Cổ vật kỳ sự: Tượng Quan Âm tống tử cực quý hiếm

28/05/2016 08:45 GMT+7

Bức tượng mô phỏng đức Bồ Tát ngồi trên tòa sen hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan Âm , trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi.

Với chất liệu bạch ngọc nguyên khối, bức tượng Quan Âm tống tử - đang được Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (chùa Quán Thế Âm, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) cất giữ và trưng bày - được các nhà nghiên cứu đánh giá là xứng đáng liệt vào hàng quốc bảo. Đây là cổ vật được cho là có giá trị lớn nhất của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo.
Cổ vật kỳ sự: Tượng Quan Âm tống tử cực quý hiếmẢnh: Hoàng Sơn
Nguồn gốc từ chốn hoàng cung?
Theo Hội đồng Giám định khoa học Bảo tàng Đà Nẵng, tượng Quan Âm tống tử cao 29 cm, rộng 16,5 cm, được tạc từ khối bạch ngọc nặng khoảng 5 kg. Bức tượng mô phỏng đức Bồ Tát ngồi trên tòa sen hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan Âm, trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi. Y pháp Quan Âm có nhiều nếp gấp, diềm y có trang trí hoa, cổ đeo dây An Lạc.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, khi nhắc đến bức tượng này đã thốt lên: “Quá quý hiếm”. Bởi theo ông Thiện, tượng không chỉ có giá trị lớn về mặt chất liệu mà còn cho thấy nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, nhất là điêu khắc trên bạch ngọc.
TS Nguyễn Đình Chiến, Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ VH-TT-DL), cho biết thêm khi trực tiếp quan sát bức tượng này, ông nhận thấy trên bức tượng có biểu hiện thếp vàng nhưng đã mờ nhạt dấu vết theo thời gian. “Tượng bằng bạch ngọc, lại được thếp vàng, rất quý. Bức tượng đã nêu có niên đại thuộc thế kỷ 19”, ông Chiến nói. Theo các nhà chuyên môn, tượng Quan Âm tống tử thường được làm bằng các chất liệu gỗ, đồng... để thể hiện sự bao dung, gần gũi của Đức Phật với người dân. Mặt khác, chất liệu bạch ngọc cực kỳ quý hiếm, nên có thể nhận định bức tượng không xuất phát từ dân gian mà phải có nguồn gốc từ chốn hoàng cung. Còn theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, qua tìm hiểu lịch sử, các nhà nghiên cứu cho biết, dưới thời nhà Nguyễn, người dân đã tìm thấy bạch ngọc ở vùng núi Hòa Điền (Quảng Nam). Sau đó, người dân dâng khối ngọc này để vua làm ngọc tỉ vào năm 1835. “Có thể một phần vua cho tạc ngọc tỉ, một phần vua sai làm tượng Phật để cầu an”, ông Thiện nhận định.
Là một người tiếp xúc với nhiều cổ vật nhưng chưa bao giờ ông Thiện được sờ tận tay một cổ vật đặc biệt quý hiếm như bức tượng này. Ông Thiện cho biết, chỉ đến khi Bảo tàng Đà Nẵng trò chuyện với các sư thầy tại chùa Quán Thế Âm, ông mới ngỡ ngàng về giá trị của bức tượng. Có quan điểm cho rằng, bạch ngọc chỉ có ở Trung Quốc và du nhập vào VN. “Nhưng với sự xuất hiện của bức tượng cùng những cứ liệu lịch sử thực tế đã minh chứng VN có bạch ngọc”, ông Thiện nói thêm. TS Nguyễn Đình Chiến cho biết: “Khi so sánh với những bộ sưu tập đồ ngọc của hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tôi thấy loại đá ngọc làm nên bức tượng cực kỳ tinh mỹ”.
Từ đáy giếng hoàng thành đến cửa chùa
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho biết trong kinh Phổ Môn có nhắc đến việc thờ tượng Quan Âm tống tử để cầu con. Người nào mong con thì phát tâm cầu nguyện, lễ bái cúng dường Quan Thế Âm Bồ Tát. “Trong bộ kinh có câu cầu con trai là Thiện sanh phước đức trí huệ chi nam với ước mong có được đứa con trai phước đức, trí tuệ và sức lực. Còn Thiết dục cầu nữ thiện sanh đoan chánh, hữu tướng chi nữ, tức là cầu sinh được con gái với đầy đủ nữ tướng thùy mị, đoan trang, chánh trực”, thượng tọa nói. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, tượng bạch ngọc Quan Âm tống tử chính là do các phi tần hoàng cung triều Nguyễn thờ tự với mong muốn có được hoàng tử. “Bởi ở chốn cung đình, người có con trai với vua ắt hẳn vị trí của chính bản thân người đó cũng sẽ khác. Thời cuộc thay đổi, bức tượng lưu lạc rồi duyên may đến với nhà chùa”, ông Thiện nói.
Cho đến ngày được tìm thấy, bức tượng Quan Âm tống tử đã trải qua một thời gian dài nằm dưới đáy giếng sâu ở Hoàng thành Huế. Câu chuyện này được nhiều đời trụ trì chùa Quán Thế Âm lưu giữ và truyền lại cho các sư sãi tu hành tại chùa. Thượng tọa Thích Huệ Vinh được sư thầy trụ trì tiền nhiệm kể lại rằng, sau khi đất nước giải phóng, một số người dân khi vét giếng trong khu Đại nội Huế đã tình cờ phát hiện bức tượng nằm dưới lớp bùn đất. Sau đó, bức tượng đến tay một người phụ nữ. “Trước khi người này ra nước ngoài định cư, bà đã tìm đến chùa chúng tôi để hiến tặng bức tượng này. Kể từ đó, các sư thầy cất giữ cẩn thận trong kho cho đến ngày thành lập bảo tàng mới đem ra giới thiệu công chúng”, sư thầy cho biết. Về nguyên nhân khiến bức tượng lưu lạc, thượng tọa Thích Huệ Vinh cho rằng, khi chiến tranh xảy ra, trên đường chạy loạn, rất có thể bức tượng đã được người của hoàng cung đặt xuống giếng sâu để tránh sự tàn phá và truy cướp.
Theo hòa thượng Thích Huệ Hưng, người tu hành lâu năm tại chùa Quán Thế Âm, mặc dù bức tượng có ý nghĩa cầu con nhưng nhà chùa trưng bày bức tượng trong bảo tàng để quảng bá văn hóa Phật giáo chứ không nhằm mục đích tâm linh. Còn theo thượng tọa Thích Huệ Vinh, với những giá trị độc đáo, các chuyên gia đã khuyến khích nhà chùa nên đăng ký bức tượng thành bảo vật quốc gia. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cũng cho rằng, tượng Quan Âm tống tử xứng đáng là một bảo vật quốc gia và cho biết, sẽ cùng nhà chùa và các chuyên gia thẩm định để lập hồ sơ đề nghị công nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.