Ðó là một trong những "trải nghiệm" của thí sinh tham gia chương trình truyền hình thực tế Bạn đường hợp ý, sẽ phát sóng số đầu tiên vào 22g ngày 30-12 trên kênh HTV7. Tham gia chương trình, những người khách nước ngoài đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã hào hứng với hành trình khám phá văn hóa, con người Việt Nam. Và không chỉ có Bạn đường hợp ý, trước đó các chương trình như Expat Living, Việt Nam trong tim tôi đã từng bước đưa khán giả nước ngoài lẫn khán giả Việt Nam "chạm" vào văn hóa Việt.
|
Yêu Việt Nam từ những điều bình dị
Nhà thiết kế người Tây Ban Nha Nacho Navarro - người tham gia Bạn đường hợp ý số đầu tiên - chia sẻ: "Tôi đã từng đến Việt Nam, sống tại Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy mình hiểu về Việt Nam nhiều đến thế dù chỉ sau sáu ngày tham gia hành trình. Tôi nhớ cảm giác khi đứng giữa đồi chè bát ngát ở Bảo Lộc, mùi lá chè tươi và màu xanh non ánh lên trong nắng sớm. Tôi cũng được mặc trang phục người dân tộc Châu Mạ, được múa điệu múa của họ và kết nghĩa với già làng KraJan K’pLin. Tôi thích Việt Nam ở những điều nho nhỏ như vậy. Nhưng thú vị hơn hết là 10 từ tiếng Châu Mạ mà tôi được học từ các em bé ở Dambri, Bảo Lộc, tôi đã ghi lại trong sổ tay và nhất định sẽ trở lại gặp các em".
Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về phong tục tập quán để cùng bạn đồng hành thực hiện các nhiệm vụ do chương trình giao, siêu mẫu người Nhật Bản Chikako Watanabe nói: "Tôi đã đến chùa cổ Long Sơn ở Vũng Tàu để khám phá ngôi chùa đặc biệt này, sau đó tôi đến xưởng đóng tàu Ba Thăm ở thị xã La Gi (Hàm Tân, Bình Thuận) và làm công việc "xảm" tàu... Ban đầu tôi chưa quen lắm với thời tiết và cách đi lại ở Việt Nam nên thấy hơi khó khăn. Nhưng về sau thì tốt dần lên". Cô gái xinh đẹp sinh năm 1985 này bày tỏ: "Trước khi đến Việt Nam tôi nghĩ hơi khác, nhưng bây giờ tôi thật sự thích đất nước của các bạn, chắc chắn tôi sẽ mời bạn bè đến du lịch Việt Nam để biết những điều như tôi đã biết và nhiều điều khác nữa".
Cũng như Navarro, Watanabe, đạo diễn - diễn viên Aaron Toronto, phóng viên William Naythongs, Melissa (Mỹ), cô bạn Aditi (Canada) tham gia ghi hình chương trình Bạn đường hợp ý đều bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam và nhận xét rằng việc tham gia một chương trình truyền hình thực tế như thế đã giúp họ có cơ hội "chạm" vào văn hóa, con người Việt Nam một cách dễ chịu nhất, nhưng thông tin mà họ thu nhận được cũng không hề ít ỏi.
Những "đại sứ" tình nguyện
|
Khác với Bạn đường hợp ý, hai chương trình Expat Living (tạm dịch: Cuộc sống của người nước ngoài) và Việt Nam trong tim tôi (Tuổi Trẻ ngày 11-8) lại chú trọng vào việc khắc họa chân dung những người nước ngoài đã sống và làm việc tại Việt Nam, giới thiệu về tình yêu Việt Nam và những điều họ đã để lại dấu ấn của mình với tư cách là những "đại sứ" tình nguyện cho văn hóa Việt.
Expat Living được phát sóng đã bốn năm trên kênh VTV4 và được nhiều khán giả yêu thích vì những câu chuyện thú vị. Ðiểm tập trung nhất của Expat Living là khai thác khía cạnh văn hóa Việt Nam qua con mắt của các vị khách. Bên cạnh đó, Expat Living cũng nói đến các vấn đề xã hội như: các tổ chức quốc tế giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, cuộc thi giảm cân của người nước ngoài..., hay những cơ hội nghề nghiệp như làm người mẫu, làm giảng viên thời trang ở Việt Nam.
30 phút mỗi ngày với hai chuyên mục mới là Vietnam at a glance (Việt Nam một góc nhìn) và Time out (Gợi ý cho bạn), Expat Living đã đem lại nhiều điều mới mẻ cho khán giả. Vietnam at a glance là phóng sự ngắn phản ánh một nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, Còn Time out gợi ý về những địa điểm và sự kiện mà khán giả có thể tự trải nghiệm để tận hưởng cuộc sống giàu màu sắc tại Việt Nam.
Sa Pa, Sơn Ðoòng, Khâu Vai - Hà Giang, Hòa Bình..., những địa điểm nổi tiếng của Việt Nam được thể hiện qua mắt các vị khách nước ngoài một cách khác biệt. Hình ảnh Lonan O’Brian - chàng trai Ireland thổi sáo Mông giữa mây trời Hà Giang, cảnh tượng anh chàng người Mỹ James Bird trong trang phục cao bồi của quê hương Alaska ngân nga giai điệu của bài Xòe Thái bên đàn bầu của Việt Nam... cùng rất nhiều hình ảnh tương tự đã để lại ấn tượng đặc biệt với khán giả.
Những vị khách ấy đã trở thành các "đại sứ" tình nguyện quảng bá cho Việt Nam và khiến khán giả Việt Nam không khỏi trân trọng tình cảm ấy.
"Sức mạnh mềm" hay ngoại giao văn hóa là những khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời kỹ thuật số ngày nay, khi mà khoảng cách địa lý không còn là rào cản giữa con người của các quốc gia trên thế giới nữa. Những chương trình như Bạn đường hợp ý, Expat Living hay Việt Nam trong tim tôi đã thật sự trở thành nhịp cầu văn hóa để nối những tâm hồn đồng điệu trong một tình yêu Việt Nam.
Theo Hồng Hạnh / Tuổi Trẻ
>> Ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam-Campuchia năm 2012
>> Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 2
>> Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản 2012
Bình luận (0)