(TNO) Mặt hồ lạ có lẽ đã làm đàn thiên nga ballet khó hơn để giữ đường bay đẹp như nó hằng thế cả vài trăm năm qua.
Các vũ công trong trong Hồ Thiên Nga biểu diễn ở Việt Nam - Ảnh: Xuân Bình
|
Cuối cùng thì ngày của khao khát Hồ Thiên Nga đã đến. Sẽ có nhiều người không toại nguyện bởi danh sách chờ ở mục vé hợp túi tiền của họ đã quá dài. Dài đến mức, nhà tổ chức buổi diễn cũng cảm thấy xốn xang đến gần như có lỗi vì không thể đáp ứng nổi.
Với bản Hồ Thiên Nga này, ngay từ đầu tất cả đều biết đàn thiên nga sẽ bay trên một mặt hồ lạ, khác với cách nhà hát Bolshoi đã làm. Một sân khấu khác. Một nền nhạc an toàn vì chi phí không cho phép. Thậm chí, cả một cái kết hân hoan khác, như thể Waldisney đã cho nàng tiên cá kết duyên với hoàng tử mà phản bội lại Andersen. Nhưng khao khát xem sự trở về của đàn thiên nga thì vẫn vậy. Và dường như, sau tất cả, đó vẫn là điều công chúng thấy hài lòng nhất.
Phần lớn công chúng đặc biệt hài lòng vì những cảnh ballet có đông thật đông thiên nga đều tăm tắp, với đôi chân nhẹ nhịp nhịp, với những cánh tay mềm và cổ gầy diệu vợi. Màn hình điện thoại sáng rực lên khắp khán phòng trong những cảnh đó để quay clip, bất chấp nó có thể làm giảm tập trung của người xung quanh. Lượng điện thoại quay này ít hơn hẳn trong những cảnh múa đôi, múa đơn của hoàng tử, thiên nga đen, thiên nga trắng. Một chỉ báo thẩm mỹ số đông. Trong khi, để trở thành một solist đâu phải đơn giản. Liệu có phải thị hiếu múa đông người, vốn thường xuyên là màn mở màn kết quan trọng trong các chương trình nghệ thuật lớn trong nước đã làm khán giả thành ra như vậy.
Hỉnh ảnh trong Hồ Thiên Nga - Ảnh: Xuân Bình
Hồ Thiên Nga 3D có nhiều điểm trừ nếu so với phiên bản cổ điển. Sân khấu quá nhiều màu, vụn, minh họa, khiến khán giả khó tập trung - Ảnh: Xuân Bình
|
Hồ Thiên Nga 3D có nhiều điểm trừ nếu so với phiên bản cổ điển. Sân khấu quá nhiều màu, vụn, minh họa, khiến khán giả khó tập trung. Hình ảnh được lựa chọn cũng không có điểm nhấn, chỉ là sự minh họa. Nhạc thu sẵn nên cảm xúc khó mà tươi như dàn nhạc sống.
Bất chấp những điều đó, diễn viên, đặc biệt là thiên nga đen và trắng thật quyến rũ. Cả sự mong manh của nỗi đau mong chờ, sự rực rỡ ma quái của cái đẹp đầy âm ưu tính toán đều trọn vẹn. Những cử động chân tay ước lệ gợi đến đôi cánh thiên nga vẫn thơ và dịu dàng.
Không có nhiều tranh cãi quanh buổi diễn, vì cái được và chưa được khá rõ ràng. Công chúng có thể tạm chia thành hai nhóm. Một đã quen với ballet cổ điển thì hoài cổ. Một ít quen thuộc với kinh điển và ước lệ thì thấy bản diễn đẹp, có hình phụ trợ nên dễ hiểu, dễ cảm. Nhưng sức ép của hình dung Hồ Thiên Nga nhà hát Bolshoi thì rất rõ rệt trong những mong chờ, kỳ vọng.
Dễn viên, đặc biệt là thiên nga đen và trắng thật quyến rũ - Ảnh: Xuân Bình
|
Nhưng có lẽ, không nên bắt bản Hồ Thiên Nga 3D của nhà hát Talarium Et Lux phải gánh trên mình sức nặng của ballet Nga. Giám đốc nhà hát chia sẻ với báo chí Việt Nam, điểm mấu chốt cho sự tồn tại của nhà hát là cạnh tranh. Bà cũng cho biết khủng hoảng khán giả ballet tại Nga là có thật. Nói cách khác, sự đối mặt của ballet Nga với thế giới giải trí ngày càng Mỹ sẽ ngày một lớn. Trong cuộc xung đột đó, nhà hát chọn con đường Mỹ hóa một phần, giải trí hóa một phần để văn hóa ballet đến được gần khán giả hơn. Một ứng phó theo kiểu đánh đổi. Một mặt hồ lạ với đàn thiên nga xưa. Lựa chọn mà.
Vì thế, nếu xem vở diễn với tâm thế xem một bản ballet Hồ Thiên Nga đã được toàn cầu hóa, khán giả hóa mà vẫn giữ nền tảng múa cổ điển của diễn viên, thì sẽ thấy vở diễn đáng yêu hơn nhiều. Nó giống như chính Giám đốc nhà hát Talarium Et Lux đã nói với phóng viên, chúng tôi là một cách khác, để ballet gần với khán giả hơn. Còn nhà hát Bolshoi, cũng theo bà, với ballet Nga mãi vẫn là nhà thờ trung tâm.
Ca sĩ Thanh Lam: "Chúng tôi đi xem Hồ Thiên Nga để học"
"Có người cho rằng mang Hồ Thiên Nga về Việt Nam trong mặt bằng thẩm mỹ và thu nhập người dân trong nước còn thấp là một giấc mơ trưởng giả. Giấc mơ trưởng giả của cả nhà tổ chức, nhà tài trợ và khán giả. Nhưng tôi không nghĩ như thế. Chúng ta vẫn nên cảm ơn những người tiêu tốn tiền khán giả có dịp để thưởng thức một vở diễn nổi tiếng như thế. Nếu chúng ta lúc nào cũng nghĩ đất nước còn nghèo, bỏ tiền ra xem thế có quá lố không. Nhưng cuộc sống luôn song hành, vẫn có những nhu cầu thưởng thức nghệ thuật bên cạnh cuộc sống cơm áo bình thường.
Ngay cả nghệ sĩ chúng tôi, nhiều khi đi nước ngoài nhiều song cũng quá bận rộn để có thể xem được những vở diễn như vậy ở nước ngoài. Vì thế xem Hồ Thiên Nga ở Việt Nam cũng là cơ hội cho chính những nghệ sĩ. Khán giả đi xem chỉ để thưởng thức, chúng tôi còn đi xem để học nữa".
|
Bình luận (0)