong toàn bộ chương trình. Nó chia sẻ những bí mật của cuộc chiến, một cách lạc quan nhất, lính nhất, nhưng cũng để người hậu phương dễ hiểu nhất.
ca-si-Dong-Hung
Đông Hùng với bài Hà Tây quê lụa BTC cung cấp
Đó chính là câu chuyện của thiếu tướng không quân Phạm Phú Thái về ngày nhiệm vụ hồi 1968, khi ông cùng đồng đội được Sở chỉ huy giao nhiệm vụ đặc biệt: bay diễu binh và thị uy ở khu vực Hà Nội. “Lúc đó, nhiều anh em có người yêu, có vợ ở Hà Nội. Không quân Mỹ vẫn tuyên truyền đã đánh kiệt quệ không quân Bắc Việt nên biên đội phải bay để báo cáo với nhân dân Thủ đô. Chúng tôi được dặn là bay thấp thấp một tí ở khu vực ngoại giao đoàn”, ông nhớ lại. Và từ chính nhiệm vụ chiến đấu đó, được bay tốc độ chậm hơn khi đánh trận, câu hát “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc” có lý do để ra đời. Một “bí mật quân sự” đi vào nhạc và thơ. Để tự hào. Nó cũng giải thích được thêm sự lạc quan trong những bài hát khác…
Những câu chuyện khác được chia sẻ trong Giai điệu tự hào tháng 6 cũng làm người xem rưng rưng. Một thanh niên chứng kiến người mình yêu đã từng yêu một người lính như thế nào. Và anh càng tin vào lựa chọn của mình hơn vì “người con gái đã tôn trọng tình yêu như thế thì nhất định sẽ là người vợ tuyệt vời”. Một người vợ nói về những bức thư gửi về từ chiến trận chỉ bé bằng ba ngón tay, xé vội giấy để viết khi gặp quân bưu. Rồi trong chương trình, chị được nhận lại cuốn nhật ký của chồng…
"Du kích sông Thao" tuy là bản phối mới, màu sắc anh hùng ca vẫn chưa quá khác biệt so với những gì công chúng từng nghe trong quá khứ. "Cuộc đời vẫn đẹp sao" được chia thành hai đoạn với đoạn kết accapella như cách để ký ức lên tiếng. Kỷ niệm thành phố tuổi thơ được hát bằng sự xao xuyến của những người Hà Nội hát bài hát về Hà Nội. Ở cảm xúc đó, người xem dễ hiểu được vì sao, những ngày Vị Xuyên, người lính có thể nghe bài hát rồi yên tâm để đồng đội kéo vải phủ mặt mình bất cứ lúc nào. Bài hát cũng gắn với nỗi nhớ của những lưu học sinh khi đó, học để kiến thiết đất nước. Bản acoustic "Tình ca Tây Bắc" rất trẻ với sự thống nhất phong cách từ trước tới nay của chính ca sĩ biểu diễn. Nhưng để khác nhất, phải nói đến "Bước chân trên dải Trường Sơn". Cảm giác, như bài hát đã được thêm một lần nữa tái sinh, và để hát ở… sân vận động. Với những nét gằn của rock, nó đã khác xa với ngày khó khăn chỉ được hát với accordeon năm nào.
Ban-nhac-nam-dong-ke
Ban nhạc Năm dòng kẻ hát Kỷ niệm thành phố tuổi thơ Ảnh BTC cung cấp
Giai điệu tự hào tháng này cũng có những nét duyên thú vị khi kể đan xen những câu chuyện chung, chuyện riêng. Chuyện của đất nước được ghép lại bằng rất nhiều tâm sự của người lính, của cựu du học sinh. Như thế, hình dung lịch sử về bài hát rõ hơn.
Tuy nhiên Hội đồng nghệ thuật và người dẫn chương trình có lẽ là điểm ít thu hút nhất. Bất chấp nhiều câu chuyện lịch sử hay mà hội đồng chia sẻ, dường như đã không có “ông ác”. Điều đó khiến chương trình thiếu đi nét phản biện cần có. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.