Số phận con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga - Kỳ 1: 'Số nhọ' gấp ba người khác

24/11/2016 10:07 GMT+7

Đã 38 năm từ ngày Thanh Nga ra đi mãi mãi, tiếng súng chát chúa của những kẻ đã lấy đi sinh mạng nữ nghệ sĩ tài danh vẫn còn để lại ám ảnh trong những người mến mộ bà và đặc biệt là cậu con trai Cúc Cu.

Sài Gòn đêm 26.11.1978. Dư luận đã chấn động trước vụ án vợ chồng nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga bị sát hại ngay trước cửa nhà riêng trên đường Ngô Tùng Châu, quận 1 (nay là đường Lê Thị Riêng). Đó là thời điểm nữ nghệ sĩ vừa diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở một rạp hát gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và lên chiếc xe hiệu Volkswagen màu xám nhạt cùng chồng con về nhà. 
Khi đó, Thanh Nga ngồi ở băng sau cùng với cậu con trai Cúc Cu, 5 tuổi. Ở ghế trước còn có vệ sĩ theo bảo vệ cả gia đình. Thế nhưng, ngay khi xe dừng trước nhà, vệ sĩ bước ra mở cửa thì bất ngờ một chiếc Honda 67 trờ tới. Hai người lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn khống chế vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu.
Khi vợ chồng nghệ sĩ chống cự, chúng đã nã súng bắn chết ông Phạm Duy Lân, chồng của Thanh Nga. Nữ nghệ sĩ đau đớn thốt lên: "Bố chết rồi mẹ con mình chết theo bố thôi" và rồi cũng lãnh ngay một viên đạn từ những kẻ thủ ác. Viên đạn lạnh tanh ghim vào ngực trái đã cướp đi mạng sống của nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga ở tuổi 36. Thời điểm đó, bà đã giấu con trai ra sau lưng và may mắn cậu bé giữ được tính mạng.
Nghệ sĩ cải lương Thanh Nga qua đời cách đây đúng 38 năm
Đã 38 năm trôi qua, cậu con trai Cúc Cu ngày nào giờ đây đã trưởng thành, lập gia đình và được khán giả biết đến với nghệ danh Hà Linh. Thế nhưng, ký ức về bố mẹ cùng nỗi ám ảnh trước sự ra đi cùng lúc của hai người thân vẫn còn dai dẳng trong tâm trí anh...
"Gặp chuyện oan ức, tôi mới ý thức được chỉ có một mình"
Tôi gặp nghệ sĩ Hà Linh tại một quán cà phê vào buổi chiều. Người đàn ông trước mặt dù đã trải qua những bi kịch được coi là khủng khiếp nhất của đời người, lại khiến tôi khá bất ngờ về sự bình thản của anh. 
Từ khi bắt đầu câu chuyện, Hà Linh luôn mở đầu bằng chữ "dạ", kể cả với người nhỏ tuổi hơn mình. Anh bảo đó là thói quen từ nhỏ. "Thứ nhất, tôi ý thức mình là nghệ sĩ, khi bước ra đường, mấy bé nhỏ "chào chú", tôi cũng "dạ chào cháu". Bất cứ ai khi họ nhận ra mình là nghệ sĩ thì mình phải trân trọng họ. Đây là truyền thống gia đình, không phải người này truyền người kia mà tôi nhìn theo cách ứng xử của gia đình và học theo", anh nói.
Hà Linh bảo anh có gương mặt giống mẹ - cố nghệ sĩ Thanh Nga và vóc dáng giống bố - ông Phạm Duy Lân. Do bi kịch gia đình xảy ra khi còn quá nhỏ nên đến bây giờ bức chân dung bố mẹ trong tâm trí Hà Linh thật khó mà hoàn chỉnh. Anh kể: "Sau khi bố mẹ mất, tôi về sống với ngoại (bà bầu Thơ nổi tiếng của gánh hát Thanh Minh Thanh Nga - PV). Nhờ vậy mà được nghe mọi người kể nhiều về mẹ. Còn bố thì đến giờ tôi không biết bố thích gì, làm gì, có hút thuốc hay không nữa...".
Nghệ sĩ Thanh Nga lúc còn sống rất yêu thương con trai
Sống với gia đình bên ngoại, được dì cậu hết mực yêu thương nhưng tình thương đó làm sao ngăn được sự tủi thân của một cậu bé khi nghĩ về thân phận côi cút. Hà Linh tâm sự: "Tôi cảm thấy hơi chạnh lòng mỗi khi nhắc lại. Người ta có cha có mẹ, khi buồn thì về tâm sự với cha mẹ, chỉ cần cha mẹ vuốt đầu thì cũng vui rồi. Tôi thì không tâm sự được với ai, có những lúc chạnh lòng khi thấy con cậu, con dì được cha mẹ chăm sóc. Có chuyện gì oan ức, tôi hay khóc vì nhớ bố mẹ. Lúc đó, tôi mới ý thức được rằng tôi chỉ có một mình".
Nhắc về chuyện cũ, nam nghệ sĩ rơi nước mắt. Những giọt nước mắt mặn chát của người đàn ông ngoài 40 khiến không gian xung quanh như đặc quánh lại. Nhưng anh không để câu chuyện trở nên bi lụy. Hà Linh bảo những người bình thường có cha, có mẹ, khi họ vấp ngã thì cha mẹ là người đỡ họ lên và hướng họ đi vào con đường đúng đắn. Còn anh, một thân một mình nên khi vấp ngã phải tự đứng lên và tìm đường đúng để mà đi. Nhờ vậy, anh luôn tự nhắc mình không để sa vào những chuyện sai trái.
Xui xẻo gấp 3 lần người khác
Làm nghệ sĩ nhiều áp lực, sinh ra trong một gia đình danh tiếng lại càng áp lực hơn. Hà Linh bảo con người ai cũng có hỉ nộ ái ố nhưng bản thân anh phải tập buông bỏ, cái gì cho qua được thì cho qua. Ra đường, nhiều lúc bị va quẹt mà không phải lỗi của mình cũng bực chứ nhưng vừa mở khẩu trang ra, người ta nhận ra ngay Hà Linh, vậy là anh phải cười xòa.
Có một chuyện ở Hà Linh không biết nên khóc hay nên cười, đó là chuyện anh thường xuyên gặp xui, đến mức cảm giác như những cái xui trên đời tập trung hết vào anh. "Người ta gặp xui một lần thì tôi gặp xui tới 3 lần. Chẳng hạn như nhà lắp mạng internet, người ta không gặp vấn đề gì còn đến lượt tôi thì... hỏng. Nhân viên bảo với tôi rằng 1.000 trường hợp mới có một trường hợp như anh. Rồi đi quay, khi mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, Hà Linh bước ra thì máy đèn... đứt bóng. Mọi người đổ thừa tôi báo hại cả đoàn gặp xui theo", Hà Linh cười như mếu.
Tôi hỏi: "Anh có bao giờ trách số phận?", anh cười khì: "Ban đầu, tôi cũng buồn bực, than trách dữ lắm. Tôi khóc nhưng không dám khóc trước mặt mọi người mà chỉ dám nói: "Bố mẹ mất sớm, con khổ quá". Tôi cũng không biết trách gì bây giờ. Số tôi "đen" lắm, nhiều vấn đề giống như tâm linh vậy, thường kém may mắn hơn người ta. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa làm cái gì một lần mà thành công ngay. Bây giờ vẫn vậy".
Hà Linh (bìa phải) tham gia chương trình Tôi là người chiến thắng 2015
Khi còn nhỏ, Hà Linh nhớ nhất là những lần được ăn cơm cùng ngoại vì bà rất bận nhưng cũng là người chăm lo cho anh từng chút một. 10 năm sau cái chết của bố mẹ, bà ngoại cũng ra đi. 15 tuổi, Hà Linh đã sống tự lập bằng tiền đi tấu hài của mình.
Ít ai biết rằng dù sinh ra trong một gia đình toàn những tên tuổi lừng lẫy như Thanh Nga, Bảo Quốc, Hữu Châu... nhưng ban đầu, gia đình không có ý định cho Hà Linh theo nghề vì lúc nhỏ anh không bộc lộ năng khiếu gì về nghệ thuật dù từng được nghệ sĩ Hữu Châu cho qua đội kịch của Nhà thiếu nhi thành phố để học.
Hà Linh không hát cải lương được. Đó thật sự là một điều đáng tiếc dù rằng từ nhỏ đến lớn anh vẫn thường xuyên nghe đi nghe lại những băng cải lương của mẹ. Tuy nhiên, có gì đó vẫn luôn thôi thúc anh tìm đến nghệ thuật và quyết định thi vào trường sân khấu.
Những ngày đi học, nếu có ai hỏi phải con của nghệ sĩ Thanh Nga không, Hà Linh đều lắc đầu và nói rằng chắc... nhầm người. Anh sợ những cái nhìn thương hại, sợ làm mang tiếng gia đình, sợ bị cho là dựa vào danh tiếng của người mẹ tài hoa bạc mệnh.
Hà Linh học chung khóa với đạo diễn Nhâm Minh Hiền, diễn viên Trịnh Kim Chi, Cát Phượng, Sơn Hải, Hữu Lộc… Mới năm nhất, anh đã hăng hái xin đi diễn, dù chỉ là vai quần chúng. Công việc đầu tiên của anh là... bán vé tại sân khấu của nghệ sĩ Phước Sang rồi dần dần trở thành người sắp chỗ cho khán giả, nhân viên hậu đài... Mất một thời gian mới đường hoàng bước lên sân khấu, thế nhưng, "số nhọ" vẫn bám riết lấy anh...
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.