Hai chữ Sơn Đoòng đã nổi tiếng khắp 5 châu bởi đây là tên của hang động lớn nhất thế giới với sự hùng vĩ và kỳ thú độc đáo tại Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Ai cũng muốn một lần được đặt chân lên Sơn Đoòng, được khám phá, chinh phục nó. Đầu năm 2016, tôi may mắn chạm được ước mơ và trở thành nhà báo Việt Nam đầu tiên vượt qua “bức tường Việt Nam” để "xuyên thủng" Sơn Đoòng...
Đêm đầu tiên trong hành trình chinh phục Sơn Đoòng, đoàn chúng tôi ngủ lại trong hang Én. Đây cũng là một kỳ quan thiên nhiên và được đánh giá là hang động lớn thứ 3 thế giới.
Cảnh đẹp ở khu cắm trại trong hang Én nhìn từ trên cao
|
Giấc mơ thành hiện thực
Nhiều năm trôi qua, cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in đó là một ngày gần cuối tháng 9.2009, tại hội trường UBND tỉnh Quảng Bình, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh dõng dạc tuyên bố phát hiện hang động lớn nhất thế giới nằm trong hoang mạc đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng và được đặt tên là Sơn Đoòng. Khi đó, nhà thám hiểm hàng đầu Howard Limbert có nói hang động chứa đựng nhiều nguy hiểm và khuyến cáo mọi người không tự tổ chức hoạt động du lịch đến đó. Cùng với quãng đường xa, gian truân nên chẳng ai nghĩ đến chuyện sẽ xách ba lô lên tìm đến Sơn Đoòng. Bẵng đi một thời gian khá dài, Công ty Oxalis được phép tổ chức tour thử nghiệm khám phá Sơn Đoòng. Thử nghiệm thành công, họ được cấp phép chính thức.
Cánh cửa Sơn Đoòng dần mở ra, nhưng nhiều người chưa chạm tới được bởi đây không phải tour đại trà, mỗi tour chỉ tối đa 10 khách và mức giá lên đến 66 triệu đồng/người cho nhiều khoản tốn kém. Đặc biệt đây là tour mạo hiểm với độ khó rất cao, nhiều khách phải quay về giữa đường đi. Rồi việc đặt chỗ cũng phải xếp hàng vì số lượng người đăng ký đi quá nhiều.
Tôi cũng đăng ký và chờ đợi. May mắn đến vào một ngày giữa tháng 1.2016 khi người của Oxalis thông báo tôi chuẩn bị để lên đường. Cảm giác lúc đó thật sung sướng xen lẫn lo lắng. Tôi nhanh chóng gác lại các kế hoạch khác bởi cơ hội đến với Sơn Đoòng không nhiều.
Đoàn chuẩn bị đồ đạc để lên đường chinh phục Sơn Đoòng
Trời vừa sáng, tôi đã có mặt ở đại bản doanh của Oxalis tại Phong Nha, sau đó được nhân viên của Oxalis hướng dẫn, phổ biến thông tin, phát giày, mũ bảo hộ chuyên dụng leo núi, 2 túi bóng nilong, túi bảo hộ để đựng áo quần, tư trang, các thiết bị mang theo như điện thoại di động, máy ảnh. Cái gì nhẹ và muốn mang theo người thì mang, như máy ảnh, chân máy, điện thoại, còn tư trang áo quần cho vào túi riêng để các porter (nhân viên khuân vác) mang và sẽ được trả lại tại mỗi điểm cắm trại trong hang. Trong lúc đó, bộ phận hậu cần và các porter cẩn thận đóng gùi hành lý, dụng cụ nấu nướng, lương thực thực phẩm phục vụ khách và để ăn uống ngủ nghỉ trong suốt hành trình.
Khi mọi thứ xong xuôi, xe của Oxalis chở đoàn trực chỉ hướng đường 20 - Quyết Thắng xuất phát, đến ngã tư Trạ Ang thì rẽ theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây chạy khoảng 45 phút thì dừng xe. Đây chính là điểm khởi đầu hành trình đi bộ xuyên rừng đến với Sơn Đoòng, tại đây có nhà chờ tập kết. Một lần nữa, các chuyên gia người Anh và hướng dẫn viên của Oxalis kiểm tra lại tư trang của mọi người kèm những lời dặn dò.
Nhiều đoạn đi dọc theo các con suối
Khởi hành
Đoàn chúng tôi xuất phát theo lối mòn nhỏ, chỉ mấy bước chân người đi trước đã khuất sau lùm cây rậm rạp, đứng ở nhà chờ nhìn xuống chẳng thấy bóng dáng đâu. Cứ thế chúng tôi nối chân nhau đổ dốc chừng vài chục phút lại lên dốc, lúc này những bước chân bắt đầu thấm mệt. Tới một con dốc khá cao, người gọi dốc Bà Giằng, người nói Ba Giàn, đất thì chỗ trơn trượt, chỗ lại lởm chởm đá, phải nhích kê từng bước chân, không cẩn thận là trượt xuống vực như chơi. Trời mưa lại nhiều đoạn đường đất nên tôi phải đối mặt với thử thách không nhỏ khác là bầy vắt ngo ngoe chực chờ bám hút máu người. Lên hết dốc này, đổ dốc xuống mất khoảng 1 giờ đồng hồ thì bắt đầu men theo các triền suối; đoạn này xuất hiện loài cây Nàng Hai, nếu không may dính vào sẽ bị ngứa ở bề mặt da kéo dài cả tuần lễ mà không cách gì chữa trị.
Nhiều con suối nước ngập qua đầu gối
Qua một đoạn suối cạn khô thì cửa hang Én hiện ra ở phía trước
Đi hơn tiếng rưỡi đồng hồ, tôi đến bản Đoòng, bản của người dân tộc Vân Kiều sống co cụm biệt lập giữa rừng. Ngồi đây nghỉ ngơi, trò chuyện tìm hiểu văn hóa dân bản ít phút, đoàn lại lên đường đi sâu vào trong. Chúng tôi theo các triền suối, băng qua rất nhiều con suối, nhiều đoạn sâu hơn đầu gối và nước chảy xiết. Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, đoàn đi thêm khoảng 2 giờ đồng hồ nữa thì chạm cửa hang Én, được xác định hang lớn thứ 3 trên thế giới. Đây là nơi cư trú của hàng vạn con chim én.
Từ cách xa mấy trăm mét đã thấy cửa hang Én lớn treo ở trên cao nhưng đó như là cửa sổ của hang, chúng tôi phải đi vòng sang bên phải luồn lách qua mấy con suối sâu và vách đá để đến cửa vào hang nằm thấp xuống phía dưới. Cửa này nhìn từ trong ra có cảm giác gần như hốc mũi với 2 lỗ 2 bên và có sống ở giữa. Đoàn vào ngay cửa hang tập trung nghỉ ngơi, đợi những người đi sau và đội mũ bảo hiểm, thử đèn bắt đầu hành trình trong hang tối. Từ cửa hang, chúng tôi leo qua mấy hốc đá mất chừng 10 phút thì đến vòm hang rộng lớn, nơi chúng tôi đứng là những mỏm đá ở lưng chừng hang, nhìn ra phía xa, nền hang ở dưới là bãi cát và đá nhỏ bằng phẳng, bên cạnh có suối nước xanh. Cái cửa hang trên cao mà chúng tôi gọi là cửa sổ đang tỏa ánh sáng xuống khu bãi cát. Đứng trên các mỏm đá nhìn xuống bãi cát khung cảnh thật hữu tình, thơ mộng; ai cũng vội lấy máy ảnh, điện thoại di động ra để ghi lại những hình ảnh độc đáo đó.
Lối vào hang Én
Trước khi bắt đầu hành trình trong hang, các thành viên phải đội mũ bảo hiểm
Ngắm cảnh xong, chúng tôi bám theo các khối đá xuống phía dưới rồi lội qua suối, chỗ nước sâu được bắc cái cầu tạm. Bên kia suối là bãi cát hay còn gọi bãi cắm trại. Tại đây, các porter bắt đầu dựng lều ngủ và chuẩn bị bữa tối cho đoàn. Còn du khách ai muốn ngắm cảnh, chụp ảnh, dạo bãi cát hay tắm suối tùy ý thích; nước suối trong sạch và chảy êm đềm nên tha hồ bơi lội. Trước khi tắm, tôi không quên nằm dài trên bãi cát, mắt nhìn trần hang (cao hơn 100 m) thả hồn tưởng tượng.
Khi ánh sáng qua cửa sổ hang mờ nhạt dần cũng là lúc chúng tôi bắt đầu dùng bữa tối, mọi người cùng ăn dưới ánh đèn pin đủ độ sáng và nhìn trời tối dần qua cửa sổ, lòng hang lúc này tối om. Sau bữa tối, những ai yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh tiếp tục cầm máy để ghi lại những khoảnh khắc hiếm có trong hang; dưới ánh sáng yếu, sử dụng kèm đèn pin chiếu 2 đầu và để chế độ phơi sáng thì nước suối ở chỗ này càng xanh ngắt hơn.
Ngồi trò chuyện với các porter bên bếp lửa hồng cũng thú vị không kém, nhờ đó tôi biết nhiều hơn về đời sống, hoàn cảnh của họ. Xong những câu chuyện rôm rả, chúng tôi về lều nghỉ ngơi sau một ngày băng rừng lội suối lấy sức cho hành trình khó khăn ngày mai. Cảm giác lần đầu ngủ trong hang tối, lại ở trong lều rất khác lạ, thú vị và tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Các porter chuẩn bị bữa tối trong hang Én
|
Một đoàn khách ăn tối trong hang
|
Điểm cắm trại ngủ qua đêm đầu tiên ở hang Én
|
Khung cảnh huyền ảo trong hang Én
|
Xuyên bóng tối trong hang Én để tiếp tục hành trình
|
Cửa sau rộng lớn của hang Én, từ đây đoàn tiếp tục đi sâu vào trong để chinh phục Sơn Đoòng
|
Bình luận (0)