'Hãng phim nhà nước không khác gì đứa trẻ to xác'

22/04/2016 08:00 GMT+7

Đây là nhận định được đưa ra trong buổi tọa đàm Nhìn lại sáng tác điện ảnh 2015, do Hội Điện ảnh VN tổ chức trong khuôn khổ giải thưởng Cánh diều 2015 diễn ra tại Hà Nội hôm qua 21.4.

Đây là nhận định được đưa ra trong buổi tọa đàm Nhìn lại sáng tác điện ảnh 2015, do Hội Điện ảnh VN tổ chức trong khuôn khổ giải thưởng Cánh diều 2015 diễn ra tại Hà Nội hôm qua 21.4.

Phim 'Trúng số' đoạt giải Cánh diều vàng 2015 - Ảnh: Đoàn phim cung cấpPhim 'Trúng số' đoạt giải Cánh diều vàng 2015 - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Năm 2016, nhà nước không cấp tiền làm phim
“Cuối năm 2015, chúng ta bị “ách” về kinh phí làm phim. Năm 2016, nhà nước sẽ không cấp tiền làm phim”, thông tin được bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - đưa ra có thể khiến nhiều hãng phim nhà nước thảng thốt. Nguyên nhân của việc này, theo lý giải của bà Lan, là do: “Không có thông tư đấu thầu thì Bộ Tài chính không cấp tiền làm phim”. Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ ngày 1.1.2007) quy định, phim do nhà nước đặt hàng phải thông qua hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, trong suốt gần 10 năm qua, Cục Điện ảnh đã nhiều lần xây dựng thông tư hướng dẫn đấu thầu nhưng mãi không xong. “Chúng tôi xây dựng thông tư, đưa ra nhiều phương án đấu thầu nhưng không thành công và gặp nhiều khó khăn”, bà Lan cho biết. Hiện Cục đang chờ ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thống nhất đưa ra hình thức khác thay cho đấu thầu.
Bà Ngô Phương Lan cho hay, sau khi các hãng phim nhà nước được cổ phần hóa, cơ chế đặt hàng tác phẩm sẽ không phân biệt hãng phim, hay đạo diễn, miễn là dự án đó đúng định hướng, ngoài ra các hãng phim được đặt hàng phải có năng lực phát hành. Năm ngoái, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - cái bắt tay giữa Cục Điện ảnh và một hãng phim tư nhân - đã tạo nên hiện tượng phòng vé khi thu về khoảng 80 tỉ đồng doanh thu. Lần đầu tiên, một bộ phim được nhà nước đặt hàng có thể đem lại lợi nhuận lớn đến vậy. “Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Hãng phim Thiên Ngân phát hành mới được doanh thu như thế. Nói xin lỗi phim này mà rơi vào Hãng phim truyện VN thì không thể được như vậy” - bà Cục trưởng Cục Điện ảnh nhìn nhận.

Trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều 2015

Lễ trao giải thưởng (đạo diễn: NSND Trịnh Lê Văn) sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 20.4 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2.
Phim nhà nước là tiền thuế của dân
Theo “luật chơi” mới, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh tới năng lực phát hành của các hãng phim. Vậy nhưng, trong suốt hàng chục năm và ngay đến tận bây giờ, năng lực này của các hãng phim nhà nước vẫn chỉ là con số 0. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Phó giám đốc Hãng phim truyện VN - đau lòng thừa nhận: “Hãng phim nhà nước không khác gì đứa trẻ to xác, lẫm chẫm trên con đường điện ảnh”.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện nay VN có khoảng 450 phòng chiếu, trong khi các nhà phát hành Hàn Quốc đã giữ khoảng 220 phòng chiếu, tương đương 50%. Còn các hãng phát hành tư nhân lớn của VN là Thiên Ngân và BHD chỉ có 43 phòng chiếu, Công ty Bạch Kim có 34 phòng chiếu. Phòng chiếu phim của nhà nước lên tới 98 phòng trên khắp cả nước, nhưng trừ Trung tâm chiếu phim quốc gia, rạp Kim Đồng (Hà Nội) và một vài rạp tại TP.HCM đã được cổ phần, hầu hết đều không hoạt động đúng nghĩa.
Tuy nhiên, có một thực tế, không chỉ hãng phim nhà nước mà hãng phim tư nhân cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn giữa bối cảnh các hãng phát hành nước ngoài đang thống trị hệ thống rạp chiếu. Tham gia sản xuất phim, diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ, phim do tư nhân sản xuất gặp khó bởi có khi các hãng phát hành nước ngoài này không bắt tay với nhau, hay với các nhà phát hành trong nước. “Thậm chí, có phim của hãng trong nước sản xuất như Siêu trộm bị “vô hiệu hóa” ở rạp chiếu của nhà phát hành nước ngoài. Trước kia nhà sản xuất chi từ 10 - 30% kinh phí sản xuất cho truyền thông, phát hành, nhưng hiện nay có khi người ta chi tới 50% cho việc này”, diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ.
Bên cạnh việc phát hành, chất lượng phim Việt vẫn là điểm mấu chốt cần được nhìn nhận. “Nhiều phim do các hãng phim tư nhân làm thường “copy” (sao chép) kịch bản phần nào từ Hollywood hay Hàn Quốc, không có cuộc sống, con người VN trong đó”, đạo diễn Nhuệ Giang bày tỏ. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng thẳng thắn: “Nhiều bộ phim giải trí của các hãng phim tư nhân hấp dẫn, kịch tính, do người tay nghề cao thực hiện dù không ít phim có kịch bản cóp nhặt ở phim này, phim kia. Trong khi, các bộ phim nhà nước đặt hàng không phải phim nghệ thuật, nhưng cũng chẳng thu hút được khán giả. Bởi phim được làm theo cách cũ. Tôi thấy nhiều đạo diễn, trong đó có cả đạo diễn trẻ cũng làm theo cách rất cũ. Trong đợt trao giải Cánh diều vừa rồi, có những bộ phim khiến ông trưởng ban giám khảo rưng rưng, còn tôi chẳng thấy xúc động mấy. Tôi nghĩ phim nhà nước đặt hàng thế nào thì các nhà làm phim cũng phải cố gắng làm mới, mới cả về tư tưởng”.
“Đã có khi nào chúng ta cùng ngồi lại để phân tích vì sao bộ phim Sống cùng lịch sử lại bị “ném đá” nhiều như thế, hay vì sao Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại được đón nhận như vậy. Điện ảnh cần công chúng, và các nhà làm phim phải biết công chúng muốn gì”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ. Còn đạo diễn Nguyễn Minh Trí nhấn mạnh: “Các nhà làm phim cần thấy có trách nhiệm khi cầm tiền nhà nước làm phim. Đó là tiền thuế của dân cả. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với khán giả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.