Ngày thống nhất - Kỳ 4: Nhớ nhà thơ Hữu Đạo

24/04/2015 06:30 GMT+7

Hữu Đạo là nhà thơ tranh đấu nổi tiếng trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ 20. Tôi đã đọc thơ Hữu Đạo in trên một số tạp chí văn nghệ thiên tả ở Sài Gòn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp anh.

Hữu Đạo là nhà thơ tranh đấu nổi tiếng trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ 20. Tôi đã đọc thơ Hữu Đạo in trên một số tạp chí văn nghệ thiên tả ở Sài Gòn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp anh.

Ngày thống nhất - Kỳ 4: Nhớ nhà thơ Hữu ĐạoNhà thơ Chim Trắng (phải) và tác giả bài viết - Ảnh: Tân Huy
Cuộc gặp ở rừng...
Cái đận tôi gặp “nạn” vì bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình, thì tự nhiên, tôi lại được... bạn. Đầu tiên là nhà thơ Chim Trắng - người mà tôi mới chỉ đọc thơ chứ chưa được gặp mặt, cũng chưa quen biết. Anh Chim Trắng đã đi bộ cả ngày trời từ “cứ” Văn nghệ B2 sang Tiểu ban Tuyên truyền binh vận (B6) thăm tôi.
Vừa tạm biệt nhà thơ Chim Trắng thì ít bữa sau, nhà thơ Hữu Đạo tới thăm. Hữu Đạo cùng một số anh chị em khác trong phong trào đô thị lên R dự một lớp tập huấn gì đó, rồi biết chuyện bài thơ của tôi bị “đánh”. Sau khi tới nhà in xin bài thơ bị xé khỏi cuốn tạp chí Văn nghệ, Hữu Đạo đã quyết định đi bộ một ngày tới thăm tôi. Chỉ để chia sẻ. Là một thủ lĩnh trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn, thơ rất dữ dội, nhưng Hữu Đạo (tên thật: Nguyễn Sĩ Hiền, quê Đồng Tháp) lại là người cực hiền. Anh nói năng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát. Cái cách anh chia sẻ và ủng hộ bài thơ tôi, cũng ấm áp và dứt khoát, không đao to búa lớn. Mới gặp Hữu Đạo, nhưng tôi có cảm giác chúng tôi đã thân thiết với nhau từ lâu lắm. Có một sợi dây linh cảm giữa hai người bạn khiến chúng tôi mới gặp đã thân nhau, bất chấp những bài thơ gặp nạn, bất chấp các thủ trưởng quyền uy và những gì khác. Lại một đêm thức trắng bên sông Vàm Cỏ cùng Hữu Đạo. Lại một “bữa tiệc” canh rau tàu bay, như đã cùng với nhà thơ Chim Trắng. Cả Chim Trắng, Hữu Đạo và tôi, chúng tôi là những người tự do từ trong bản thể, và chỉ đơn giản như vậy. Thơ chúng tôi, yêu nước thương dân trong tình yêu tự do, và không chấp nhận đánh đổi tự do với bất cứ thứ gì. “Ta đã lớn ở bên này châu Á” là một câu thơ và cũng là tên một tập thơ của Hữu Đạo xuất bản nửa công khai ở Sài Gòn ngày chống Mỹ. Tôi đã được đọc một số bài trong tập thơ này và càng yêu quý Hữu Đạo hơn.
 Bài thơ cho bạn
Sau giải phóng, một hôm đi chiếc xe đạp cà tàng không chắn bùn chắn xích không chuông không phanh từ chiến khu mang về (loại xe đạp khiến người dân Sài Gòn hồi đó rất… ngưỡng mộ, có lẽ vì nó lạ, nó “không giống ai”) nghêu ngao giữa Sài Gòn, tôi tình cờ gặp lại Hữu Đạo. Giữa Sài Gòn, hai anh em ôm nhau, rồi lập tức dìu nhau vào một quán cóc bên vỉa hè làm mấy chai bia “con Cọp” mừng hội ngộ. Hữu Đạo nói với tôi là anh đang làm công tác Đoàn, hay một cái gì tương tự như vậy, ở một quận của Sài Gòn. Tôi cũng vô tâm tới mức không hỏi lúc này anh sống như thế nào, đã lập gia đình chưa. Tôi đâu có ngờ, đó là lần cuối cùng tôi gặp Hữu Đạo. Vì ít lâu sau, tôi lại lang thang qua nhiều tỉnh thành ở miền Nam, trước khi trở ra Hà Nội. Khoảng tháng 8.1975, từ Hà Nội tôi nhận được điện tín, hình như của Tám Nhân, báo tin Hữu Đạo đang nằm bệnh viện Sài Gòn vì bị bệnh tim rất nặng. Tôi đã viết bài thơ này, như một mong ước, như lời cầu nguyện, rằng tôi sẽ còn gặp lại người bạn mà tôi yêu quý. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Hữu Đạo đã mất, còn tôi lại phải xuống tận Hải Dương, ở một trung tâm an dưỡng dành cho lính từ chiến trường B ra Bắc.
GỬI HỮU ĐẠO
Làm sao mình quên - bạn đã đến với mình
một nửa ngày nhịn ăn một nửa ngày đi bộ
bài thơ nhỏ sẻ đôi cùng cơm nguội
câu chuyện dài
đêm ấy
nói xong đâu
Tôi tin ở linh cảm mình biết bao
ngày chúng ta gặp lại
những người bạn trên đời không thể xa nhau mãi
dù đêm nay gió vật vã trên đầu

Tôi tin ở linh cảm mình biết bao
như tôi tin ở tấm lòng của bạn
ở trái tim đau của bạn
ở người con gái bạn yêu và vô cùng yêu bạn
chỉ tình yêu - dưỡng khí nhiệm màu
chỉ tình yêu cứu bạn khỏi cơn đau
Tôi khẩn thiết yêu cầu một tình yêu như thế
đến với bạn cùng những bình dưỡng khí!
Đạo ơi, chúng mình sẽ gặp nhau
nhất định chúng mình phải
gặp nhau
Tôi mãi mãi tin vào linh cảm.
Hà Nội 1975
Sau này, khi gặp và chơi thân với Nguyễn Công Khế, tôi lại nghe Khế kể về thời gian Hữu Đạo và Khế ở trong tù. Nghĩ thương bạn mình hơn. Theo lời Khế, thì thời gian ở tù, Hữu Đạo đã có người yêu tên là Hương. Nhưng sau giải phóng, anh chị chưa kịp làm lễ cưới thì Hữu Đạo mất. Khi những người tài năng và tốt lành như Hữu Đạo lại phải chết trẻ, khiến bạn bè nhiều lúc cảm thấy xót xa. 40 năm đã trôi qua từ ngày Hữu Đạo vĩnh biệt bạn bè, đọc lại những bài thơ của anh được nhà báo Lê Văn Nuôi - bạn tranh đấu của Hữu Đạo - giới thiệu, càng hiểu thêm về phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam thuở ấy, cũng như những đóng góp không hề nhỏ của lớp trẻ học sinh, sinh viên Sài Gòn, trong đó có những nhà thơ trẻ, những nhạc sĩ trẻ, cho ngày Thống nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.